Tết về nhà
13:32', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Thường, trước những chuyến đi xa, có thể là rất xa nhà, người ta hay nói: “Ra đi là để trở về”. Thì đúng là vậy. Và những chuyến trở về đích thực phải là về Tết.

Tôi may mắn không phải bươn chải phương xa, nhưng lại có khoảng thời gian sống xa nhà, đủ để thấm thía nỗi nhớ nhung của những kẻ cứ thấy gió đông lành lạnh thổi qua thành phố phương Nam là lại bổi hổi bồi hồi mong ngóng những chuyến xe cuối năm. Tôi có nhiều bạn đi học, rồi đi làm, lập nghiệp ở Sài Gòn. Mỗi năm bạn có vài bận về nhà, là những lần đi công tác, hay đi đâu đó tiện ghé. Bạn gọi là ghé. Ghé thì không lâu, như một kẻ lữ hành giữa đường mỏi chân tạt vào đâu đó nghỉ tạm. Bạn bảo, cái tâm thế của một kẻ đi xa, trở về quê nhà vào dịp Tết, nó đặc biệt lắm mà phải là người trong cuộc, ứng nghiệm qua bao thời gian mới cảm nhận được hết.

Những năm đầu tiên xa nhà, tháng Chạp, bạn bắt đầu nhớ quay quắt không khí ở nhà. Chạnh lòng thấy mình qua câu hát “Rồi một lần kia khăn gói đi xa, tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà...”. Ừ, chỉ là tưởng thôi, những suy nghĩ bồng bột tuổi trẻ, chứ làm sao mà quên được. Cho đến khi đáp chuyến xe đêm, miên man trong cái se lạnh gió xuân, vẫn không thôi tưởng tượng: Này về nhà, này gặp mẹ cha, anh em, này cà phê với bạn, này dạo chợ hoa mua cho ba chậu cúc vàng... Thế rồi về đến nhà. Cái cảm giác vui mừng như đứa trẻ được quà mẹ đi chợ về cứ rạo rực và lan mãi trong người. Biết ý, những đứa bạn ở nhà lại rủ những đứa xa quê mới về chọn một quán cà phê trên cao để hàn huyên. Chỉ cốt giúp bạn thu trọn những người, những xe, chợ hoa... trên phố vào tim, để những khi nhớ nhà thì lấy ra “gặm nhấm”. Rồi thì cả lũ lại miên man dẫn xe qua những con đường nhỏ, để những đứa xa nhà cảm nhận rõ hơn cái cảm giác thân quen xen lẫn lạ lẫm đan vào nhau: quen là nơi chốn ta gắn bó trọn thời hoa niên, lạ là cả năm mới gặp lại đôi lần.

Có đứa nói, hình như càng lớn thấy mình càng đằm lại. Công việc tối mặt, cái cảm giác nhớ nhung cuối năm cũng chỉ thoáng qua, rồi lại nhường chỗ cho những hỉ nộ ái ố đời thường. Nhưng cái không bao giờ quên, đã lên lịch sẵn trong đầu là phải đặt mua vé, tàu, xe hay máy bay gì cũng được, để về quê. Nhà ư, ở Sài Gòn cũng có nhà chứ, nhưng không phải quê, nên phải về. Thế là, phải là vào ngày hăm mấy tháng chạp, phải dắt díu nhau chen lấn nghẹt thở ở bến xe, nhà ga, rồi xuống xe, xuống tàu với vợ chồng, con cái đùm đề, tay xách nách mang, thì mới gọi là về. Về đến nhà, phải là ông bà, anh em họ hàng tay bắt mặt mừng, tíu tít hỏi han, rồi quà cáp bày ra, món đặt lên bàn thờ tổ tiên, món trao tay họ hàng, thì mới gọi là về.

Là về quê. Quê nhà ta đó!

  • Việt Hoàng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một năm “mía ngọt, mì bùi”  (15/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (15/01/2012)
Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi  (15/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)
Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu  (14/01/2012)