“Ly nông bất ly hương”
13:46', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Những năm gần đây, các nhà máy, xí nghiệp mọc lên ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh, thu hút lao động là nông dân vào làm việc. Nhờ đó, mỗi năm tình trạng người dân ở các vùng nông thôn Bình Định – đặc biệt là thanh niên “hành phương Nam” tìm việc giảm dần. Ở quê mình cũng có nhiều nhà máy cần công nhân, làm ở quê dễ tích lũy.

 

Một góc xưởng may của Công ty cổ phần may An Nhơn.

 

Theo số liệu thống kê của tỉnh Bình Định, hiện nay, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% tổng số lao động. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, do dân số tăng nên hệ số đất canh tác của mỗi lao động giảm xuống, tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ngày càng gia tăng. Để giảm áp lực này, đồng thời để tích cực thay đổi cơ cấu nền kinh tế, tỉnh đã tập trung xây dựng các KCN, CCN, đưa các nhà máy, xí nghiệp về các vùng nông thôn.

Không còn…“hành phương Nam

KCN Phú Tài và Long Mỹ (TP Quy Nhơn) đã giải quyết được trên 20.000 lao động trong và ngoài tỉnh vào làm việc. Ngoài ra, các địa phương đều có nhiều CCN cũng giải quyết từ 3.000-10.000 lao động cho mỗi địa phương. Ngành chế biến gỗ tỉnh ta lâu nay được xem là trung tâm đồ gỗ lớn của cả nước, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, gần đây ngành may mặc cũng được xem là “thủ phủ” khi mà các nhà máy có công suất lớn, cần số lượng lớn lao động được xây dựng rải đều ở các huyện để thu hút lao động nông thôn vào làm công nhân. Hiện nay, mức lương của công nhân ngành gỗ dao động từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng, ngành may mặc có nhỉnh hơn dao động từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng.

Đặc thù của hai ngành sản xuất gỗ và may mặc không kén chọn công nhân, không đòi hỏi nhiều về trình độ tay nghề ở người lao động. Đa số các doanh nghiệp đều tuyển lực lượng lao động phổ thông vào học việc có hỗ trợ lương ban đầu, sau thời gian học việc sẽ trở thành thợ có tay nghề. Hàng năm tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.

Ông Phan Thanh Nhân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần may An Nhơn, cho biết: “Khi đặt các nhà máy tại các vùng nông thôn thì việc tuyển lao động được dễ dàng hơn. Tuy các lao động này trình độ văn hóa còn thấp, chưa có nghề, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao. Nhưng khi vào, công ty sẽ đứng ra tổ chức đào tạo tay nghề, nâng cao tay nghề cho công nhân, tổ chức các lớp học bổ túc để nâng cao trình độ văn hóa. Điều đó không chỉ giúp cho các công nhân có tay nghề cao, thu nhập ngày càng tăng mà giúp cho doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

 

Các nhà máy chế biến gỗ thu hút nhiều lao động nông thôn vào làm việc.

 

Tết sẽ thêm vui

Cách đây vài năm, chuyện nông dân muốn có việc làm phải rời quê đi làm ăn xa là thường. Làm nông dân, lợi nhuận từ hạt lúa, mảnh vườn rất khó trang trải cuộc sống. Với người già, nhu cầu thường không cao nên khéo co kéo cũng tạm đủ. Nhưng với giới trẻ thì khác, họ rất nhạy cảm trước những thiệt thòi do chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị. Thế là mỗi năm sau Tết, thanh niên ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh lũ lượt chèo kéo nhau vào TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tìm việc làm với mong ước có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn, mong kiếm được chút tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình ở quê.

“Để người lao động có tay nghề đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng của các DN, trong năm 2011, tỉnh đã đầu tư đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nghề, nhất là cho lao động ở nông thôn, nhờ đó tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt gần 44%. Thời gian tới, ngành lao động tích cực triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đồng thời hỗ trợ kinh phí để các DN đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động”.

Bà PHẠM THỊ THU HỒNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh

Nay, nhiều người “hành phương Nam” đã chịu ở lại quê để vào làm công nhân các nhà máy, xí nghiệp ở quê. Cứ sau mỗi mùa Tết, những người ở lại quê thêm nhiều hơn. Hàng ngày từ tờ mờ sáng, những chuyến xe đưa đón đã len lỏi vào tận các vùng quê để đón công nhân đi làm. Ông Lê Văn Lành, ở thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa đang làm công nhân gỗ cho DNTN Hữu Thịnh, cho biết: “Trước đây không có việc, hầu hết thanh niên trong thôn, trong xã kéo vào Nam tìm việc làm, từ ngày các nhà máy, xí nghiệp mọc lên họ lại kéo về đây. Làm việc gần nhà tuy thu nhập không cao bằng trong Nam nhưng chi tiêu ít hơn, có thời gian chăm sóc gia đình, đồng ruộng, chăn nuôi để có thêm thu nhập, nên tính ra mức tích lũy dễ cao hơn”.

Học xong lớp 9, không có tay nghề vào thành phố Hồ Chí Minh làm lao động phổ thông, tằn tiện lắm mới dư chút ít gửi về quê, sau 5 năm chị quyết định quay về quê làm công nhân đó là trường hợp của chị Bùi Thị Kim Oanh (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), hiện là công nhân Công ty cổ phần may An Nhơn. Chị Oanh tâm sự: “Khi xin vào công ty, tôi cũng như nhiều công nhân khác chưa có tay nghề, được Công ty đào tạo nghề, giờ còn được tạo điều kiện cho học bổ túc văn hóa cấp 3, thu nhập bình quân hàng tháng của tôi trên 3 triệu đồng”. Theo chị Oanh, Tết này sẽ đón Tết vui hơn, đầy đủ hơn vì công ty đã lên kế hoạch thưởng Tết, vả lại năm nay bão lụt không gây thiệt hại cho gia đình như mọi năm. Và một niềm vui nho nhỏ mà những người như chị Oanh thường chia sẻ đó là không phải chạy vạy, lùng mua vé tàu xe về quê đón Tết nữa. Người thân ở nhà cũng không phấp phỏng lo âu đợi tin nữa.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết về nhà  (15/01/2012)
Một năm “mía ngọt, mì bùi”  (15/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (15/01/2012)
Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi  (15/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)
Một tuần trên đất nước Triệu Voi  (14/01/2012)
Từ điệp viên đến chủ tịch hội đồng hương  (14/01/2012)
Trò chuyện cùng những “vua bò gù”  (14/01/2012)
Trên hết là trách nhiệm với học trò  (14/01/2012)