Giữ lửa cho đời sau
18:56', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Có những vật dụng, vũ khí đối với người cán bộ cách mạng, anh bộ đội, du kích… thời chiến tranh chỉ là vật bình thường, nhưng qua nhiều năm tháng, ngày nay trở thành những kỷ vật vô giá vừa mang giá trị lịch sử vừa giàu ý nghĩa về tinh thần… Và để bảo tồn những kỷ vật vô giá ấy, có những người hiến tặng và những người âm thầm đi sưu tầm, tìm kiếm để lưu giữ những ký ức một thời oanh liệt.

 

Thuyền trưởng “tàu không số” Nguyễn Minh Châu (bên phải) trao kỷ vật cho đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ảnh: N.P

 

Kỷ vật một thời

Đó có thể là một chiếc xe đạp, khẩu súng ngắn, cái bi đông đựng nước, khung dệt, túi đựng tài liệu hay chiếc gùi lương thực của các đồng chí đã từng tham gia chiến trường Bình Định trong cuộc kháng chiến, hay chỉ là một đôi dép, chiếc dao tự chế. Hàng chục kỷ vật là đồ dùng, hành trang của những người lính, được cất giữ bởi những người thân, đồng đội... Nét chung của chúng là sự giản dị. Nhưng mỗi món đồ lại chứa đựng biết bao câu chuyện cảm động về cuộc sống, chiến đấu, hy sinh và cả chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong chiến tranh.

Ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, vừa hiến tặng cho Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh một số kỷ vật thời chiến mà ông cất giữ, trân trọng nhiều năm nay. Trong đó có khẩu súng K59 cùng ông đi khắp chiến trường, được ông giữ riêng như một báu vật đến các con của ông không hề biết. Đó là kỷ vật gắn bó suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Ông Tín tâm sự: “Những ai từng nếm trải những tháng ngày vào sinh ra tử cùng các đồng chí, đồng đội trong những chuyến công tác, những trận đánh ác liệt thì mới thấu hiểu hết ý nghĩa và giá trị của những kỷ vật như thế. Mỗi kỷ vật đều gắn liền với mỗi con người, mỗi số phận trong chiến tranh”.

Chiếc bi đông đựng nước của ông Nguyễn Kim Anh, nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Bình Định, cũng được ông giữ gìn nhiều năm, nay đem tặng cho Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh để trưng bày. Ông Anh bảo, chiếc bi đông này đã không ít lần cứu ông và các đồng đội trong những đợt bị địch bao vây dài ngày, những giọt nước trong bi đông đã được chia sẻ cho nhau. Theo ông Anh, mỗi kỷ vật thời chiến đều mang một ý nghĩa riêng và gắn liền với kỷ niệm tuổi thanh xuân cuộc đời mình chiến đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc.

Khi đem tặng Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh những kỷ vật thân thiết, đầy ý nghĩa của mình, Thiếu tướng Võ Phi Hồng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, Anh hùng lực lượng vũ trang Huỳnh Thị Ngọc, Anh hùng lực lượng vũ trang Thái Anh Kia… cùng gởi gắm một điều “mong tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về lịch sử dân tộc, quá khứ hào hùng cha anh. Hiểu và có thêm năng lượng để bước tiếp trên con đường xây dựng đất nước, trên chặng đường phấn đấu chưa bao giờ hết những gian nan”.

 

Các cựu quân nhân tham quan Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh.

 

Giữ lửa cho đời sau

Ông Nguyễn Bá Sinh, Chủ nhiệm Nhà văn hóa (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), người đang phụ trách công tác sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật chiến tranh cho Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, tâm tình: “Sưu tầm kỷ vật thời chiến không chỉ lưu dấu quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước, mà còn là cách để tri ân đối với thế hệ cha ông và giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước quý báu, về lịch sử đấu tranh giữ nước của tiền nhân…”.

Cũng chính vì suy nghĩ đó mà suốt nhiều năm qua, cán bộ Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh đã đi khắp các vùng đất để tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, rồi về phân loại, lau chùi cẩn thận và viết “lý lịch” cho kỷ vật. Bằng nhiều cách, họ cũng đã tìm gặp các đồng chí từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để xin kỷ vật… Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, các cán bộ Nhà truyền thống đã đến các nhà dân để vận động, tiếp nhận các kỷ vật dù không có giá trị nhiều về vật chất, nhưng lại vô giá về mặt lịch sử đã được người dân gìn giữ gần 50 năm qua để minh chứng cho con “tàu không số” chở 34 tấn vũ khí cập bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) vào rạng sáng ngày 1.11.1964, góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân Bình Định.

Theo ông Sinh, chiến tranh đã lùi xa 37 năm, các bạn trẻ bây giờ không biết nhiều về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nhưng qua sách báo, phim ảnh và nhất là kỷ vật thời chiến sẽ giúp họ hiểu được phần nào về sự khốc liệt của cuộc chiến, tinh thần hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cách mạng. Do vậy, công việc sưu tập, lưu giữ lại những hiện vật của các thế hệ cha ông là điều cần thiết. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, vận động cán bộ, người dân còn giữ những kỷ vật trong kháng chiến tặng lại để đưa vào Phòng truyền thống. Đó sẽ là những câu chuyện lịch sử sống động để thanh niên bây giờ luôn ghi nhớ và biết ơn về một thế hệ đã ngã xuống vì đất nước. Đó sẽ là lời nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay sống tốt đẹp và có ý nghĩa để xứng đáng với thế hệ cha ông.

Hiện Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh đang trưng bày gần 300 hiện vật, kỷ vật qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trong đó có một số hiện vật, kỷ vật được người dân hiến tặng. Hàng năm có hàng chục ngàn người đến tham quan, tìm hiểu; riêng số học sinh-sinh viên đến tìm hiểu truyền thống mỗi năm từ 2.000-3.000 em vào dịp Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3) và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12).

  • Phạm Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tươi mới sắc màu 30a  (15/01/2012)
Sắc xuân nông thôn mới  (15/01/2012)
Phát triển du lịch - những tín hiệu khả quan  (15/01/2012)
“Ly nông bất ly hương”  (15/01/2012)
Tết về nhà  (15/01/2012)
Một năm “mía ngọt, mì bùi”  (15/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (15/01/2012)
Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi  (15/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)
Sự độc đáo từ hào quang lịch sử  (14/01/2012)
Cách bảo tồn hiệu quả  (14/01/2012)