Một người yêu quê hương thiết tha
18:7', 13/1/ 2012 (GMT+7)

Võ sư Diệp Lệ Bích (53 tuổi), Chưởng môn Bình Thái Đạo, quê ở huyện An Nhơn, hiện sống ở Northampton - Vương quốc Anh. Để góp phần khôi phục, phát triển và quảng bá Bình Thái Đạo, võ sư Diệp Lệ Bích đã tận dụng những tiện ích của Internet để dạy võ qua mạng. Hiện nay, bà còn ấp ủ dự định kinh doanh những sản phẩm đặc sản của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung với mong ước giới thiệu những tinh hoa ẩm thực và tài năng của người Việt ra thế giới.

 

Võ sư Diệp Lệ Bích (người đứng thứ 7 từ trái qua) và các võ sinh tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền lần 3 tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tháng 8.2010.

 

Từ dạy võ trực tuyến…

Với sự phát triển không ngừng của Internet, phương pháp dạy và học trực tuyến đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức này để dạy và truyền bá võ còn khá mới mẻ. Từ năm 1998 đến nay, bên cạnh việc khôi phục và mở các trường dạy võ Bình Thái Đạo ở trong và ngoài nước, võ sư Diệp Lệ Bích đã tiến hành dạy võ qua mạng. Hình thức này đã góp phần không nhỏ vào việc truyền bá những tinh hoa của Bình Thái Đạo và giúp cho những người yêu mến môn võ này ở khắp thế giới dễ dàng tiếp cận hơn.

Võ sư Diệp Lệ Bích tâm sự: “Bình Thái Đạo vừa có những đòn thế uyển chuyển, mềm dẻo, linh hoạt vừa đòi hỏi người sử dụng phải có công lực, biết cách phát lực, di chuyển, tấn công nhanh nhẹn… Vì vậy, càng ngày càng có nhiều người không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, khi gặp gỡ tôi qua mạng đã tâm sự rằng họ muốn học Bình Thái Đạo nhưng không có điều kiện. Xuất phát từ thực tế ấy, từ năm 2007, tôi bắt đầu thu nhận đệ tử trên mạng và đào tạo trực tiếp, nói chuyện, giảng bài, hướng dẫn cách thức tập luyện và dạy võ qua hệ thống webcam. Chúng ta phải tận dụng mọi phương tiện để đẩy mạnh việc truyền bá cho võ cổ truyền dân tộc!”.

Không giống như những môn học chỉ mang tính lý thuyết, đối với môn võ, người học cần phải được trực tiếp hướng dẫn. Để khắc phục điều này, võ sư Diệp Lệ Bích đã tận dụng tối đa những tiện ích của công nghệ để truyền tải đến người học từ những hình ảnh cơ bản đến thực hành. Từ trực tiếp giảng bài, “minh họa” cụ thể các thế võ, đến đưa những clip mẫu, chỉ dẫn qua hệ thống loa… để người học cảm thụ và làm theo.

Với hình thức dạy võ độc đáo này, Bình Thái Đạo đã dần dần “lan tỏa” rộng khắp. Hiện nay, võ sinh của Bình Thái Đạo lên đến hơn 2.000 người và không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây, trong đó có rất nhiều võ sinh là người nước ngoài.

…đến quảng bá đặc sản Việt Nam

Không chỉ tâm huyết với việc mở rộng mức độ phủ sóng võ Bình Định, võ sư Diệp Lệ Bích cũng ấp ủ kế hoạch quảng bá nhiều đặc sản Việt Nam với mong muốn “giới thiệu tài năng và sự khéo léo của người Việt” đến với bạn bè quốc tế.

Những lần trở về Việt Nam, đến đâu, võ sư cũng tìm hiểu và khám phá những đặc sản độc đáo. Những sản phẩm được làm bằng tay thể hiện sự tài năng và khéo léo của người Việt như: tranh cát, tranh gạo, tranh bút lửa, áo dài thêu, nón ngựa, tranh sơn mài, tranh thêu tay; hay những đặc sản Việt dân dã: rượu Bàu Đá, bánh tráng, nước mắm, bánh xèo, bún Song Thằn, phở… chị tìm mọi cách để giới thiệu với bạn bè nước ngoài những thức ngon vật lạ ấy.

Võ sư Bích cho biết: “Sống ở nước ngoài lâu năm, tôi biết, người nước ngoài rất thích những gì được làm từ tự nhiên hoặc được làm bằng tay, bằng sự sáng tạo thật sự không qua máy móc hay sản xuất hàng loạt. Mà đối với người Việt mình thì có rất nhiều sản phẩm được làm thủ công rất đẹp và sáng tạo. Tôi đang lựa chọn những sản phẩm mang đặc trưng của vùng miền và độc đáo nhất để sắp tới, sẽ xây dựng một website nhằm giới thiệu các sản phẩm này. Bên cạnh việc xây dựng website, sang năm mới, tôi sẽ mở một tiệm ăn giới thiệu các món ăn của Việt Nam như: bánh xèo, phở… Tôi muốn toàn thế giới có thêm những cảm nhận tốt đẹp về tài năng của người Việt qua những sản phẩm làm bằng tay độc đáo, sáng tạo, và biết thêm về Việt Nam qua những món ngon từ dân dã đến đặc sản”.

  • Mai Hồng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)
Gầy thương hiệu cho đặc sản Bình Định  (13/01/2012)
“Cánh tay nối dài” của báo Bình Định  (13/01/2012)
Những tấm lòng vàng  (13/01/2012)
Xuân sớm ở Kim Sơn  (13/01/2012)
Vị trái cây ngày Tết  (13/01/2012)
Bánh ít lá gai  (13/01/2012)
Con gái đất Võ  (12/01/2012)
Những ngọn roi, đường kiếm thất truyền của miền đất Võ  (12/01/2012)
Trẻ và khát khao hơn!  (12/01/2012)
Phố văn công  (12/01/2012)
THƠ  (11/01/2012)
Kỳ thú lăng Ông  (10/01/2012)
Cũng may em chưa ngoại tình  (11/01/2012)
Dương Thanh Hào - đường đến SEA Games  (10/01/2012)