Những dãy nhà của Trại giam Kim Sơn như lọt thỏm giữa mênh mông, bao la xanh mướt của cây lá trùng điệp dậy lên sắc non tơ của xuân. Từ đầu tháng Chạp, đường lên Trại giam Kim Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), thuộc Tổng Cục VIII, Bộ Công an, rộn rịp xe cộ, khác hẳn vẻ quạnh vắng ngày thường. Tháng Chạp là thời điểm các gia đình lên thăm nuôi, tặng quà cho người thân đang thụ án…
|
Một tiết mục biểu diễn văn nghệ do các phạm nhân dàn dựng, biểu diễn.
|
Tết ở nơi tưởng - không - có - tết
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn, khoảng đầu tháng 12 hàng năm, Trại bắt đầu lên kế hoạch tổ chức đại hội tự quản phạm nhân, triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Từ thời điểm này trở đi, các phạm nhân sẽ bầu chọn những người có thành tích cải tạo tốt, tiêu biểu xứng đáng làm cầu nối giữa Hội đồng giáo dục của trại và Ban Giám thị; tổ chức họp xét giảm án những cá nhân có thành tích cải tạo tốt. Riêng phạm nhân cũng thêm một mối bận rộn. Từ người “nhiều chữ” đến người mới bắt đầu tập viết cùng tham gia viết bài báo tường do Trại phát động. Những bài báo chất lượng, nội dung hay sẽ được lựa chọn đăng trong tờ báo của mỗi đội. Ban tổ chức sẽ chấm điểm và trao giải cho các đội có tờ báo xuất sắc nhất.
Phạm nhân Đào Ngọc Anh, 57 tuổi (nhà ở Quy Nhơn) đã thụ án được 4 năm, nói với tôi rằng, mỗi lần Tết đến, ông lại nhớ đến không khí con cháu quây quần, chúc tụng cha mẹ trong ngày đầu năm mới. Chỉ vì sai lầm mà giờ đây cả hai vợ chồng đều đón tết ở nơi này. Ông đã lớn tuổi, cũng chẳng khao khát, ước vọng gì nhiều. Song, cũng như nhiều phạm nhân khác, ông cũng mong Tết đến. Thêm một cái Tết, nghĩa là ngày về với cuộc sống tự do đã gần thêm một chút. |
Cũng như mọi năm, Tết Nhâm Thìn, Trại dự định hạ khoảng trên chục con heo, bò tự nuôi để ăn tết. Ngày 28, 29 tháng Chạp, cả Trại rộn lên không khí chuẩn bị thịt thà, gói bánh chưng, bánh tét chuẩn bị cho bốn ngày tết. Những phạm nhân có “khả năng bếp núc” cùng nhau chia việc đảm trách từ khâu mổ heo, bò đến chế biến thực phẩm, gói bánh chưng bánh tét.
Đại tá Thân Hùng Hạnh, Giám thị Trại giam Kim Sơn cho biết: “Theo quy định của Nhà nước, từ ngày 30 tháng Chạp đến hết mồng Ba Tết, mỗi ngày phạm nhân được ăn gấp 5 lần so với tiêu chuẩn ngày thường. Ngoài ra, các phạm nhân cũng có thêm khoản tiền tết vài chục ngàn đồng trích từ khoản lãi tăng gia sản xuất của đơn vị và vượt khoán sản xuất của mỗi đội, tùy theo đội vượt nhiều hay ít. Đối với những phạm nhân không có gia đình lên thăm nuôi, Trại sẽ chuẩn bị quà tặng, ít thôi nhưng chân thành và mang ý nghĩa động viên”.
Từ chiều mồng Một đến mồng Bốn Tết, tại hai phân trại đều sôi nổi diễn ra các hoạt động thể dục thể thao. Nam thi đấu bóng chuyền, đá cầu, cầu lông, nhảy bao, đập ấm; nữ thi cầu lông, nhảy bao, đập ấm. Phạm nhân Dương Thị Thu, thụ án 6 năm, đang làm việc ở phân xưởng may, Phân trại 1 tâm sự: “Chị em phụ nữ chúng tôi hễ nghe phát động các phong trào thể dục thể thao, ai nấy đều tích cực tham gia. Người chơi thì nhiệt tình, người ủng hộ cũng không hề thiếu lửa, cũng hò hét, nhảy cẫng lên khi thấy đội mình lên bóng, bỏ nhỏ đối phương. Nếu không có những trò chơi thể thao này trong dịp Tết thì có lẽ không ít chị em sẽ ngồi khóc trong 3 ngày tết vì nhớ con, nhớ nhà. Đến giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác đón tết đầu tiên nơi đây - buồn không chịu nổi. Tết đến, quà của người nhà lên thăm nuôi, chị em lại bày bánh trái ra chung vui cùng nhau. Tôi đón Tết ở đây 5 lần rồi, đến 30.4 năm nay thì mãn hạn …”.
Phạm nhân Nguyễn Văn Hảo, thụ án tại Phân trại 1, lại tâm sự rằng mỗi năm đến dịp Tết Nguyên đán là anh lại có cơ hội thể hiện tài năng vẽ, trang trí báo tường - một tố chất mà mãi đến khi vào trong trại mới được phát huy tối đa. Không chỉ vẽ cho Đội của mình, Hảo còn giúp trang trí cho nhiều tờ báo của các đội khác nữa. Chuyện làm “họa sĩ” của anh thật tình cờ. Đó là một phạm nhân biết nghề vẽ thấy Hảo cũng quan tâm, say mê đến sắc màu, kẻ, vẽ, nên tận tâm hướng dẫn. Khi phạm nhân này ra trại, Hảo thay thế vị trí của anh ta, trở thành cây vẽ chính của trại, chuyên kẻ, vẽ, trang trí các khẩu hiệu, phông nền của Trại. “Không được hưởng không khí tươi vui, rộn rịp ở bên ngoài, nhưng qua sắc vàng rực rỡ của hoa mai, màu hồng nhuần nhị của đào thắm hiện lên trên các bức tranh, tôi đã phần nào cảm nhận không khí xuân rộn rã…” - Hảo nói. 25 tháng nữa, Hảo sẽ được tự do.
Ấm áp mùa xuân
Ấy là những gì tôi cảm nhận được khi nhìn thấy đôi vợ chồng trẻ ở Phòng gặp chung dành cho nhiều phạm nhân và gia đình. Vợ tíu tít quà cáp, mắt đăm đắm nhìn chồng. Từ đằng xa, chồng mặc quần áo phạm nhân - đón vợ bằng câu đùa vui đầy vẻ yêu thương: “Vợ lại có đồng hồ đẹp nữa nha…”. Lát nữa đây thôi, đôi vợ chồng trẻ ấy sẽ được gặp nhau thêm vài giờ nữa ở Phòng gặp riêng, sát bên Phòng gặp chung, mà nhiều người vẫn gọi bằng cái - tên - đúng - nghĩa - của - nó là “Căn buồng hạnh phúc”.
Dịp Tết cổ truyền Trại giam Kim Sơn nhộn nhịp, đông đúc hẳn lên. Cán bộ, chiến sĩ Trại giam vất vả gấp đôi ngày thường khi lần lượt giải quyết hết số lượt người đến thăm nuôi, dẫn giải phạm nhân vào - ra nhưng ai cũng vui. “Thấy người ta vui trùng phùng, gặp mặt, mình cũng tạm quên nỗi buồn phiên trực ngày Tết mà không được đi chơi với người yêu…” - một chiến sĩ trẻ kể chuyện. |
Tôi đã được nghe kể nhiều về “căn buồng hạnh phúc” dành cho những đối tượng có chồng, vợ bị giam giữ tại đây. “Nếu vợ chồng có yêu cầu gặp thêm nhau từ 1-2 tiếng hoặc có nguyện vọng gặp 24 giờ tại Phòng gặp riêng thì làm đơn gởi Đội giáo dục - Hồ sơ để trình lên cấp trên xem xét. Những đối tượng được chấp thuận có quá trình cải tạo từ khá, tốt trở lên; với phạm nhân nữ thì phải cam đoan không để mang thai. Đây là một trong những biện pháp giúp phạm nhân nỗ lực cải tạo tốt hơn. Tuy nhiên, với trường hợp xin gặp 24 giờ phải cân nhắc án nhẹ, nặng, án có nguy hiểm hay không để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối…” - thượng tá Lê Đình Đúng, Phó Giám thị Phụ trách Phân trại 1 cho biết.
“Căn phòng hạnh phúc” - tôi vẫn thích gọi như thế hơn, rộng hơn chục mét vuông, đặt một chiếc giường đôi, có chiếu, gối, chăn đắp dành cho hai người. Có bàn nhựa, vài cái ly, phích nước sôi. Đơn giản vậy nhưng cũng đủ sưởi ấm lòng những đôi vợ chồng xa cách lâu ngày. Thật tình cờ, tôi gặp được chị Nguyễn Thành Kim Y., 26 tuổi, vừa mới từ TP Hồ Chí Minh, ra thăm nuôi chồng là phạm nhân Đặng Văn Mạnh, 27 tuổi, vừa làm đơn xin gặp thêm chồng vài giờ. “Chiều hôm qua vội đi nên tôi đã quên mang chứng minh nhân dân nhưng vẫn được chiếu cố, tạo điều kiện thuận lợi…”. Những cán bộ trong Đội Hồ sơ - Giáo dục, cho biết, hai năm nay, đều đặn mỗi tháng, Y. lại từ TP Hồ Chí Minh ra thăm chồng, lần nào cũng xin được gặp riêng thêm vài tiếng.
Cô vợ trẻ kể chồng cô là một trong những đối tượng liên quan đến vụ án băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm từ năm 2004 - 2006 đã sử dụng súng gây ra 11 vụ trọng án tại TP Hồ Chí Minh. 4 - 5 người trong vụ cướp đã bị tử hình. Riêng Mạnh, sau khi được vợ và gia đình động viên, đã xin đầu thú để hưởng lượng khoan hồng. Mạnh “đi trại” từ năm 2007, ban đầu ở Trại giam Hàm Tân (Bình Thuận), tuần nào Y. cũng ra thăm chồng. Khi Mạnh chuyển ra trại Kim Sơn, xa hơn, mỗi tháng Y. ra một bận. Chiều hôm trước Y. đón xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hoài Ân sáng sớm, gặp chồng được vài tiếng, đến chiều lại đón xe ngược vô lại TP Hồ Chí Minh, để kịp giờ đi làm vào sáng hôm sau. Y. tâm sự: “Tranh thủ vài ngày nghỉ cuối tháng, tôi tranh thủ đi thăm ảnh. Cũng may công việc bận rộn nên tôi không có thời gian mà nghĩ ngợi, buồn phiền, chỉ trông đến cuối tháng thật nhanh mà thôi. Gặp nhau lần nào cũng vội, cũng thấy thiếu thời gian. Song bao nhiêu đó thôi cũng đã vun thêm niềm tin cho chúng tôi, cho anh ấy phấn đấu làm lại cuộc đời…”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ kể, cách đây hơn chục năm, khi anh còn làm ở Đội giáo dục - Hồ sơ, đã “châm chước” cho một phạm nhân quê ở Hoài Ân phạm tội giết người: “Hồi ấy, chưa có chế độ cho gặp thêm giờ như bây giờ, nhưng nhìn ánh mắt anh ấy, tôi biết anh ấy muốn ở lại tâm sự với vợ biết bao. Tôi đã lờ đi, cho họ thêm một ít thời gian nữa. Sau này, khi gặp lại tôi, anh ấy cứ rối rít cảm ơn vì “nhờ anh tạo điều kiện mà tôi có thêm đứa con nữa”...
|