Họ là những thầy thuốc trẻ tiêu biểu không chỉ bởi được tôn vinh trong các lần hội nghị tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc, mà hơn hết là bản lĩnh và khát khao được cống hiến hết mình cho cộng đồng. Họ cũng luôn trăn trở với nghề đã chọn và đã dấn thân.
THẠC SĨ-BÁC SĨ PHẠM THỊ HOÀNG BÍCH DỊU, BỆNH VIỆN PHONG-DA LIỄU TRUNG ƯƠNG QUY HÒA:
Trưởng thành nhờ “sống cùng” bệnh nhân phong
Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Bích Dịu sinh năm 1976, ở TP Quy Nhơn, hiện đang đảm nhận hai chức vụ: Quyền trưởng khoa Đào tạo khoa học và phụ trách khoa Chăm sóc da của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Khi nói về những thành quả của ngày hôm nay, chị cho rằng đó là nhờ những năm tháng “sống cùng” bệnh nhân phong.
|
Thạc sĩ-bác sĩ Phạm Thị Hoàng Bích Dịu trong Lễ tuyên dương 20 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2009 tại Hà Nội.
|
Tốt nghiệp loại khá Trường Đại học Y Hà Nội, chưa bao giờ BS Dịu nghĩ rằng sẽ gắn bó với bệnh nhân phong, bởi chuyên ngành chị yêu thích là Nhi. Với Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, ngày ấy, rất nhiều sinh viên trường y dù có chạy mướt mồ hôi tìm việc, cũng không đủ can đảm vượt quãng đường đèo gập ghềnh 2,5km từ Quy Nhơn mỗi ngày để vào làm việc; hay thắng được nỗi sợ căn bệnh được liệt vào “tứ chứng nan y” một thời.
“Như duyên số, tôi gắn bó với bệnh nhân phong từ đó. Khó khăn nhiều lắm, nhưng sống giữa những bệnh nhân không một người thân, bị cộng đồng xa lánh, tôi cứ động viên mình phải cố gắng lên”, chị Dịu bồi hồi nhớ lại. Ngày ấy, đi làm bằng cái xe cà-tàng của ba không có đèn đóm, nên những hôm về muộn chị phải nương theo ánh đèn hiếm hoi của ai đó từ Quy Hòa đi ra. Trực đêm, lắm hôm bệnh nhân thập thò ngoài cửa xin BS cho vài ngàn đồng.
Bạn bè khuyên từ bỏ làng phong, họ hàng cũng không mấy ủng hộ, nhưng chị Dịu vẫn kiên quyết ở lại. Sinh con gái đầu lòng, chồng đi làm ở Kon Tum, chị đưa con vào cùng ở nhà tập thể của bệnh viện ở làng phong để tiện công việc.
Đi học cao học ở Hà Nội về, dù vẫn điều trị cho bệnh nhân, nhưng công việc chính của chị là ở khoa Đào tạo khoa học. Chị vẫn nhận được những lời mời gọi của các bệnh viện lớn, với mức lương cao. Nhưng chưa bao giờ chị hối tiếc khi ở lại Bệnh viện. BS Dịu kể, trước đây người bên ngoài vào làng phong Quy Hòa thường mang theo nước uống, thức ăn và rất e dè tiếp xúc với người bệnh, bây giờ giữa bệnh nhân và cộng đồng đã không còn khoảng cách quá lớn. “Thế nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xóa dần khoảng cách ấy, để những bệnh nhân phong không còn mặc cảm. Đến giờ, nhiều người vẫn giữ khoảng cách với bệnh nhân phong - những con người vốn rất cần sự sẻ chia của cộng đồng”, BS. Dịu tâm sự.
THẠC SĨ-BÁC SĨ BÙI LÊ VĨ CHINH, TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ BÌNH ĐỊNH:
Mê nghiên cứu khoa học và tình nguyện cộng đồng
11 năm đứng trên bục giảng của Trường Cao đẳng Y tế Bình Định, thạc sĩ-BS Bùi Lê Vĩ Chinh, Chủ nhiệm bộ môn Ngoại, chỉ biết rằng số đề tài nghiên cứu khoa học mà anh tham gia đã vượt quá tuổi nghề.
|
Thạc sĩ-bác sĩ Bùi Lê Vĩ Chinh (mặc áo xanh, ngoài cùng bên phải) trong một lần về với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
|
BS Bùi Lê Vĩ Chinh đã thích nghiên cứu khoa học từ thời là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Y Hải Phòng khi xin theo các thầy đi trực bệnh viện. Đến năm thứ 6, anh chính thức làm đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên về tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em và các yếu tố liên quan. Đề tài đạt giải Ba Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo khoa học kỹ thuật của khối trường Đại học Y, dược. Từ đó trở đi, khi thì trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài, khi thì anh làm cộng sự cho các đồng nghiệp.
Trong đó, năm 2009, anh tham gia cùng nhóm BS của BVĐK TP Quy Nhơn cải tiến kỹ thuật mổ cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt tại khoa Ngoại của bệnh viện. Kết quả đề tài đã được ứng dụng thành công trong công tác điều trị. Nhưng anh bảo đề tài mà anh tâm đắc nhất là tham gia nghiên cứu về sán lá gan lớn, do cố BS Võ Hưng và sau đó là Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng làm chủ nhiệm.
29 tuổi đi học cao học, 33 tuổi anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Ngoại của trường. Đều đặn, một buổi giảng dạy tại trường, một buổi anh tham gia điều trị như một BS của khoa Ngoại, BVĐK thành phố Quy Nhơn.
Ngoài công tác chuyên môn, BS Chinh cũng là một “thủ lĩnh” có nhiều sáng kiến cho hoạt động phong trào thanh niên. Từ năm 2006, anh đã đề xướng hoạt động khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn sức khỏe miễn phí cho đồng bào dân tộc nghèo vùng sâu, vùng xa. Anh đã thành lập tổ khám chữa bệnh tình nguyện tại cộng đồng, có 10 thành viên là cán bộ, giáo viên của trường và một số sinh viên năm cuối để về với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
“Khi tổ chức các phong trào thanh niên nói trên, chính những giáo viên, sinh viên của trường cũng học được bài học trách nhiệm cộng đồng của mình. Đó là những bài học thực tế quý giá dành cho những thầy thuốc tương lai. Dù ở vị trí thầy thuốc hay thầy giáo, tôi luôn tận tâm với những công việc mình đang làm. Với tôi, phải sống và làm việc thế nào để có thể đứng trên bục giảng truyền lại cho các thế hệ học trò của mình niềm tin và gắn bó với nghề bằng cái tâm trong sáng”, BS Chinh tâm sự.
BÁC SĨ HOÀNG VĂN CÔNG, BVĐK TỈNH:
Người “sửa chữa” những… trái tim
Cách đây đúng một năm, BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công 2 ca mổ tim hở lần đầu tiên cho bệnh nhân Nguyễn Văn Cang (22 tuổi, ở thôn Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn) và bệnh nhân Trần Địch (45 tuổi, ở thôn Tân Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Trong buổi lễ tuyên dương đột xuất cho êkip phẫu thuật tim hở hôm ấy, một trong hai phẫu thuật viên của kíp mổ bệnh viện được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt-Đức chuyển giao kỹ thuật là một BS còn rất trẻ. Khi ấy, được hỏi về bản thân, một giọng xứ Nghệ đặc sệt giới thiệu: Tôi tên Hoàng Văn Công, sinh năm 1982, quê ở Nghệ An, vào Bình Định từ năm 2008.
|
Bác sĩ Hoàng Văn Công (đầu tiên từ trái sang) trong một ca phẫu thuật tim hở tại BVĐK tỉnh.
|
Về khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện, làm mới được 2 tuần thì Công được cử đi học mổ tim hơn 2 năm ở Bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội). Vậy là đúng sở nguyện thời còn sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội của Công là chuyên ngành lồng ngực… Đến nay, với sự hỗ trợ của các thầy đến từ Việt - Đức, Công và các đồng nghiệp của mình đã phẫu thuật thành công cho 19 bệnh nhân tim. Những ca khó BS Công phụ cho các thầy đến từ Việt-Đức mổ; còn những ca bình thường Công mổ chính.
Trong số này, BS Công nhớ nhất là trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Mỹ Hạnh, 16 tuổi, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Từ khi mới sinh ra, Hạnh đã mang trong mình bệnh tim fallot 4. Nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn, đến năm 2011, nhờ một tổ chức từ thiện hỗ trợ tiền nên em mới được đưa vào viện để mổ. Hôm vào viện, toàn thân bệnh nhân đã tím tái, chân đi không vững, các BS phải chỉnh sửa tim và tạo lại động mạch phổi cho bệnh nhân. Hôm Hạnh tỉnh dậy, cả nhà em mừng đến phát khóc.
Phẫu thuật tim cực khó và phức tạp. Nghe tôi hỏi vì sao lại chọn “con đường chông gai thế”, anh cười rồi trả lời: “Từ khi còn là sinh viên, tôi mê chuyên ngành ung bướu và lồng ngực. Hồi ấy, các thầy cũng bảo phẫu thuật tim khó, nếu đã mổ được tim thì các phẫu thuật khác sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Vì thế, biết là khó nhưng tôi vẫn quyết tâm lao vào”.
BS Hoàng Văn Công cho biết, mỗi năm tỉnh ta có hàng trăm người lớn và trẻ em mắc bệnh tim. Nhu cầu phẫu thuật tim mạch rất cao, đặc biệt là trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, số được phẫu thuật quá ít do thiếu nguồn nhân lực. Hiện, tại bệnh viện có hàng trăm hồ sơ bệnh nhân tim đang chờ để mổ.
Trong phẫu thuật tim, người BS như một họa sĩ “sửa chữa” những quả tim. Nhưng quả tim nhỏ xíu, nhiều chi tiết tinh tế, chỉ cần một sơ suất nhỏ là hậu quả khó lường. Điều này làm BS Hoàng Văn Công luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao được tay nghề, có đủ nhân lực và cơ sở vật chất chuyên sâu về mổ tim để giúp bệnh nhân…
|