Truyền thống “Con gái Bình Định múa roi đi quyền” như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn. Các thế hệ con gái Bình Định đã thay nhau thắp sáng ngọn lửa đam mê võ cổ truyền, tạo nên hình ảnh “con gái đất Võ” mạnh mẽ, khí phách đã đi vào lịch sử và sự nể phục của mọi người mỗi khi nhắc đến.
|
Nữ võ sinh của HLV Nguyễn Thị Kim Huệ biểu diễn tại chùa Long Phước. Ảnh: H.T
|
Giữ mạch nguồn truyền thống
Tại những lò võ cổ truyền ở các địa phương trong tỉnh, lực lượng nữ võ sinh đông không kém gì nam. Tại điểm dạy võ cổ truyền của HLV Hồ Sỹ ở Bảo tàng Quang Trung vào cuối tháng 12 này, chỉ thấy toàn học trò nữ. “Các em nữ học võ ngày càng đông. Ba năm gần đây, nữ học võ còn đông hơn nam. Thường nữ thích học biểu diễn quyền, binh khí nhưng cũng có một số em chịu khổ luyện thi đấu đối kháng và gặt hái được thành công ở các giải đấu cấp tỉnh…”, HLV Hồ Sỹ cho biết. Trong số các học trò của HLV Hồ Sỹ, có em Phạm Thị Thúy Quỳnh (6 tuổi), có khuôn mặt xinh xắn, đã được chọn biểu diễn trong đội Nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung. Quỳnh đã tạo được ấn tượng về sự tiếp nối truyền thống con gái đất Võ.
|
Các VĐV nữ Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định biểu diễn tại Hà Nội trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: H.T
|
Ở võ đường Lê Xuân Cảnh (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn), lực lượng nữ võ sinh cũng rất đông, họ còn tham gia tích cực vào các hoạt động múa lân, thi đấu cờ người của võ đường. Võ sư Lê Xuân Cảnh cho biết: “Ưu điểm của nữ võ sinh là rèn luyện chuyên cần, nhiều em đã phát huy được tài năng biểu diễn”. Ở CLB Nguyễn Thanh Vũ (TP Quy Nhơn), lực lượng nữ võ sinh đóng góp rất lớn vào thành tích của CLB, từ nội dung hội thi (biểu diễn) tại các giải đấu.
Xứng danh con gái đất Võ
Đất Võ đang có những gương mặt nữ theo đuổi nghiệp võ với tâm huyết tràn đầy. Nổi bật là HLV Nguyễn Thị Kim Huệ (35 tuổi) có hơn 20 năm gắn bó với võ cổ truyền. Kim Huệ thuộc lứa học trò của “thời hoàng kim” đào tạo võ cổ truyền ở chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Cô nhớ lại: “Khi được tuyển chọn tham gia đội tuyển võ cổ truyền Bình Định vào năm 1999, chỉ có mình tôi là nữ, không tham gia rèn luyện thể lực bằng cách chơi đá banh như các anh trong đội được, nên đành lủi thủi tập riêng… Gắn bó với đội tuyển gần 8 năm và đoạt được hơn chục huy chương vàng, bạc, đồng quốc gia ở nội dung hội thi, tôi mới nghỉ sau khi đã lấy chồng một thời gian”. HLV Kim Huệ đã cống hiến tích cực cho hoạt động CLB võ thuật Chùa Long Phước. Học trò nữ đến học “thầy Huệ” rất đông, nhiều người đã đạt thành tích cao ở nội dung hội thi Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh; một số được tuyển chọn tham gia Đội tuyển Võ cổ truyền của tỉnh. “Thương học trò, mê tập luyện nên khi có bầu tôi vẫn cố gắng hướng dẫn các em. Khi có con nhỏ, để ở nhà không yên tâm nên phải bế theo, vừa dạy võ vừa dỗ con… Dù vậy, tôi quyết truyền lửa đam mê cho học trò, gìn giữ truyền thống võ thuật của quê hương”, HLV Kim Huệ tâm sự.
|
HLV Hồ Sỹ đang hướng dẫn học trò nữ luyện tập tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: H.T
|
Trong hơn 15 năm theo đuổi nghiệp võ, Phạm Thị Lành là VĐV đặc biệt nhất khi giành được huy chương vô địch quốc gia ở 3 môn võ: Taekwondo, Pencak silat, võ cổ truyền. Lành đã có tên trong danh sách tập trung đội tuyển Pencak silat Việt Nam tham dự SEA Games năm 1997, nhưng vì chấn thương nên không thể tham dự. Phạm Thị Lành còn là cô gái của những kỷ lục, khi thường thi đấu hai nội dung ở một giải. Năm 2008, sau khi sinh đứa con đầu lòng được 6 tháng, Lành đã lao vào tập luyện để rồi đoạt hai HCV ở Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc. Hai năm sau, khi đã 33 tuổi, cô giành tấm HCV quý giá ở Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn quốc với bài Lão mai quyền. Đó cũng là lần đầu tiên, nội dung biểu diễn đội tuyển võ cổ truyền Bình Định giành được HCV ở một kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Tương tự như Phạm Thị Lành, Phan Thị Diệu Hằng cũng khởi đầu nghiệp võ với môn Taekwondo. Nhưng sau đó, cô lại gắn bó phần lớn sự nghiệp với võ cổ truyền ở nội dung đối kháng. Giới võ thuật trong nước vẫn chưa thể quên một Diệu Hằng dũng mãnh trên sàn đài cách đây vài năm, khi cô thống trị hạng cân 51kg trong 3 năm liền (từ 2004 đến 2006). Tính đến thời điểm này, HCV mà Hằng giành được năm 2006 cũng là tấm HCV Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên và duy nhất mà một nữ võ sĩ đối kháng đem về cho thể thao Bình Định.
Vững tin vào tương lai
Năm 2002, bộ môn võ cổ truyền được đưa vào chương trình thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc, lực lượng VĐV được xây dựng ngày càng hùng hậu.
Trong vai trò trợ lý huấn luyện nội dung biểu diễn, Phạm Thị Lành cùng các HLV khác gầy dựng nên lứa VĐV trẻ đầy triển vọng. Trong đó có các thành viên nữ như: Trà Huy, Hoài Vân, Tuyết Trinh… Nhờ kinh nghiệm trong nhiều năm tập luyện, thi đấu, Lành luôn biết cách chia sẻ, động viên và khơi gợi lòng quyết tâm từ lứa đàn em, giúp họ hoàn thành các bài tập cũng như thi đấu với phong độ tốt nhất. “Các VĐV nữ hiện nay chú tâm vào việc học văn hóa nhiều hơn so với chúng tôi trước đây, nhưng họ vẫn rất nghiêm túc trong tập luyện. Nhiều em có tố chất tốt, khả năng tiếp thu nhanh nên chắc chắn sẽ còn thành công hơn những gì mà tôi đã làm được” - Phạm Thị Lành nhìn nhận.
|
Phạm Thị Lành (người đầu tiên bên trái) đã có nhiều đóng góp tích cực trong vai trò trợ lý HLV nội dung biểu diễn. Ảnh: Văn Lưu
|
Chấn thương nặng ở đầu gối trong một lần thượng đài khiến Phan Thị Diệu Hằng phải giã từ sự nghiệp VĐV để chuyển sang công tác huấn luyện từ năm 2007. Được phân công làm trợ lý hướng dẫn cho các nữ võ sĩ, Diệu Hằng tỏ ra khá nghiêm khắc trong việc yêu cầu các học trò thực hiện những động tác ra đòn. Chính nhờ sự dìu dắt của Diệu Hằng mà những La Thị Trụ, Trần Thị Nhung, Lê Thị Tuyến, Phạm Thị Gái, Nguyễn Thị Hằng Nga, Từ Thị Bé Hiền… đã trưởng thành hơn rất nhiều, giành được nhiều tấm huy chương quý giá ở các Giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc hàng năm.
Biểu đồ thành tích của các VĐV nữ Đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định đang có chiều hướng đi lên, và với lực lượng kế cận hùng hậu, có chuyên môn tốt như hiện nay, có thể tin rằng “con gái Bình Định” sẽ tiếp tục làm rạng danh đất Võ trong tương lai, ở những đấu trường lớn.
|