Một tuần trên đất nước Triệu Voi
10:55', 14/1/ 2012 (GMT+7)

* Ghi chép của Ngọc Thái

Tháp tùng Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh đi thăm  và làm việc tại 4 tỉnh Nam Lào và thủ đô Viêng Chăn vào  trung tuần tháng 10.2011, phóng viên Báo Bình Định đã có dịp “mắt thấy tai nghe” về đất nước Triệu Voi yên bình, cổ kính và giàu lòng mến khách.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm Ngân hàng liên doanh Lào - Việt tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ảnh: NGỌC THÁI

 

Tác nghiệp ở Lào...

Tôi đã có dịp đến nước bạn Lào một lần vào năm 2007, đi cùng Đoàn công tác của các doanh nghiệp Bình Định đến làm việc với các tỉnh Nam Lào. Hôm được Ban Biên tập phân công đi công tác ở Lào, tôi vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, khi nghe Ban Biên tập giao nhiệm vụ: “Bằng mọi giá phải đưa thông tin hoạt động của Đoàn về Tòa soạn nhanh nhất” tôi đâm lo. 5 năm trước, khi tác nghiệp ở Lào, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển thông tin về Tòa soạn. Khi ấy, mạng thông tin liên lạc của nước bạn còn rất kém. Song, đó là chuyện cũ. Bây giờ, tôi mang theo máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số và các thiết bị thông tin hỗ trợ… và hy vọng mạng di động ở Lào có hỗ trợ 3G.

Ngày đầu tiên đến Lào, tôi viết tin ngay khi lãnh đạo tỉnh Attapư tiếp Đoàn công tác tỉnh Bình Định. Tại Văn phòng Tỉnh ủy Attapư, sóng wifi rất mạnh, buổi làm việc kết thúc lúc 15 giờ thì 15 giờ 10 phút, Tòa soạn đã có bản tin đầu tiên. 15 giờ 45 phút, khi Đoàn quay về đến khách sạn, báo Bình Định điện tử đã đưa hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện và Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Attapư Khăn Phăn Phôm Mạ Thặt ký kết chương trình hợp tác ở trang chủ.

Tuy vậy, theo lịch trình công tác, Đoàn phải làm việc với nhiều địa phương khác, có những nơi còn khó khăn, cơ sở hạ tầng viễn thông còn nhiều thiếu thốn. Chẳng hạn, khi Đoàn đến làm việc với tỉnh Salavan, nơi tôi ở không kết nối được với Internet, cả Văn phòng Tỉnh ủy - nơi Đoàn đến làm việc cũng không. Biết được nỗi lo của tôi, chị Khâm Ting, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Salavan đưa tôi qua Văn phòng UBND tỉnh, nơi kết nối được với Internet, giúp tôi chuyển thông tin về Tòa soạn. Tuy nhiên, tại đây tôi vẫn không thể chuyển thông tin đi được, bởi đường truyền Internet không ổn định. Chị Khâm Ting sốt ruột đưa tôi đến Ngân hàng Phát triển Lào chi nhánh Salavan, cách đó hơn
3 km, để nhờ chuyển thông tin về Tòa soạn. Tại đây, chị làm thông dịch viên cho tôi và nhờ nhân viên của ngân hàng chuyển giúp thông tin về Tòa soạn. Tôi thật sự xúc động trước sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn Lào mới quen.

 

Đoàn công tác của tỉnh đến thăm Trường Hữu nghị Việt - Lào tại tỉnh Sêkông và cùng các em học sinh hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng “.

 

Do việc chuyển thông tin về Tòa soạn gặp trở ngại, buổi tối hôm đó tôi không dự được tiệc tỉnh bạn chiêu đãi Đoàn. Sáng hôm sau, trên đường từ Salavan trở về Champasak, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm hỏi: “Nhà báo tác nghiệp có vất vả lắm không?”. “Dạ, Internet ở đây lại không ổn định, nên em phải chạy tìm mãi mới kịp đưa thông tin về Tòa soạn” - tôi trả lời. Hiểu được công việc của nhà báo, sau đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các anh trong Đoàn đã tạo điều kiện cho tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp.

...và những ấn tượng rất... Lào!

Trong những ngày làm việc ở Lào, đến bất cứ tỉnh nào chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp trọng thị và chân tình. Những cái bắt tay nồng ấm nghĩa tình của chủ nhà đã làm cho mọi người trong Đoàn ai cũng xúc động. Anh Nguyễn Bay, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, bảo: “Đi công tác ở nước ngoài sướng nhất là đi Lào. Người dân Lào luôn xem tình cảm Lào - Việt là mối tình đặc biệt, thủy chung, son sắt. Đặc biệt hơn, có nhiều người Lào nói tiếng Việt rất trôi chảy nên việc giao tiếp khá thoải mái”. Chính điều này nên dù đã “xuất ngoại”, nhưng tôi vẫn cảm thấy như đang ở quê nhà.

Những người bạn Lào mà tôi gặp trong chuyến công tác, từ người cán bộ văn phòng, đến ông Bí thư kiêm Tỉnh trưởng đều “trổ” hết vốn tiếng Việt để giới thiệu về đất nước mình cũng như những kỷ niệm về Việt Nam. Tiến sĩ Khăn Phăn Phôm Mạ Thặt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Attapư, nói bằng tiếng Việt: “Đọc biên bản ghi nhớ giữa hai tỉnh bằng hai thứ tiếng chỉ là làm cho đúng lễ nghi. Chứ hầu hết ở đây ai cũng biết tiếng Việt”.

 

Nhân viên Ngân hàng Phát triển Lào chi nhánh Salavan.

 

Và cũng tại Attapư, chúng tôi còn gặp cô Phệt Xá Mơn, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Attapư. Cô tâm sự: “Để có công việc ổn định như hôm nay, tôi rất cảm ơn tỉnh Bình Định đã cấp học bổng cho tôi theo học Khoa Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn. Ký ức tốt đẹp trong những ngày học tập tại Quy Nhơn luôn đậm nét trong tôi. Tôi nguyện làm chiếc cầu nối về văn hóa và hợp tác kinh tế bền chặt giữa hai tỉnh Attapư - Bình Định”.

Không chỉ giao tiếp bằng tiếng Việt, trên đất bạn Lào tôi còn được nghe các ca sĩ Lào hát những bài hát Việt. Trong các buổi tiệc chiêu đãi của bạn, Đoàn công tác chúng tôi đều được thưởng thức các bài hát Việt thiết tha và các điệu múa truyền thống của bạn. Cảm giác đắm say tình hữu nghị Việt - Lào càng khiến không gian nơi đây thêm thơ mộng. Các thành viên của Đoàn được các thiếu nữ Lào xinh đẹp và duyên dáng trong trang phục truyền thống nhiều màu sắc, mời tham gia nối vào vòng tròn lăm vông vô tận. Ánh mắt trong ánh mắt, vòng tay đối vòng tay, dịu dàng uốn lượn. Dường như, khoảng cách giữa con người hai bên biên giới không hiện hữu nơi đây.

Đêm trước ngày Đoàn lên đường trở về, bạn đã tổ chức tiệc tiễn Đoàn trong không khí trang trọng nhưng đầy lưu luyến và bịn rịn. Với riêng tôi, trong hành trang đã có thêm nhiều kỷ niệm khó quên về đất nước bạn Lào với những con người có tấm lòng thật chân chất, mộc mạc và trong sáng như tình cảm giữa đất nước và nhân dân hai nước Việt - Lào.

  • N.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)
Gầy thương hiệu cho đặc sản Bình Định  (13/01/2012)
“Cánh tay nối dài” của báo Bình Định  (13/01/2012)
Những tấm lòng vàng  (13/01/2012)
Xuân sớm ở Kim Sơn  (13/01/2012)
Vị trái cây ngày Tết  (13/01/2012)
Bánh ít lá gai  (13/01/2012)
Con gái đất Võ  (12/01/2012)
Những ngọn roi, đường kiếm thất truyền của miền đất Võ  (12/01/2012)