Vị trái cây ngày Tết
16:51', 13/1/ 2012 (GMT+7)

Mùa xuân là mùa hoa trái. Ngoài những loại trái cây bản địa vẫn nuôi sống người quê chân chất, mấy năm gần đây, hương vị Tết của người xứ nẫu càng thêm phong phú bởi các loại trái cây miền Nam ra trái nghịch vụ đã được trồng ngay trên đồng đất quê mình.

 

Niềm vui của ông Chính khi Tết này bưởi da xanh lại ra trái vụ đúng vào dịp Tết. Ảnh: T.B

 

1.

Nói về nơi trồng chuối sứ ở tỉnh ta (còn gọi là chuối mốc), không đâu qua được Vân Canh. Những ngày đầu tháng Chạp, đi dọc con đường tỉnh 638 đã ngửi được mùi của chuối. Hôm chúng tôi về Vân Canh, vợ chồng anh Hồng, ở xã Canh Hiệp, chất chục buồng chuối trên hai chiếc xe máy đem lên chợ huyện bán. “Vào dịp này, tiểu thương các chợ ở dưới hay lên đây buôn chuối về bán lắm. Họ vào tận vườn mua nhưng giá không cao, mình chịu khó mang xuống chợ bán lẻ vẫn hơn. Chỉ qua 20 tháng Chạp, chuối rộ thì tui bán sỉ luôn tại vườn”, anh Hồng vui vẻ nói.  

Tiểu thương chợ ở dưới mà anh Hồng nói là những người chuyên buôn chuối từ Vân Canh về bán sỉ, hoặc lẻ cho các chợ Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Với gần một hecta chuối mốc, tính cả cây mẹ cây con, anh Hồng bảo ít gì cũng thu hoạch được hơn 150 buồng. Thời điểm bây giờ giá bán khoảng 30.000-40.000 đồng/buồng, nhưng đến Tết giá đội lên vài trăm ngàn đồng. Năm ngoái, chừng 23 tháng Chạp trở lên, buồng chuối nào xấu nhất cũng bán được 70.000 đồng, buồng đẹp bán lẻ đến 300.000 đồng, vợ chồng anh Hồng thu được vài chục triệu ăn tết.

Anh Hồng cho biết, để có những buồng chuối đẹp bán tết đã phải lo từ vài tháng trước; từ việc chọn cây, cắt gọt rễ rồi rắc tro vào chỗ cắt để ba ngày mới đem trồng. Cách bón phân cũng quyết định việc cây chuối ra buồng chuối đẹp. Khi chuối ra trái, để chừng 6-7 nải là cắt “mòm” (phần hoa chuối còn lại sau khi đã nở) để cây có sức nuôi trái.

Ở Vân Canh, giờ không thiếu những hộ trồng chuối mốc với số lượng nhiều như vợ chồng anh Hồng. Tận dụng địa thế vườn đồi, đất tốt, nhiều hộ chịu khó làm đất trên đồi cao để trồng. Năm ngoái, cả huyện có khoảng 200 hecta chuối mốc thì Tết nay đã lên đến 320 hecta. Ông Huỳnh Chút, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh khi nói về cây chuối đã so sánh: “Trước đây bà con trồng chuối, trước là vì không muốn để đất trống, sau là có nải chuối cúng gia tiên hay cho con cháu ăn. Nay, cây chuối được xem như “cây xóa đói giảm nghèo” của người dân trong huyện”.

Nói thế để thấy dân Vân Canh đang rất “hít” với loại cây này. Gọi Vân Canh là đất chuối không ngoa. Cũng vì thế mà chợ Vân Canh những ngày giáp Tết đông nghẹt người và xe tải nhỏ đến mua chuối. Chợ chuối tết sôi động từ ngày 20 tháng Chạp, với cả ngàn buồng chuối được tiêu thụ mỗi ngày, được các thương lái thu gom vận chuyển đi khắp nơi. Để có chuối bán, những người nông dân trồng chuối phải lên rẫy từ ngày hôm trước, sau đó vận chuyển xuống chân đồi để bán tại chỗ hay đem ra chợ.

 

Chuối Vân Canh. Ảnh: HOÀNG TUẤN

 

Chuối mốc ở Vân Canh đã trở thành thương hiệu, được nhiều người chọn lựa để mua, dù giá vào những ngày Tết tăng có khi gấp vài lần. Những buồng chuối đủ độ già để thu hoạch đúng dịp Tết có giá rất cao. Trung bình một buồng chuối có 6,7 nải giá bán 200.000-300.000 đồng/buồng. Theo những người trồng chuối như vợ chồng anh Hồng thì nải chuối đẹp phải là nải chuối có quả đầy đặn cong đều, mập, tròn, màu sáng, còn “đầu ruồi”, có thể bán với giá 50.000-60.000 đồng, trong khi giá ngày thường chỉ chừng chục ngàn đồng.

Hai năm gần đây, chợ chuối Vân Canh còn có sự góp mặt của tiểu thương buôn chuối từ An Khê (tỉnh Gia Lai). Chị Đào, một tiểu thương của chợ Diêu Trì, huyện Tuy Phước, cho biết: “Bình thường, tụi tui chỉ mua vài chục buồng/ngày để bỏ mối cho nhiều người. Nhưng đến Tết, tui phải gom cả trăm buồng chuối mới đủ số lượng khách đặt hàng. Chuối Vân Canh đều trái, tròn, ăn có vị ngọt thanh nên ai cũng thích”.

2.

Ngoài trái cây của bản xứ, nhiều loại trái cây miền Nam đã du nhập về Bình Định,  được ưa chuộng như chôm chôm, bưởi da xanh… được chủ vườn chăm sóc cho ra trái vụ bán tết.

Bình thường bưởi chỉ bán vào tháng 7, nhưng sức quyến rũ của giá trái cây nghịch vụ khó có nhà vườn nào từ chối. Năm nay, cả trăm gốc bưởi da xanh của ông Huỳnh Công Chính, 49 tuổi, ở xóm 5, thôn Gia Chiểu 1, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, đặc trái nghịch vụ. Những cây bưởi 6 năm tuổi, cao chỉ nhỉnh hơn đầu người, mỗi cây có đến trăm quả lúc lỉu.

Ông Chính là người đầu tiên của huyện đưa giống bưởi da xanh này về trồng trong vườn. Ban đầu cây cũng không chịu đất. Nhưng rồi nhờ chăm sóc tốt, bưởi không phụ lòng người. “Năm đầu cũng hơi nhọc công để cây phát triển tốt. Nhưng từ năm thứ hai trở đi chỉ cần bón phân một lần. Cái anh bưởi này phải tưới nhiều nước thì trái mới mọng. Mọi năm chỉ có một mùa, quả không nhiều nên dễ tưới. Từ hai năm nay, trái nhiều lại ra hai vụ, vợ chồng tui đã khoan giếng lớn, dùng béc để tưới mà cũng không xuể”, ông Chính cho biết.

Ở Hoài Ân hiện giờ có vài hộ trồng bưởi da xanh, nhưng chưa đến lúc thu quả rộ. Đi cùng ông Chính ra vườn, chúng tôi không khỏi ngợp mắt với những quả bưởi đủ cỡ lớn, bé sà ngay trước mặt. Chỉ vào những quả bưởi to bằng đầu người, ông Chính bảo Tết này cũng nặng được 2 ký, bán được. Bưởi da xanh trồng ở Bình Định ngon không kém xứ sở của nó. Cũng mọng nước, ngọt thanh. Nhưng giá bán “mềm” hơn nhiều. Bưởi chính vụ có giá 8.000-9.000 đồng/kg, còn trái vụ ngày Tết thì giá hấp dẫn hơn.

Năm nay, Hoài Ân cũng trúng mùa chôm chôm trái vụ. Nhưng, đến giữa tháng 11, gặp đợt mưa dai dẳng, khoảng chục tấn chôm chôm trái vụ của lão nông Nguyễn Văn Sen, 70 tuổi, ở xã Ân Hảo Tây, rụng hơn phân nửa. Đến giờ, ông Sen đã thu hoạch rải rác được một tấn chôm chôm, số còn lại khoảng 3 tấn để dành bán tết. Ông bảo vậy còn đỡ, năm ngoái mấy trăm gốc chôm chôm không ra quả, ông phải chặt bỏ bớt.

 

Trái cây miền Nam trồng tại Bình Định được bày bán ngày càng nhiều tại các chợ. Ảnh:  V.L

 

Một cán bộ phòng nông nghiệp huyện cho biết, dù chưa phải là thế mạnh của huyện, số hộ trồng cũng chưa nhiều nhưng sự du nhập của các loại trái cây miền Nam đã làm nên sự phong phú cho mâm cỗ ngày Tết. Chị Thanh, người thu mua chôm chôm trái vụ ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, nói: “Chôm chôm vào vụ hai tháng nay, mỗi ngày tui lên đây chờ hái mà cũng chỉ được vài chục ký, giá 10.000 đồng/kg. Ngày Tết, giá chôm chôm cũng lên được vài ngàn đồng/kg”.

3.

Ngày Tết, nhà nào cũng có một mâm ngũ quả cùng các món ăn đặc trưng của vùng đất quê hương. Trái cây ngày Tết, khách mua tha hồ lựa chọn, người không mua cũng ngắm nhìn thỏa thuê con mắt. Trái cây không chỉ để làm mâm ngũ quả, không chỉ là niềm vui được mùa của nhà nông mà hơn hết nó làm nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về. Hương Tết vì thế càng thêm đậm đà!

  • Thanh Bình
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh ít lá gai  (13/01/2012)
Con gái đất Võ  (12/01/2012)
Những ngọn roi, đường kiếm thất truyền của miền đất Võ  (12/01/2012)
Trẻ và khát khao hơn!  (12/01/2012)
Phố văn công  (12/01/2012)
THƠ  (11/01/2012)
Kỳ thú lăng Ông  (10/01/2012)
Cũng may em chưa ngoại tình  (11/01/2012)
Dương Thanh Hào - đường đến SEA Games  (10/01/2012)
Những không gian cà phê Quy Nhơn  (10/01/2012)
Năm Thìn kể chuyện xương rồng  (10/01/2012)
“30 năm ấy, chân không nghỉ”(*)  (23/01/2011)
Năm mới, thắng lợi mới!  (23/01/2011)
Tạo sự chuyển biến chung trên toàn xã hội  (23/01/2011)
Tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn  (23/01/2011)