Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập thông tin phục vụ dạy và học, năm 2008, Bộ GD-ĐT triển khai chương trình “Đưa Internet vào trường học”. Trong năm 2011, VNPT Bình Định cũng đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Định xây dựng 3 điểm “Internet Thanh niên” tại 3 huyện miền núi của tỉnh. Nhờ đó, học sinh, giáo viên miền núi có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức phong phú.
|
Đại diện các sở, ngành liên quan tham quan điểm “Internet Thanh niên” ở Trường THCS An Hòa, An Lão.
|
Sau ba năm triển khai thực hiện chương trình “Đưa Internet vào trường học”, năm 2010, Chi nhánh Viettel Bình Định đã hoàn thành việc “nối mạng” đến 455/455 trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc miễn phí lắp đặt, Viettel Bình Định còn miễn phí cung cấp dịch vụ với tổng chi phí hỗ trợ duy trì Internet trường học là 238 triệu đồng/tháng. Trong năm 2011, VNPT Bình Định phối hợp với Tỉnh Đoàn xây dựng 3 điểm “Internet Thanh niên” tại 3 huyện miền núi trong tỉnh là Trường THCS Canh Vinh (Vân Canh), Trường THCS An Hòa (An Lão), Trường THPT Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thạnh).
Quy mô của mỗi điểm “Internet Thanh niên” gồm 6 máy vi tính kết nối Internet, một máy in và các thiết bị phụ trợ khác với tổng giá trị 80 triệu đồng/điểm. Trong đó, VNPT Bình Định hỗ trợ kinh phí biên soạn tài liệu, tập huấn, khảo sát và hỗ trợ kinh phí đường truyền Internet trong một năm đầu tiên. Các điểm “Internet Thanh niên” sẽ cung cấp các tiện ích như: phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử, phổ biến kiến thức khoa học-kỹ thuật, điểm truy cập Internet, đồng thời là điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi và khai thác một số dịch vụ khác.
Tháng Chạp, chúng tôi có dịp trở lại điểm “Internet Thanh niên” của trường THCS Canh Vinh và Trường THPT Vĩnh Thạnh. Tại Trường THCS Canh Vinh, 6 máy tính nối mạng Internet luôn thu hút đông đảo học sinh đăng ký sử dụng. Bạn Đinh Văn Dũng, học sinh lớp 9A, chia sẻ: “Từ ngày có điểm Internet này, tụi em học tin học giỏi hơn trước vì vừa được học tin học vừa tìm kiếm tư liệu, đọc... Có Internet, việc học tập của em và các bạn được hỗ trợ rất nhiều, chẳng hạn, để chuẩn bị thi học kỳ I, em vào mạng tìm những bài văn mẫu hay để đọc tham khảo, xem kiến thức cơ bản về địa lý…” .
Thầy Nguyễn Bá Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh, vui vẻ tâm sự với chúng tôi: Trước đây ở trường chưa có “nối mạng”, các thầy cô giáo mỗi khi cần tìm kiếm thông tin phục vụ cho bài giảng phải chạy ra tiệm “nét” cách trường vài cây số, vừa tốn tiền, lại bất tiện. Còn bây giờ chỉ cần tranh thủ những giờ giải lao ở trường để “lên mạng” là có thể thoải mái cập nhật thông tin, trao đổi bài giảng điện tử với đồng nghiệp khắp nơi. Nhờ được kết nối Internet, các thầy cô chủ động hơn rất nhiều trong việc truy cập, tìm kiếm thông tin phục vụ cho công tác giảng dạy, tạo nên không khí dạy và học sôi nổi, hiệu quả”.
Hiện vẫn còn nhiều trường trong giờ học tin học có đến vài chục học sinh cùng sử dụng chung một chiếc máy tính, nhất là các trường ở miền núi. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các ngành chức năng và sự chung tay của các doanh nghiệp viễn thông, hiệu quả từ chương trình kết nối Internet đến trường học đã bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần rút ngắn khoảng cách “số” giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Ngô Thanh Vũ, Giám đốc Chi nhánh Viettel Bình Định: “Lắp đặt, bàn giao thiết bị xong cho các đơn vị, không có nghĩa là trách nhiệm của Viettel đã chấm dứt. Chúng tôi còn có trách nhiệm duy trì cho các đường truyền hoạt động tốt, nâng cấp hệ thống… nhằm không ngừng nâng cao tốc độ và chất lượng đường truyền, góp phần cùng với ngành Giáo dục tạo cơ hội cho học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi từ những tiện ích của công nghệ”.
|