Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn
9:36', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Cá tầm 6 tháng tuổi nặng gần 1 kg.

Ông Nguyễn Bá Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cá tầm Bình Định (Công ty CTBĐ), nói: “Trong số các món ăn đặc sản của Nga, món được thế giới biết đến nhiều nhất có lẽ là trứng cá tầm (trứng cá đen hay Black Caviar). Đây được xem là món ăn đặc biệt cao cấp. Trứng cá tầm chiếm vị trí cao nhất trên thực đơn của các món ăn cầu kỳ ở các nước châu Âu. Sắp đến, chúng tôi sẽ cung cấp cho người tiêu dùng loại đặc sản của nước Nga được nuôi và chế biến ngay tại Bình Định”.

Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, nguồn nước trong lành, hồ A thủy điện Vĩnh Sơn (tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia thủy sản Việt Nam. Và rồi, những con cá tầm từ miền đất Nga xa xôi lần đầu tiên đã được nhân nuôi tại vùng đất này, mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới…

Cá “tây” ở ta

Đến Vĩnh Sơn vào dịp cuối năm, trời mưa và lạnh khiến cho chuyến “vượt núi” của tôi vất vả hơn. Thấy tôi run run vì lạnh, ông Bùi Đức Tâm, Phó Giám đốc Công ty CTBĐ, cho biết: “Thời tiết càng lạnh, cá tầm Nga nuôi ở đây sinh trưởng, phát triển càng tốt, chúng tôi càng mừng”.

Tại hồ A thủy điện Vĩnh Sơn, trước mắt chúng tôi là một giàn lồng bè bằng thép dài hàng trăm mét, bồng bềnh trên mặt hồ. Các nhân viên của Công ty CTBĐ đang tất bật với việc chăm sóc cá. Ông Calimov Vladimire, chuyên gia người Nga, nói: “Khí hậu ở Vĩnh Sơn mát mẻ, hồ thủy điện có nguồn nước dồi dào, nước sâu và trong lành; các yếu tố sinh, lý, hóa trong nước phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cá tầm Nga. Bởi vậy, việc đầu tư nuôi cá tầm Nga tại khu vực này có triển vọng tốt. Hiện lứa cá đầu tiên thả nuôi đã nặng gần 1kg và chúng đang lớn từng ngày. Nhưng nếu lơ là một chút thôi là cá sẽ chết ngay”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Nguyễn Trọng Tiến, kỹ sư trưởng của Công ty, cho biết thêm: “Hiện ở nước ta chưa có loại thức ăn đặc dụng và thuốc đặc dụng để chữa bệnh cho cá tầm Nga. Trong khi đó, cá tầm rất dễ bị chết khi nguồn nước bị thay đổi nhiều về độ nông, sâu, nước bị ô nhiễm, thức ăn không đảm bảo khẩu phần và độ dinh dưỡng… Bởi vậy, cá tầm Nga được chăm sóc một cách đặc biệt”.

Để chăm sóc 42.000 con cá tầm thả nuôi trong 100 lồng bè, Công ty CTBĐ đã huy động một đội ngũ cán bộ, nhân viên hơn 40 người, gồm 4 kỹ sư, 3 bác sĩ ngư y và 33 công nhân, làm việc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nga. Từ sáng sớm, họ đã có mặt trên lồng bè, chia thành 5 nhóm để chăm sóc cá. Nhóm đầu tiên hơn 5 người tiến hành kiểm tra toàn bộ lồng cá và lưới. Một nhóm pha trộn thức ăn và cho cá ăn theo khẩu phần cho từng loại cá đã được phân loại và thả nuôi ở từng ô lồng khác nhau. Một nhóm nữa lặn xuống ô lồng sâu khoảng 5 m để kiểm tra sức khỏe của cá. Một nhóm tắm cho cá bằng hóa chất để khử khuẩn và các ký sinh trùng, đồng thời làm sạch môi trường nước. Các công đoạn chăm sóc cá được triển khai kỹ càng và rất khoa học. Khi một con cá có triệu chứng khác thường, chúng được vớt lên và được bác sĩ ngư y chăm sóc với chế độ đặc biệt…

 

Ngành chức năng của tỉnh tham quan, tìm hiểu việc nuôi cá tầm ở Vĩnh Sơn.

 

Kỳ vọng cá tầm Vĩnh Sơn

Thịt cá tầm trắng, dai, thành phần dinh dưỡng cao (nhiều vitamin A, phốt pho, vitamin B6, B12, nhiều omega 3 và omega 6), nên dễ hấp thu và dễ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe con người. Hiện thịt cá tầm trên thị trường được bán với giá cao, 300 -400 ngàn đồng/kg, trứng cá tầm từ 2.000 USD trở lên/kg. Thịt và trứng cá tầm có giá bán cao, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước là rất lớn, hiện “cung” không đáp ứng được “cầu”. Đến nay, cá tầm thả nuôi ở Vĩnh Sơn nặng gần 1 kg/con, dự kiến đến tháng 8.2012 cá sẽ đạt trọng lượng 3-4kg/con, sẽ được xuất bán.

Trước khi chia tay tôi, ông Nguyễn Bá Phượng tiết lộ: “Chúng tôi đã xây dựng xong dự án phát triển nuôi cá tầm tại Vĩnh Sơn với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng trong vòng 10 năm, từ năm 2011-2020. Công ty sẽ thuê 15 ha mặt nước hồ A thủy điện Vĩnh Sơn và 5 ha đất trên bờ để đầu tư nuôi và chế biến thịt, trứng cá tầm tại chỗ để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện chỉ mới có 100 lồng bè, nhưng chúng tôi sẽ lắp hệ thống giàn lồng với 1.000 ô thả nuôi cá tầm! Sẽ có một trung tâm nuôi - chế biến và khai thác tổng hợp tất cả lợi ích từ con cá đặc biệt này!”.

Công ty CTBĐ phấn đấu trong giai đoạn 2011-2020, ổn định tổng sản lượng cá trong hồ là 1.000 tấn, trong đó 840 tấn cá tầm chuyên thịt và 160 tấn cá tầm nuôi để lấy trứng. Dự tính, đến năm 2020, tổng doanh thu của Công ty sẽ đạt khoảng 500 tỉ đồng, nộp ngân sách tỉnh 100 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 300 lao động.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi  (15/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)
Một người yêu quê hương thiết tha  (13/01/2012)