Một năm “mía ngọt, mì bùi”
9:53', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu tập trung nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ các nhà máy chế biến công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu mía, mì tập trung với diện tích hàng chục ngàn ha…

 

Mía nguyên liệu chuẩn bị nhập vào Công ty cổ phần đường Bình định. Ảnh: VĂN LƯU

 

Mía ngọt, mì bùi

Trên địa bàn tỉnh hiện có doanh nghiệp (DN) chế biến mía (Công ty cổ phần Đường Bình Định -  BISUCO) và chế biến mì (Công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu) đang hoạt động. Trong thời gian qua, các DN này đã tăng cường xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy.

“Vụ thu hoạch năm nay, riêng tiền bán mía nguyên liệu tôi đã thu về trên 1 tỉ đồng. Nếu như ngày trước không táo bạo dồn điền, đổi thửa để phát triển vùng nguyên liệu thì làm gì có thu nhập cao như vậy” - Ông Nguyễn Văn Đức, nông dân ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn thổ lộ.

Theo ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc BISUCO, năm 2011, diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy đạt trên 8.500 ha, tăng 50% so với năm 2010, trong đó, trên địa bàn tỉnh, diện tích mía ổn định ở mức gần 3.000 ha. Hầu hết diện tích mía của nhà máy được nông dân đầu tư phát triển theo hướng thâm canh, đưa các giống mía mới vào sản xuất, xây dựng hệ thống thủy lợi để cung cấp nước tưới… Nhờ vậy, năng suất mía bình quân toàn tỉnh hiện đã đạt xấp xỉ 60 tấn/ha, tăng 10-15 tấn/ha so với các năm trước.

Một điều đáng ghi nhận trong phát triển vùng nguyên liệu là các nhà máy đã có chính sách khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa, tạo diện tích sản xuất lớn để mang lại năng suất, hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Đức, nông dân ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (An Nhơn), cho biết: “Nhờ sự đầu tư của BISUCO, tôi đã thuê lại ruộng của nhiều hộ để phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung. Đến nay, tôi có tất cả 9 ha đất trồng mía tại thôn Hòa Mỹ. Nhờ đất sản xuất tập trung, tôi có điều kiện đầu tư vốn để xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đưa các giống mía mới vào canh tác và tăng cường đầu tư thâm canh nên năng suất mía đạt bình quân từ 80-100 tấn/ha”. Với giá mía mua tại ruộng gần 1 triệu đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường, ông Đức đã có thu nhập trên 1 tỉ đồng từ cánh đồng mía của mình.

Đối với cây mì, năm vừa rồi giá mì nguyên liệu được nhà máy thu mua ở mức 1,65 triệu đồng/tấn (mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%), được xem là mức giá khá cao. Hiện Công ty cổ phần chế biến tinh bột mì xuất khẩu sản phẩm đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Peru… Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, DN này đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mì với diện tích 4.400 ha tại các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, triển khai các biện pháp canh tác rải vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy, và mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên.

Hai “nhà” cùng chung vui

Để thu hút nông dân phát triển vùng nguyên liệu ổn định, trong thời gian qua, các DN đã tăng cường chính sách đầu tư hợp lý, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa DN và  nông dân. Đồng thời tăng cường đầu tư du nhập, khảo nghiệm các giống mía, mì mới, nhân rộng sản xuất; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, nâng cao năng suất, nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Ông Phạm Ngọc Liễn, Tổng Giám đốc BISUCO, cho biết: Để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, BISUCO đã tăng định mức đầu tư cho nông dân trồng mía mới và chăm sóc mía gốc; tăng cường nhập các giống mía mới của Thái Lan, Trung Quốc, Mexico để thay cho các giống mía cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. Các giống mía mới đã được trồng khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu mía trong tỉnh, gồm các giống R579, R570, K88-65, K88-92… có tiềm năng năng suất rất cao, có thể đạt 120-150 tấn/ha. DN đã và đang giúp nông dân cải tiến kỹ thuật trồng mía, đầu tư thâm canh để tăng thu nhập…

Đối với vùng nguyên liệu mì, DN đang phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn và bổ sung thêm diện tích ở các huyện phía Bắc tỉnh để mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 8.000 ha, đáp ứng công suất mở rộng của nhà máy. DN cũng đã đưa ra mức giá bảo hiểm, hoạch định chính sách cho vùng nguyên liệu một cách phù hợp, đảm bảo DN và nông dân cùng có lợi.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, mặc dù hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột mì và chế biến đường, nhưng do giá bảo hiểm của các mặt hàng nông sản được các DN đưa ra không theo kịp với diễn biến giá của thị trường, nên chưa thu hút được nông dân. Do đó, khi xây dựng chính sách bảo hiểm nông sản, các DN cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN và nông dân. Đây là điều kiện tiên quyết để gắn kết sự chung thủy giữa nông dân với nhà máy. “Khi doanh nhân chung niềm vui với nông dân thì niềm vui ấy mới vững bền”- ông Hùng nhấn mạnh.

  • Nguyễn Quí
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (15/01/2012)
Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi  (15/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)
Doanh nhân Đỗ Thành Tích & những sáng tạo “không đụng hàng”  (14/01/2012)