Bảo tàng Quang Trung:
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử
11:17', 14/1/ 2012 (GMT+7)

Bảo tàng Quang Trung chỉ ở quy mô địa phương nhưng nếu xét về sức hút của một địa chỉ tham quan nổi tiếng, Bảo tàng có thể sánh ngang “tầm vóc quốc gia”, bởi sự độc đáo từ hào quang lịch sử.

 

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung hằng năm thu hút hàng vạn người dân và du khách.

 

Đất lành chim đậu

Bảo tàng Quang Trung (BTQT) nằm trên mảnh đất phù sa ven sông Côn, có diện tích 15 ha. Anh Đỗ Thanh Minh, phụ trách chăm sóc cây ở BTQT, cho biết: “Đất ở BTQT rất phù hợp cho các loại cây phát triển. Hiện trong khuôn viên Bảo tàng đã hình thành “khu rừng” với hàng ngàn cây, đủ loại như me, sao, sấu, xà cừ, thầu đâu, khế, lim, sanh, vạn tuế, viết… trong đó, có nhiều cây cao hàng chục mét, tạo nên một không gian xanh, yên bình”. Loại cây từ nơi xa nhất được di thực về Bảo tàng là cây sấu; do Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, người con quê hương, tự mình ươm giống ngoài Hà Nội và chuyển giao. Cây sấu đã được nhân giống khắp Bảo tàng. Cây me cũng được trồng nhiều nhất và có sức phát triển tốt nhất ở BTQT. Điều đặc biệt là các cây me đều được nhân giống từ cây me cổ thụ mấy trăm năm tuổi đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. BTQT từ nhiều năm qua đã nhân giống hàng ngàn cây me con từ cây me cổ thụ để đáp ứng nhu cầu mua về trồng lưu niệm của du khách.

Có lẽ, hiếm có bảo tàng nào trên đất nước có được “vườn cây nguyên thủ” như BTQT. Hầu hết các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước khi về thăm, viếng BTQT đều trồng cây lưu niệm. Giờ, BTQT đã có đến hàng trăm cây được gắn bảng tên của các thế hệ lãnh đạo đất nước. Hai cây me trồng hai bên tượng đài Quang Trung do Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trồng năm 1983) và đồng chí Trường Chinh (trồng năm 1985) giờ rất đẹp. Sự phát triển của cây cối ở BTQT đã tạo nên đất lành cho các loại chim có được nơi trú ẩn bình yên, nhất là khi Bảo tàng cấm bắn chim từ nhiều năm qua.  

Bảo tàng đặc biệt

Không như các bảo tàng khác chỉ có chức năng trưng bày, giới thiệu các hiện vật, BTQT có sự đặc biệt của yếu tố tâm linh, kính ngưỡng khi được hình thành và gắn liền với Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và Văn thần Võ tướng cùng những di tích về phong trào Tây Sơn. Các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương khi về Bình Định đều đến thăm BTQT và dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Đông đảo người dân và du khách cũng từ yếu tố tâm linh, kính ngưỡng đặc biệt mà tìm về với BTQT. Xét trong hệ thống bảo tàng, hiếm nơi nào có được điều kiện để tổ chức lễ hội, chứ chưa nói đến lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa có quy mô vượt khỏi tầm địa phương như BTQT.

“BTQT đã sưu tầm, lập phiếu kiểm kê khoa học cho gần 12.000 tư liệu, hiện vật gốc. Trong đó, có 2 bộ sưu tập tương đối hoàn chỉnh là Tiền cổ thời Tây Sơn và Sắc phong thời Tây Sơn, cùng hàng trăm hiện vật phục chế và các tài liệu khoa học phụ khác .”

Theo thống kê của BTQT, mỗi năm có khoảng 100 ngàn lượt khách đến tham quan. Chỉ tính lượng khách đăng ký theo đoàn, đã có hơn 88.000 lượt trong năm 2010, gần 80.000 lượt khách trong năm 2011. Khách nước ngoài đến tham quan ngày càng đông. Đây chính là cơ sở để Sở VH-TT&DL có tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh về việc đầu tư một số hạng mục công trình mở rộng, nâng cấp BTQT theo hướng quy mô mang tầm quốc gia. Tuy nhiên sau khi xem xét lại điều kiện thực tế, mục tiêu này đã được điều chỉnh phù hợp hơn, theo hướng “nâng cấp và mở rộng BTQT kết hợp với phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh”.  Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc BTQT, cho biết: “Đề án xin nâng cấp, mở rộng BTQT trong thời gian tới sẽ bao gồm một số hạng mục: Xây dựng thêm một số gian thờ tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt để trở thành khu tâm linh trong Bảo tàng; xây dựng nhà lá mái Bình Định tại khu vực căng tin; chỉnh trang, nâng cấp nội thất trưng bày theo phương pháp mới; mở rộng Bảo tàng theo hướng Bắc… Đề án đã được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm…”. 

Tại buổi làm việc với các đơn vị chức năng về việc đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã khẳng định: BTQT có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống gắn kết với phát triển du lịch tỉnh nhà. Đồng thời cho biết có nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tài trợ kinh phí xây dựng các công trình tại BTQT với lòng kính ngưỡng đối với vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Cùng với hàng chục tỉ đồng của các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đã tài trợ xây dựng các công trình những năm vừa qua, BTQT đã tạo nên sự “hội tụ đặc biệt” mà ít bảo tàng nào ở Việt Nam có được…

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)
Gầy thương hiệu cho đặc sản Bình Định  (13/01/2012)
“Cánh tay nối dài” của báo Bình Định  (13/01/2012)
Những tấm lòng vàng  (13/01/2012)
Xuân sớm ở Kim Sơn  (13/01/2012)
Vị trái cây ngày Tết  (13/01/2012)
Bánh ít lá gai  (13/01/2012)