Rượu Bàu Đá được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chả cá Quy Nhơn cũng đang được xúc tiến để có chứng nhận này… Chuyện xây dựng nhãn hiệu cho các thương hiệu đặc sản ẩm thực truyền thống của Bình Định đang được nhiều người quan tâm.
|
Việc xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm đặc sản đã khó, duy trì thương hiệu và giữ tiếng thơm đó còn khó hơn.
- Trong ảnh: Rượu Bàu Đá đã có thương hiệu từ trước khi được công nhận nhãn hiệu bảo hộ. Ảnh: T.HIỀN
|
Đậm đà hương vị
Ẩm thực Bình Định với nhiều sản vật nổi tiếng đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Dù chưa có một tiêu chí cụ thể để xác định các giá trị của đặc sản vùng miền, nhưng Bình Định có nhiều món ẩm thực truyền thống phong phú, gắn liền với tên đất, tên làng làm nên thương hiệu riêng như: rượu Bàu Đá, nem chợ Huyện, chả cá Quy Nhơn…
Rượu Bàu Đá đã từng được giới sành rượu phong là “đệ nhất tửu” sau khi lội vào tận “sào huyệt” để thưởng thức. Đến nay, làng có đến vài chục hộ chuyên nghề nấu rượu. Bà Phan Thị Hường, chủ cơ sở rượu Bàu Đá Tâm Hường (huyện An Nhơn), diễn giải: Rượu Bàu Đá nấu bằng công thức từ xưa truyền lại; từ việc chọn gạo, kỹ thuật nấu cơm; người dân không dùng các loại men bột công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh như nhiều nơi mà chọn loại men bánh dân gian, thường là men Trường Định (Bình Hòa), Bả Canh (Đập Đá). Tỉ lệ men và cơm, kỹ thuật ủ cơm rượu, nước đổ vào cơm rượu đã ủ phải lấy từ giếng bộng đất nung, hoặc giếng đá ong, không lấy nước giếng đất, giếng bêtông xi-măng. Rượu không nấu nồi nhôm mà là nồi đồng, nắp đậy nồi bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre… Từ đó đã cho ra loại rượu ngon có mùi thơm đặc biệt và làm vang danh Bàu Đá.
Tết đến, xuân về, làng quê vốn êm ả của chợ Huyện (Tuy Phước) chộn rộn hẳn bởi sự có mặt của các thực khách phương xa tranh thủ dừng chân mua xâu nem chua về làm quà biếu. Nếu như nhiều sản vật chỉ còn trong ký́ ức thì nem chợ Huyện lại phát triển mạnh mẽ hơn xưa. Về Quy Nhơn lại thấy những “xóm chả cá” ở các khu vực gần biển của phường Trần Phú, Hải Cảng, Lê Hồng Phong… đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.
Không chỉ theo chân du khách đi xa mà nhiều loại đặc sản ẩm thực của Bình Định đã ngự lại ngay trên đất khách. Nhiều khách lạ nghiện hương vị đặc sản ẩm thực Bình Định. Đưa rượu Bàu Đá lên rót, tiếng rượu thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng dịu, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi tăm, ngát hương, uống vào cho cảm giác lâng lâng, bay bổng. Tiết trời vào Xuân vẫn còn vương vấn chút se lạnh của mùa cuối Đông, trong không gian ấm cúng, được nhấm rượu Bàu Đá với món ngon Bình Định cùng bạn bè, thì chỉ một lần cũng sẽ nhớ hoài.
|
TP Quy Nhơn đang xúc tiến việc xây dựng nhãn hiệu tập thể của chả cá Quy Nhơn.
- Trong ảnh: Chế biến chả cá tại cơ sở chả cá Phượng Tèo, TP Quy Nhơn. Ảnh: V.LƯU
|
Gầy dựng thương hiệu
Thạc sĩ Trương Quang Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học- Công nghệ cho biết, thương hiệu chính là cái hồn của sản phẩm. Các sản phẩm mới hình thành thì cần phải có nhãn hiệu trước rồi mới có thương hiệu. Nhưng với các sản phẩm truyền thống thì thương hiệu có trước nhãn hiệu sản phẩm. Sự thành công bước đầu của thương hiệu này chủ yếu là do bản thân sản phẩm có tố chất của sự độc đáo, sự kết hợp tinh tế của các nguyên liệu, sự công phu trong chế biến và sự hỗ trợ của công tác quảng bá.
Dù đã nổi tiếng, dù đã vào Nam, ra Bắc nhưng nhiều đặc sản của Bình Định vẫn chưa có nhãn hiệu của riêng mình. Tháng 4.2011, rượu Bàu Đá chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Đầu tháng 11, TP Quy Nhơn cũng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản và Sở Khoa học-Công nghệ Bình Định tổ chức hội thảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố tiêu chuẩn sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho chả cá Quy Nhơn. Tuy vậy, trong số 200 nhãn hiệu sản phẩm của Bình Định, chỉ có một vài đặc sản ẩm thực được bảo hộ.
Thực tế cho thấy, hầu hết sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu thì lợi ích kinh tế sẽ tăng thêm, cụ thể là tăng giá bán. Tuy nhiên, có thương hiệu, được cấp bảo hộ xong vẫn chưa đủ. Đặc sản Bình Định có mang lại lợi ích kinh tế bền vững hay không còn phụ thuộc phần lớn vào khâu quản lý, sử dụng.
Ví dụ, rượu Bàu Đá đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, đã có thị trường vững chắc ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Thế nhưng, theo ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất-Kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, thì việc xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm đã khó, việc duy trì thương hiệu và giữ tiếng thơm đó còn khó hơn. Bởi, để duy trì thương hiệu thì cũng phải duy trì chất lượng sản phẩm rượu làm ra.
Ông Tâm cho biết: “Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” cho 53 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh rượu, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng từng bước dẹp bỏ những loại rượu không có nhãn mác, rượu giả đã làm giảm uy tín rượu Bàu Đá lâu nay; đồng thời, tạo điều kiện để người sản xuất rượu có lợi nhuận, giữ chất lượng, nhằm nâng cao thương hiệu rượu Bàu Đá”.
Ông Trương Quang Phong chia sẻ, để giữ gìn thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản Bình Định là vấn đề phức tạp, cần đầu tư lâu dài về khoa học, công nghệ, nhưng trước hết là ý thức tự thân của những người đang sở hữu nó.
|