Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ
8:26', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh nhiều thú vui chơi, món ăn tinh thần mới lạ, người Bình Định vẫn không thể thiếu tiếng trống chầu, trong đó có các đoàn tuồng dân lập…  

 

Cảnh trong vở Tam Hạ Nam Đường, Đoàn tuồng Ánh Dương biểu diễn tại Liên hoan Tuồng không chuyên toàn tỉnh lần 7 – 2011.

 

Hội ngộ ấm áp

Tuồng dân lập có lẽ là tên gọi phản ánh đúng và đầy đủ nhất để chỉ những đoàn tuồng ngoài Nhà nước. Sau 7 năm gián đoạn, Liên hoan Sân khấu truyền thống Tuồng không chuyên toàn tỉnh lần 7 - cuộc hội ngộ của những đoàn tuồng dân nuôi và là đợt “kiểm tra chất lượng nghệ thuật” lớn nhất dành cho nghệ sĩ tuồng chân đất tỉnh nhà - được tổ chức trở lại. Trong tình cảnh khó khăn chung của sân khấu truyền thống, không ít người đã lo ngại, dự đoán một số đoàn sẽ vắng mặt. Nhưng thật bất ngờ và cảm động, đêm khai mạc Liên hoan, khán giả mộ tuồng đã chứng kiến sự có mặt đông đủ của 12 đoàn tuồng: Sao Mai, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn); An Nhơn 1, An Nhơn 2, Nhơn Hưng (An Nhơn); Tuy Phước, Ánh Dương, Phước An (Tuy Phước); Trường An 1 (Hoài Nhơn); Sông Kôn (Vĩnh Thạnh); Tây Sơn (Tây Sơn); Suối Tre (Phù Cát) tham gia Liên hoan. Đối với người nặng lòng với tuồng, sự thiếu vắng một đoàn, một vài diễn viên tài năng nào trong dịp hội ngộ này đều là nỗi buồn, sự nuối tiếc khôn tả. May mắn điều ấy đã không xảy ra, cho thấy nội lực và sức sống của tuồng dân nuôi thật mạnh mẽ!

Tham gia  hội diễn có trên 200 diễn viên, nhạc công, trong đó cao tuổi nhất là diễn viên Hà Mẹo (73 tuổi, đoàn tuồng Tây Sơn), trẻ nhất là diễn viên Diễm Thi (15 tuổi, đoàn tuồng Nhơn Hưng). Những “gương mặt vàng” của sân khấu hát bội dân lập: đào Kim Chung, Thu Hường, Ngọc Hương, Kim Huệ, Kim Oanh, Hà Thị Hạnh…, kép Hoàng Lộc, Công Lễ, Linh Nghiệp, Minh Tấn… tiếp tục chứng tỏ tài năng của mình, ở độ tuổi 40 – 50, họ sẽ còn tiếp tục cống hiến và tỏa sáng.

Càng cảm động hơn, tuồng dân lập được nuôi dưỡng trong mạch ân tình của một bộ phận không nhỏ khán giả mê tuồng chân đất. Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Ba, người xã Phước Lộc - Tuy Phước, 4 ngày diễn ra Liên hoan, ngày ngày ông cầm tài xe máy chở bà vào Quy Nhơn xem, 12 vở không bỏ sót buổi nào. Ông niềm nở bộc bạch: “Tôi mê tuồng từ nhỏ, có lẽ trọn đời không dứt ra được. Xem tuồng không chuyên từ thời thanh niên, tôi gần như quen mặt từng diễn viên, thế mạnh của mỗi đoàn. Xem vì ghiền, đồng thời để ý xem chất lượng tuồng dân lập theo thời gian càng nâng cao hay có dấu hiệu đi xuống. Thiệt mừng, tuồng dân lập tuy không sản sinh, bổ sung nhiều diễn viên mới, song dàn diễn viên hiện có diễn xem “đã” lắm”!

 

Nghệ sĩ chân đất tự hóa trang.

 

Rộn ràng sân khấu mùa xuân

Mùa xuân đã đến, cũng đồng nghĩa sân khấu tuồng chân đất sắp bước vào mùa diễn mới. “Hát tuồng vào các tháng 3, 4 âm lịch chủ yếu là hát án tín ngưỡng dân gian (thanh minh, cầu ngư…), còn diễn xuân là phục vụ nhu cầu thưởng thức tuồng của người dân, nói cách khác là diễn thuần túy nghệ thuật. Thời gian hoạt động nghệ thuật trong dịp lưu diễn xuân gần như chiếm phân nửa tổng thời gian biểu diễn cả năm, với nghệ sĩ nghiệp dư chúng tôi, sân khấu mùa xuân luôn bận rộn và nhiều ý nghĩa”, bà bầu đoàn tuồng Trần Quang Diệu Hà Thị Hạnh chia sẻ.

Không chỉ vì những pho tuồng thầy, tuồng tiểu thuyết vốn là sở trường của các đoàn tuồng dân lập, mà lối diễn mộc mạc, dễ đi vào lòng người đã được khán giả bình dân ưa chuộng, mến mộ. Điều này một phần lý giải vì sao các đoàn tuồng dân lập “lấy” được nhiều hợp đồng diễn hơn nhà hát tuồng chuyên nghiệp. Hình ảnh những anh kép, cô đào vốn là công nhân, nông dân, người buôn bán nhỏ…, “rũ bùn sáng lòa” trên sân khấu luôn gieo vào lòng khán giả tình cảm mến yêu vô hạn. Sự tương đồng, thông cảm, đồng cảm giữa nghệ sĩ và công chúng về tầng lớp, nếp sống, nếp nghĩ là mối dây gắn kết họ lâu bền. Luôn luôn là vậy, sân khấu đơn sơ những đêm hát bội ngoài trời, nghệ sĩ và khán giả bên nhau thật gần! 

* * *

Nhiều người cho rằng, nếu tính tuổi tuồng dân lập ở Bình Định thì mốc đầu tiên là từ thế kỷ 16, khi Đào Duy Từ từ Thanh Hóa vào Bình Định (ấp Bồng Sơn – Hoài Nhơn) mang theo nghề diễn tuồng. Tại nơi dừng chân, ông đã diễn tuồng cho dân xem và mang hát tuồng dạy lại cho dân làng trong vùng. Còn tính gần hơn, cuối thế kỷ 19, thế hệ Chánh Ca Ghình, Chánh Ca May, Chánh Ca Đựng, Chánh Ca Đông, Chánh Ca Lục, bầu Chi, bầu Thơm… - những kép hát nổi danh từ trường dạy hát bội Học Bộ Đình của Đào Tấn tại quê nhà Vinh Thạnh khi ông về hưu, thì tuồng dân lập đã có trăm năm nhịp bước cùng đời sống.

Như chim én báo hiệu mùa xuân, mùa hát bội rộn ràng nhất trong năm cũng theo chúa xuân về trên khắp quê tuồng.

  • Tường Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)
Gầy thương hiệu cho đặc sản Bình Định  (13/01/2012)
“Cánh tay nối dài” của báo Bình Định  (13/01/2012)
Những tấm lòng vàng  (13/01/2012)