Số hóa di sản văn hóa (DSVH) là xu hướng bảo tồn văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể (VHPVT) phổ biến trên thế giới bằng phương pháp áp dụng công nghệ thông tin trong lưu trữ dữ liệu nhằm chống lại sự mai một, biến đổi DSVH từ nhiều tác động. Tại Bình Định, hoạt động “số hóa” di sản VHPVT đã đi được một chặng đường khá dài…
|
Dự án Bảo tồn võ cổ truyền Bình Định thể hiện bức tranh toàn cảnh về di sản võ cổ truyền Bình Định.
- Trong ảnh: Võ sư Lý Xuân Hỷ (trái) với tuyệt chiêu đòn chõ.
|
Từ năm 1999, Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) đã bắt tay thực hiện một số dự án VHPVT, mỗi dự án có 4 sản phẩm chính: Báo cáo khoa học; phim tư liệu; tập ảnh khảo tả và chương trình ghi âm. Khi đã có “bột”, hoạt động “số hóa” DSVHPVT Bình Định chính thức được khởi động từ năm 2005, thông qua hoạt động triển khai nạp dữ liệu một số dự án VHPVT đã thực hiện. Trang web của Thư viện Tổng hợp tỉnh (www.thuvienbinhdinh.com) trở thành cơ sở lưu trữ sản phẩm của các dự án này, có tên gọi Ngân hàng dữ liệu VHPVT Bình Định. Đây là một “bảo tàng mở”, được cập nhật, bổ sung hằng năm.
Nhờ đó, một số DSVHPVT Bình Định, đặc biệt là văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh theo đúng nguyên bản đã được ghi hình, dựng thành phim và hòa mạng. Những ai quan tâm, có nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về văn hóa Bình Định như: Hội đổ giàn An Thái, Tục ăn mừng lúa mới của người Bana, Sinh hoạt âm nhạc dân gian người H’rê, Lễ đổ đầu của người Chăm H’roi, Lễ ăn trâu tạ ơn của người Bana, Lễ hội làng rèn ở Đập Đá, Làng hát bội cổ truyền Phước An…; hay một số chương trình ca kịch bài chòi Bình Định, các vở tuồng cổ, vai tuồng mẫu… , xin mời nhấp chuột đến địa chỉ Ngân hàng dữ liệu VHPVT Bình Định. Một kho tàng văn hóa truyền thống đậm bản sắc Bình Định sẽ hiển thị trước mắt.
Các dự án VHPVT được thực hiện trong vài năm gần đây như: Bảo tồn di sản võ cổ truyền Bình Định (năm 2009), Bảo tồn làng nón ngựa Phú Gia– Cát Tường (năm 2011)… tiếp tục bổ sung, làm giàu “ngân hàng văn hóa” này. Những dự án VHPVT mới vẫn đang được Sở VH-TT&DL chọn lựa thực hiện hằng năm. Trong tương lai, bằng số hóa và hòa mạng, ở bất cứ đâu cũng có thể tiếp cận kho tàng VHPVT Bình Định. Ngoài lưu trữ ở cấp địa phương, các dự án VHPVT Bình Định được lưu trữ truyền thống và lưu trữ điện tử ở Ngân hàng dữ liệu DSVHPVT các dân tộc Việt Nam (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bộ VH-TT&DL).
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Dương Tấn Sinh cho biết: “Hiệu quả của việc nạp dữ liệu VHPVT đem lại rất cao. Ngân hàng dữ liệu VHPVT Bình Định không chỉ góp phần trong việc giữ gìn DSVHPVT tỉnh nhà mà còn rất thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng dữ liệu một cách lâu dài”.
|