Nhà giáo Phạm Quang Bắc:
Trên hết là trách nhiệm với học trò
9:44', 14/1/ 2012 (GMT+7)

Nhắc đến Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhiều người sẽ nhớ đến cái tên Phạm Quang Bắc. Tròn 11 năm từ ngày ra đời, thành tích của nhà trường đã được nói nhiều, riêng thầy Phạm Quang Bắc thì chưa. Ông rất ngại “lên báo” dù vẫn thừa nhận đã dành trọn tâm huyết cho Trường Lê Quý Đôn.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện tặng quà cho Trường nhân Lễ khai giảng năm học 2011 - 2012.

 

“Cái duyên gắn với số phận”

Phạm Quang Bắc sinh năm 1956 ở Quảng Trị. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1978, ông có nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp nhưng lại xin về Bình Định dạy học vì lỡ phải lòng một cô bạn học là con gái Bình Định. 31 năm gắn chặt với quê hương thứ hai, ông đã xem đó là “cái duyên gắn với số phận”. 10 năm công tác tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình; rồi về Trường THPT Trưng Vương, đồng thời dạy hợp đồng cho một trường trung cấp, bán công, dân lập, cả đại học, tiếng thơm “thầy Bắc Hóa” lan xa, đùng một cái, năm 2000, ông trở thành Hiệu trưởng một trường chuyên. Đối với ông, đây lại là một cái duyên khác gắn với số phận.

* Sao ông lại có suy nghĩ việc trở thành lãnh đạo là “cái duyên gắn với số phận”?

- Khi còn sống, mẹ tôi phân tích: tính tôi nóng nảy, không khôn khéo và không biết quỳ lụy ai. Cả lúc hấp hối, bà vẫn nhắn nhủ rằng: Làm gì cũng được, nhưng đừng làm lãnh đạo. Bởi thế, từ năm 1999 trở về trước, khi mẹ còn sống, tôi đã từ chối một vị trí tốt ở Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) và 4 lần đề bạt làm trưởng phòng và hiệu phó. Cả khi đã trở thành Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ít nhất 2 lần tôi xin thôi chức hiệu trưởng, nhưng không được chấp thuận. Nhiều người nói tôi “gàn”, tôi chỉ biết cười…

* Ông còn nhớ cảm xúc hôm biết tin được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê  Quý Đôn?  

- Đầu tiên là cự cãi không chịu làm nhưng sau đành chấp nhận. Sau đó lo lắng đến mất ngủ gần 1 tuần, nhưng cũng trong 1 tuần đấy, tôi đã nghĩ ra tất cả định hướng phát triển của trường, xác định cách làm, tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả. 10 năm qua, tôi chỉ thực hiện suy nghĩ trong 1 tuần đó. Thời học sinh (HS), tôi nằm trong đội tuyển HS giỏi của tỉnh Nam Hà, từ cấp 2 lên cấp 3, nên có chút hình dung về cách tổ chức, thực hiện dạy dỗ với HS giỏi. Chính điều đó đã cho tôi những kinh nghiệm ban đầu, sau này tùy vào tình hình cụ thể mà sáng tạo trong cách chỉ đạo quản lý nhà trường.

* Có nhận xét rằng, Hiệu trưởng Phạm Quang Bắc thích chạy theo thành tích, ông có buồn không khi nghe thấy điều đó?

- Chạy theo thành tích phải hiểu là không có thực lực mà phải chạy vạy để có được thành tích. Còn chúng tôi phát triển bằng thực lực của mình. Việc tổ chức giáo dục cho HS đạt đến mức chuẩn đó thì sẽ có thành tích đó - đấy là điều hoàn toàn thực.

Trường đang nằm trong tốp 20 trên bảng tổng sắp các trường THPT toàn quốc có số lượng HS đỗ đại học cao. Riêng đội tuyển HS giỏi Hóa và tiếng Anh do chúng tôi trực tiếp giảng dạy để đi thi quốc gia, 11 năm nay, đội có số thí sinh không đạt giải nhiều nhất là 2 em. Thử hỏi, nếu không nỗ lực dạy- học thì lấy đâu ra thành tích ấy. Rồi số HS đoạt giải quốc gia khi thi đại học đều ở trong tốp đứng đầu, thi tốt nghiệp 10 năm nay đều đậu 100% và điểm thấp nhất là 39.

 

Thầy giáo Phạm Quang Bắc luôn cảm thấy hạnh phúc khi được dạy học.

 

Thế mạnh là khả năng tổ chức thực hiện

Trong công việc, thầy Phạm Quang Bắc là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Ứng xử với cán bộ, giáo viên, thoạt nhìn có vẻ cứng nhắc nhưng trong chiều sâu cảm xúc, mang tính nhân văn sâu sắc. Chính điều đó đã giúp một tập thể toàn những “cây đa cây đề” rất đa dạng về tính cách vẫn đoàn kết, gắn bó.

* Tự đánh giá về mình, theo ông, đâu là thế mạnh?

- Tôi nghĩ đó là khả năng phán đoán và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra, huy động được các nguồn lực và đoán định được khả năng thành công của việc đó. Chẳng hạn, có năm, tôi đặt mục tiêu Trường có nhiều thủ khoa là vì mình nhìn thấy thế hệ HS tốt, đội ngũ giảng dạy tốt, chỉ cần điều chỉnh thời lượng giảng dạy, cách tổ chức giảng dạy, cân chỉnh chương trình hợp lý… Việc đưa HS đi thi Olympic quốc tế, tôi đã chuẩn bị từ 2 năm trước. Rất mừng là các thầy - cô đã giúp tôi hoàn thành những việc khác của trường, để rảnh rỗi đầu tư, dạy dỗ thật nhiều cho Việt, và đã đạt được kết quả tốt.

Quả thật, làm lãnh đạo chỉ giúp tôi có cơ hội thỏa mãn sức sáng tạo... Nhưng cùng với đó là rất nhiều áp lực.

* Nếu là giáo viên dạy giỏi, tiếng thơm sẽ không lan tỏa rộng như làm hiệu trưởng một trường chuyên,  vì sao ông vẫn thích đi dạy hơn?

- Với tôi, những điều đó phù phiếm quá. Tôi thấy đi dạy vui hơn và thực tế khả năng giảng dạy của tôi vẫn mạnh hơn quản lý. Kể sơ sơ để thấy, Võ Duy Việt đoạt HCĐ Olympic Hóa học Quốc tế năm 2011 là HS tôi trực tiếp giảng dạy 3 năm liền. Số giải HS giỏi quốc gia lớp tôi giảng dạy chiếm 10% tổng số giải của toàn trường, riêng giải Nhất quốc gia của lớp tôi dạy chiếm 50% (5/10 giải) số giải của toàn trường; hay kết quả Olympic 30.4, các lớp tôi dạy đoạt được 22 huy chương, trong đó có 15 HCV, 7 HCB, chưa có HCĐ nào. Có những năm tôi dạy luyện thi đại học, điểm bình quân môn Hóa của HS từ 9 trở lên.

Bí quyết giảng dạy của tôi là phải dạy thật căn bản, từ đơn giản đến phức tạp, vừa rộng vừa sâu; thường xuyên hướng cho HS làm bài thận trọng và giúp các em có lập luận lôgic, phát huy hết tư chất của mình.

 

Thầy Bắc và học trò Võ Duy Việt - người vừa đoạt HCĐ Olympic Hóa học Quốc tế.

 

Luôn nghĩ đến trách nhiệm với học trò

* Nếu không tha thiết làm lãnh đạo, ông có thể chọn cách “làm cho có”. Đằng này, ông lao vào việc và làm rất hiệu quả. Có điều gì mâu thuẫn ở đây không?

- Điều làm tôi không cho phép mình nghỉ ngơi là nghĩ đến trách nhiệm với học trò, phải làm sao để các em học hành đạt kết quả tốt, đạt học sinh giỏi, thi đỗ tốt nghiệp, đại học.

Trong con người của tôi luôn có hai điều mâu thuẫn. Một muốn được ung dung tự tại với công việc của người giáo viên và một lại muốn vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy, khi nào có thời gian rảnh rỗi là tôi tìm cách hưởng thụ ngay như nghe nhạc, chơi thể thao. Nói thật, tôi cũng rất ham chơi. Những lúc căng thẳng nhất, tôi nghe nhạc, đi uống cà phê với gia đình, bạn bè hay đi bộ một mình.

* Có điều gì lúc này làm ông trăn trở không?

- Có nhiều chứ. Trăn trở về trường lớp chật hẹp, đội ngũ giáo viên và cả lực lượng kế cận khi tôi về hưu sau 4 năm nữa. Nhưng trên hết là nghĩ đến trách nhiệm với học trò, phải làm sao để các em có môi trường học tập tốt để được phát huy năng lực tốt nhất…

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)
Gầy thương hiệu cho đặc sản Bình Định  (13/01/2012)
“Cánh tay nối dài” của báo Bình Định  (13/01/2012)
Những tấm lòng vàng  (13/01/2012)
Xuân sớm ở Kim Sơn  (13/01/2012)
Vị trái cây ngày Tết  (13/01/2012)
Bánh ít lá gai  (13/01/2012)
Con gái đất Võ  (12/01/2012)
Những ngọn roi, đường kiếm thất truyền của miền đất Võ  (12/01/2012)
Trẻ và khát khao hơn!  (12/01/2012)
Phố văn công  (12/01/2012)
THƠ  (11/01/2012)