Tôi về Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn khoảng giữa tháng 11.2011, đúng thời điểm ngư dân đang nghỉ ngơi giữa hai chuyến ra khơi. Quây quần bên ấm trà nóng, những “vua bò gù” của biển khơi thoải mái chuyện trò, “xả” mệt nhọc sau những ngày dài lênh đênh sóng gió…
|
Chuẩn bị cho chuyến ra khơi câu cá bò gù.
|
1.
Những năm 90 của thế kỷ trước, cá bò gù vẫn là một loại “thứ phẩm” ở các làng biển. Thất bát trong chuyến ra khơi, bất đắc dĩ ngư dân trên những ghe “câu khơi”, “câu to” mới chở về những con cá mà biết chắc là chỉ bán cho những người… nuôi heo!
Ông Phùng Ngọc Thanh, 56 tuổi, với hơn 40 năm lênh đênh trên biển, kể lại: “Tôi bắt đầu ra khơi câu cá mập từ năm 1986, chủ yếu để lấy vi bán. Năm 1994, có một lớp tập huấn khai thác cá bò gù được mở tại Tam Quan Bắc, nhưng thời điểm đó giá cá quá thấp (chỉ 9.000-11.000 đồng/kg), nên ngư dân ở đây không mặn mà lắm. Rồi bỗng nhiên người Hồng Kông, Đài Loan qua Phú Yên mua cá bò gù, giá tăng vun vút như cá chuồn nhảy biển. Đến năm 1996, tôi mới chuyển qua câu cá bò gù”.
Từ đó, nghề câu cá bò gù trở thành “cần câu cơm”, rồi cũng chính nó giúp ngư dân vươn lên giàu có. Anh Nguyễn Tám, cán bộ khuyến ngư của xã Tam Quan Bắc cho biết, cả xã hiện có 456 ghe có công suất từ 165 CV trở lên, chủ yếu đi câu cá bò gù. Năm nay, “dân bò gù” ăn Tết to, không chỉ sản lượng đánh bắt tăng, mà giá cá loại 1 còn lên đến 190.000 đồng/kg!
|
Sơ chế cá bò gù ở Cảng cá Tam Quan Bắc.
|
2.
Tuy đã rời xa nghiệp biển hơn 12 năm, nhưng lão ngư Nguyễn Được vẫn rất hào hứng khi nói về những chuyến ra khơi, về đời sống của ngư dân và những chính sách của Nhà nước dành cho họ. Ông bảo, từ ngày “về hưu”, ông có nhiều thời gian để nghe đài, xem tivi. Ông đặc biệt theo dõi các kỳ họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp. “Nhà nước mình ngày càng quan tâm hơn đến sự phát triển của ngành đánh bắt thủy hải sản, nhất là hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong lúc chủ quyền quốc gia trên biển đang bị đe dọa, thì sự quan tâm ấy càng có ý nghĩa, được ngư dân rất hoan nghênh”- ông Được phấn khởi nói.
“Dẫu có lúc bị khiêu khích, thậm chí bị tấn công cướp bóc, chúng tôi vẫn cương quyết không bỏ biển. Mình còn bám biển, trên biển còn có chiếc ghe treo lá cờ đỏ sao vàng thì người ta mới biết biển đó là của mình!”- ngư dân Nguyễn Văn Lý. |
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Lý, 47 tuổi, có ghe câu cá bò gù công suất 330CV, lại rất quan tâm đến việc hỗ trợ thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) cho các tổ đoàn kết trên biển. Không chỉ giúp ngành chức năng nắm bắt thông tin chính xác hoạt động của tàu cá trên biển, thiết bị công nghệ Movimar còn hỗ trợ đắc lực cho ngư dân tiếp nhận dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác để tìm nơi trú ẩn an toàn khi có bão...
Anh Lý từng là lính hải quân, đã trải qua 28 tháng bám đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa). Anh đang đăng ký gia nhập lực lượng dân quân trên biển, để giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Anh tâm sự: “Khi đi câu cá bò gù ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi luôn nghĩ rằng, ngoài việc làm kinh tế, mình còn đang góp phần giữ gìn chủ quyền quốc gia trên biển. Dẫu có lúc bị khiêu khích, thậm chí bị tấn công cướp bóc, chúng tôi vẫn cương quyết không bỏ biển. Mình còn bám biển, trên biển còn có chiếc ghe treo lá cờ đỏ sao vàng thì người ta mới biết biển đó là của mình!”.
Câu chuyện được rẽ vào vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, dưới góc nhìn của những người “ăn sóng nói gió”. Ông Được bức xúc kể lại chuyện hồi năm 2006, ghe của con trai ông bị tàu nước ngoài bắt khi đang câu cá bò gù trên vùng biển của Việt Nam, chỉ cho mấy thùng phuy dầu đủ chạy về đến bờ. Đận ấy, nhà ông phải mất hơn 60 triệu đồng để chuộc 8 “bạn” trên ghe của mình.
Khi không khí đang nóng dần lên, thì anh La Văn Nhược, một “sát thủ bò gù” có “số má”, lại làm “hạ nhiệt” bằng những kỷ niệm vui trong những lần trú bão: “Mỗi lần gặp gió bão, ghe nào cũng tranh thủ tìm nơi trú ẩn gần nhất. Ghe của tụi tui vẫn trú cùng ghe của các nước khác. Có đợt phải trốn gió cả tuần liền, lương thực hết, họ cũng qua ghe mình xin gạo, mì tôm, nước uống. Thỉnh thoảng, anh em ngư dân cùng tập trung tại một ghe, xì xà xì xồ nhậu chung, cười đùa hết cỡ!”…
|
Lão ngư Nguyễn Được (phải) hào hứng khi nói về nghề câu cá bò gù.
|
3.
Ở Tam Quan Bắc, thôn Tân Thành 2 luôn dẫn đầu trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Trước đây, ngư dân chủ yếu dùng ghe công suất 50CV để đánh bắt gần bờ. Nay, đội ghe thuyền của thôn đa phần đều trên 150CV, nhiều chiếc trên 300CV. Hơn nửa đội ghe của thôn tham gia đánh bắt xa bờ, những ghe câu cá bò gù đều làm ăn khấm khá.
Đời sống kinh tế khá lên, dân biển ngày càng quan tâm hơn đến việc học hành của con cái. 10 năm trở lại đây, Tân Thành 2 bắt đầu có nhiều sinh viên đại học, tai tiếng dân biển thất học dần lui vào quá khứ...
Nói đến “thì tương lai” của làng biển, trong ánh mắt những “vua bò gù” vẫn lấp lánh những chuyến ghe khẳm, những con cá bò gù roi rói, và cả một tương lai sáng tươi…
|