Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”
9:14', 14/1/ 2012 (GMT+7)

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở huyện Hoài Ân, từ một thầy giáo trở thành chủ nhân của nhiều sáng chế hữu ích, đó là doanh nhân Đỗ Thành Tích - Giám đốc Công ty Tân Tín Thành (TP Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chống thấm INTOC. Ông Đỗ Thành Tích đã trò chuyện với PV Báo Bình Định về những nỗ lực của mình.

 

Ông Đỗ Thành Tích với các sản phẩm chống thấm INTOC.

 

Phải làm ra cái người tiêu dùng cần

Sau nhiều trăn trở với ý nghĩ phải tìm ra một sản phẩm mang thương hiệu Việt với chất lượng và giá cả tốt nhất để phục vụ người Việt, năm 1992, ông Đỗ Thành Tích đã nghiên cứu và sáng chế ra phương pháp chống thấm không cần đục gạch, không cần phủ lớp vữa hồ bảo vệ. Ông cũng là tác giả của 7 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích như: chống thấm không đục gạch, thiết bị xây tô không cần giàn giáo, bình chữa cháy tự động, cọ lăn sơn không cần nhúng, keo sợi chống nứt sàn - tường...

* Ông đã bắt đầu quá trình nghiên cứu như thế nào? Trong các sáng chế của mình, ông tâm đắc với sản phẩm nào nhất?

- Tốt nghiệp khoa Toán Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, tôi về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, rồi ra Hà Nội học tiếp lên thạc sĩ. Năm 1992, tôi xin nghỉ dạy và chính thức bắt đầu con đường nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm tiêu dùng. Với suy nghĩ phải làm cái gì đó vừa có hiệu quả kinh tế, vừa giúp ích được ít nhiều cho xã hội, ngay từ đầu, tôi đã xác định phải làm ra cái mà người tiêu dùng cần, để có thể bán được.

Năm 1988, dầu gội chuyên trị gàu thuộc dạng hàng “hiếm” trong khi nhu cầu sử dụng nhiều. Thế là tôi lao vào nghiên cứu, làm ra sản phẩm tiêu thụ tại Cần Thơ hơn 2 năm, đến khi người tiêu dùng đón nhận sản phẩm cũng là lúc tôi “phá sản” vì người ta làm hàng nhái tràn lan. Công trình tiếp theo là keo dán cổ áo. Sản phẩm này bị “chết non” vì doanh nghiệp nước ngoài đã vào đầu tư sản xuất đại trà, giá thành thấp. Sau đó, tôi nghiên cứu và sản xuất thành công phấn không bụi, nhưng đưa ra thị trường được vài năm thì không địch nổi với các sản phẩm cùng loại vì cách làm thủ công.

Năm 1996, cả gia đình chuyển nhà lên TP Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội. Hai năm đầu ở thành phố, tôi phải chạy “sô” các trung tâm luyện thi để kiếm sống và ấp ủ cơ hội được tiếp tục con đường đã chọn lựa. Mùa mưa đến, nhà dột. Nhìn thợ sửa chữa “đục đẽo” căn nhà mà xót ruột. Trao đổi với bạn bè trong lĩnh vực xây dựng, tôi mới vỡ lẽ: thấm dột là vấn đề nan giải trong ngành xây dựng, hiện chỉ làm tạm thời chứ chưa có giải pháp tối ưu. Thế là tôi lại lao vào nghiên cứu. Sản phẩm làm ra, tôi thử nghiệm ngay trên nhà của mình. Sau đó, lại tiếp tục dùng thử nghiệm tại nhà của bạn bè, người thân. Thương hiệu chống thấm INTOC đã ra đời như vậy.

Điều tôi tâm đắc nhất là sau 20 năm tham gia thị trường chống thấm, nhiều công ty thiết kế, công ty xây dựng, chủ đầu tư… đã chọn INTOC đưa vào các công trình của mình, dù trước đó đã sử dụng nhiều loại chống thấm ngoại nhập. Chống thấm INTOC là một sản phẩm công nghệ 100% Việt Nam, được đông đảo người tiêu dùng cũng như giới chuyên môn đánh giá vượt trội so với hàng ngoại nhập. Tôi rất vui vì đã thực hiện được ước mơ của mình.

Kinh doanh để thỏa đam mê sáng tạo

Mặc dù bận rộn với việc kinh doanh, nhưng đến nay, ông vẫn không ngừng nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng, nhất là vật liệu chống thấm. Thương hiệu INTOC với nhiều sản phẩm chống thấm khác nhau đã khẳng định được vị thế vững vàng trên thị trường với hàng trăm đại lý, nhà phân phối trong cả nước. Ông tâm sự rằng: Cuộc đời tôi không có gì dễ dàng mà có, từ chuyện học hành đến chuyện kinh doanh đều rất gian nan. Tôi làm kinh doanh để thỏa đam mê sáng tạo của mình và tôi đã kiếm được tiền từ niềm đam mê đó. Tôi hạnh phúc vì luôn "bị" những ý tưởng mới làm khổ.

* Ông quan niệm thế nào về sự thành công?

- Trải qua nhiều nghề với nhiều thăng- trầm, được - mất, tôi tìm thấy niềm vui thực sự trong lĩnh vực kinh doanh vì nó đòi hỏi tính sáng tạo, năng động. Với tôi, mục đích cuối cùng của cuộc sống là hạnh phúc. Với tiền bạc, biết đủ là đủ thôi. Vấn đề là phải biết tự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Tôi có một gia đình hạnh phúc, một công việc đúng với tâm nguyện nên rất thanh thản! Nếu xét theo các tiêu chí này thì tôi là người thành công.

“Làm giàu là một thành công, nhưng chưa trọn vẹn”

Mặc dù xa quê hương đã lâu và hiện đã là một doanh nhân thành đạt, nhưng ông vẫn giữ sự chân chất, bình dị của người dân xứ "nẫu". Từ năm 2005 đến nay, năm nào ông cũng tặng nhiều học bổng hỗ trợ học sinh nghèo, học giỏi cũng như các em đậu đại học có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà. Đây cũng là cách ông thể hiện tấm lòng đối với vùng quê còn nghèo khó của mình.

* Xa quê đã lâu, ấn tượng của quê hương trong ông là gì?

- Tôi còn vài người bà con đang sống ở Hoài Ân, vì vậy, thời gian gần đây khoảng vài, ba năm tôi về thăm quê một lần. Tuy vẫn còn khó khăn, nhưng nhìn chung Hoài Ân hiện đã có nhiều thay đổi tích cực. Tôi vui vì thấy quê hương đổi thay như thế.

* Có nhiều cách để hướng về quê hương, tại sao ông lại chọn cách hỗ trợ cho những em học sinh nghèo học giỏi tại quê nhà?

- Học giả Nguyễn Hiến Lê nói: “Làm giàu là một thành công, nhưng chưa trọn vẹn”. Tôi hiểu ẩn ý của ông và luôn cố gắng phải làm được một cái gì đó để giúp ích cho đời. Tôi chọn hình thức hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, vì bản thân vợ chồng tôi đều từng là thầy, cô giáo nên dễ đồng cảm với những khó khăn của các em. Muốn làm gì cũng phải có tri thức, tôi hy vọng rằng, nếu các em vượt qua được khó khăn, trở thành những người có ích cho xã hội thì chính các em cũng sẽ có những đóng góp lớn hơn cho đất nước, cho quê nhà.

* Xin cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt!

  • Mai Hồng (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)
Gầy thương hiệu cho đặc sản Bình Định  (13/01/2012)
“Cánh tay nối dài” của báo Bình Định  (13/01/2012)
Những tấm lòng vàng  (13/01/2012)
Xuân sớm ở Kim Sơn  (13/01/2012)
Vị trái cây ngày Tết  (13/01/2012)
Bánh ít lá gai  (13/01/2012)
Con gái đất Võ  (12/01/2012)
Những ngọn roi, đường kiếm thất truyền của miền đất Võ  (12/01/2012)
Trẻ và khát khao hơn!  (12/01/2012)
Phố văn công  (12/01/2012)
THƠ  (11/01/2012)
Kỳ thú lăng Ông  (10/01/2012)
Cũng may em chưa ngoại tình  (11/01/2012)