Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi
9:6', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Trạm Thực nghiệm gia súc lớn và đồng cỏ Long Mỹ (Trạm Long Mỹ) thuộc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh (tại xã Phước Mỹ - TP Quy Nhơn) là nơi chuyên nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống vật nuôi mới, có chất lượng cao như: heo rừng Thái Lan, dê Boer, thỏ New Zealand, thỏ California… Nơi đây đã trở thành địa chỉ thân thuộc trong việc cung cấp các giống vật nuôi mới cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

 

Giống thỏ New Zealand và thỏ California nuôi tại TTNGSL-ĐCLM.   

 

Đưa chúng tôi đi tham quan hệ thống chuồng trại chăn nuôi thỏ vừa được đầu tư bài bản trong khu chăn nuôi của Trạm, ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng trạm Long Mỹ, cho biết: Tổng diện tích của trạm gần 30 ha, được chia thành nhiều khu chăn nuôi khác nhau. Hiện đang nuôi khảo nghiệm, chuyển giao các giống vật nuôi như: heo rừng Thái Lan, dê Boer (Mỹ), thỏ New Zealand, thỏ California… Đây là các giống vật nuôi mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao được du nhập từ nước ngoài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu con giống của người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, trong năm qua, ngành Nông nghiệp đã đầu tư cho Trạm nguồn kinh phí gần 5 tỉ đồng để xây dựng, mở rộng cơ sở chuồng trại, phát triển diện tích trồng cỏ 4 ha, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống biogas, hệ thống làm mát chuồng nuôi…

Theo ông Hùng, đến nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã làm chủ được kỹ thuật nuôi đối với các giống vật nuôi tại trạm. Đàn dê giống Boer sinh sản phát triển ổn định trên 100 con, hàng năm cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hàng ngàn con giống chất lượng cao. Ưu điểm của giống dê Boer là có khả năng phát triển nhanh, tỉ trọng tăng trưởng thịt cao, khả năng kháng dịch bệnh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Đặc biệt, giống dê Boer có thể chăm sóc, nuôi dưỡng theo phương pháp thâm canh cao bằng cách nuôi nhốt và cho ăn bằng thức ăn tinh và cỏ trồng sẵn. Nhờ ưu điểm vượt trội này, trong những năm gần đây, giống dê Boer đã được người dân trong tỉnh chọn nuôi thay cho các giống dê cỏ ở địa phương, vừa nâng cao chất lượng đàn dê tại địa phương, vừa tăng hiệu quả kinh tế.

Một đối tượng vật nuôi mới đang được Trạm Long Mỹ chuyển giao cũng được nhiều người chăn nuôi trong tỉnh quan tâm là giống thỏ ngoại cao sản New Zealand, và giống thỏ California (Mỹ). Hiện đàn thỏ giống bố mẹ đang được nuôi giữ tại Trạm có 350 con, mỗi năm chuyển giao cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh gần 2.000 con giống. Với các giống thỏ New Zealand và California có trọng lượng con giống ban đầu chỉ từ 1,5-2 kg, nhưng chỉ sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 3,5-4 kg/con, lợi nhuận thu được bình quân trên 300 ngàn đồng/con.

Được biết, chăn nuôi thỏ có ưu điểm là đầu tư chuồng trại đơn giản, quy trình kỹ thuật chăn nuôi khá dễ dàng, mỗi cặp thỏ giống có thể sinh sản từ 6-7 lứa/năm, mỗi lứa 6-7 con. Trước hiệu quả của việc nuôi thỏ khá cao, thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân tại các huyện An Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân… đã phát triển chăn nuôi thỏ với số lượng mỗi hộ nuôi từ 8-10 con giống, mỗi năm thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Hiện nay, thị trường thịt thỏ đang rất thuận lợi, nhiều thương lái thu mua thỏ với số lượng lớn đưa vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.

Ngoài ra, Trạm Long Mỹ cũng đang nuôi khảo nghiệm, nhân giống đàn heo rừng Thái Lan với số lượng 120 con. Mỗi năm trạm tổ chức nhân và chuyển giao cho người chăn nuôi hàng ngàn con giống. Do kỹ thuật chăn nuôi heo rừng khá đơn giản, heo thường ít bị dịch bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại rau, chuối, cám và các sản phẩm nông nghiệp, chi phí chăn nuôi không cao. Giá heo rừng lại ở mức khá cao, từ 200-300 ngàn đồng/kg và được thị trường tiêu thụ mạnh nên thu hút khá đông người dân nuôi heo rừng…

Nói về hướng phát triển của Trạm sắp đến, ông Hồ Việt Hùng cho biết thêm: Trong năm 2012, đơn vị sẽ tổ chức du nhập về nuôi khảo nghiệm 20 con hươu sao giống, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi hươu sao lấy nhung của người dân địa phương. Hiện nay, việc nuôi hươu sao lấy nhung đang phát triển khá mạnh tại một số địa phương trong toàn quốc nhưng tại tỉnh ta thì nghề này còn tương đối mới mẻ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, khảo nghiệm, du nhập thêm một số đối tượng vật nuôi khác như nai, nhím… để nhân giống cung ứng cho người chăn nuôi.

  • Nguyễn Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)
Người đưa đặc sản ẩm thực Bình Ðịnh đi xa  (13/01/2012)