Đến với những người lính canh trời
14:47', 16/1/ 2012 (GMT+7)

Lính đồng bằng chưa quen dốc đèo, ì ạch mãi tôi mới leo tới đỉnh đồi, nơi tọa lạc của Đài quan sát K25, Lữ đoàn Phòng không 573. Gió lộng bốn bề, hào phóng thổi tan những giọt mồ hôi sau chặng vượt dốc.

 

Trên trận địa canh trời của bộ đội Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 573.  Ảnh: N.D

 

Giữa lưng chừng đèo mây

Trước khi đến thăm các anh, tôi đã tìm nghe ca khúc “Chiến sĩ rađa trên chốt biên thùy” của nhạc sĩ Thuận Yến, bài hát mà nhiều người lính rađa vẫn xem là bài hát truyền thống của binh chủng. Nhưng khi thiếu úy, Đài trưởng Nguyễn Văn Sáng cùng 3 chiến sĩ đón khách với nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay ấm áp, giữa lưng chừng đèo mây, trong tôi bỗng vang lên những câu ca tha thiết: “Chúng tôi đứng đây mây trắng thổi qua đầu/ Trời tháng Chạp tưởng chừng như với được/ Ở nơi này điểm cao hai ngàn thước/ Nghe gió về hun hút phía rừng xa”.

Đài quan sát K25 làm nhiệm vụ trực canh 24/24, được mệnh danh là “con mắt sáng” của Lữ đoàn. Quanh năm suốt tháng nhìn hoài lên trời liệu có… ngán không? Trả lời câu hỏi đầy tò mò của khách, binh nhất Phan Lê Nguyên vui vẻ chia sẻ: “Ngán thế nào được. Trên trời đâu chỉ có… trời. Nào gió mây, sấm sét, mặt trăng, những vì sao, cầu vồng 7 sắc rạng rỡ sau cơn mưa… Và nhiệm vụ! Đâu phải ngẫu nhiên trời được gọi bằng “ông” bởi bầu trời cũng mang đủ các cung bậc tình cảm “hỉ, nộ, ái, ố” như con người đấy”.

Nhưng chuyện trời đẹp, xấu “liên đới” gì đến lính phòng không? Binh nhất Phạm Văn Hùng cười giòn tan: “Bầu trời vừa là bạn vừa là “đối tượng tác chiến”, nó có thể “nói” với chúng tôi rất nhiều điều quan trọng. Chỉ cần nghe tiếng động cơ ì ầm từ xa hay hình ảnh lạ xuất hiện trong nắng, trong mưa, qua kính chỉ huy và ống nhòm, chúng tôi có thể “vén mây” nhận dạng chính xác các phương tiện bay trên không. Với “tầm nhìn xa trên 10km”, những năm qua, Đài quan sát đã phát hiện và cấp báo nhiều đám cháy rừng xảy ra trên địa bàn hay vụ một máy bay bị tai nạn trên vùng trời đơn vị quản lý”.

Đài K25 nuôi 4 chú chó con, mang tên các loại máy bay Mic, Mi, An… Các chú khuyển này tinh lắm, người lạ vừa mới xuất hiện ở chân dốc đã lập tức sủa vang, cấp báo kịp thời tình hình cho chủ nhân. Có tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác làm nhịp sống trên điểm cao bớt… chông chênh. Anh em vẫn nửa đùa nửa thật bảo rằng, khác với những đơn vị đóng quân vùng thấp “tóc gió thôi bay”, trên này bốn mùa “tóc bay cùng gió” nên mau dài lắm, chừng 2-3 tuần lại phải làm đẹp “một góc con người”. Ngoài cắt tóc, mỗi ngày mỗi quân nhân ít nhất “hạ sơn” một lần để đi chợ, tắm giặt. Để rồi lúc “thượng sơn” áo quần, đầu tóc lại nhễ nhại mồ hôi. Được Lữ đoàn đầu tư bếp điện từ, ti vi, đầu video song mỗi lần thấy sao băng, bộ đội vẫn thầm ước, sớm có nguồn nước dồi dào tại chỗ để tiện sinh hoạt và tăng gia, mong có chiếc tủ lạnh nho nhỏ để bớt nhọc công đi chợ…

 

Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Lữ đoàn Phòng không 573, chơi cờ tướng cùng chiến sĩ trên Đài quan sát K25.

 

Trên trận địa canh trời

Rời Đài quan sát K25, chúng tôi “xông đất” sớm Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 573. Đã vào tháng Chạp, bà con đây đó đang nô nức mua sắm, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Trên trận địa này, thoạt nhìn vẫn “một ngày như mọi ngày” song thẳm sâu trong mỗi quân nhân, mùa xuân dường như đang gõ cửa.

Ngay bên công sự đã hừng lên sắc đỏ của bông trang, rực vàng của hoa chuối. Đang giai đoạn cao điểm trực chiến, trên những mâm pháo 57mm to lớn cồng kềnh, những chàng pháo thủ trẻ măng mải miết căng mắt quan sát, phát hiện, theo dõi các mục tiêu trên không. “Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” nên tâm hồn người lính luôn bay bổng, dạt dào cảm xúc.

Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Triển bồi hồi: “Ấn tượng nhất là những đêm giao thừa, trong khoảnh khắc đất trời giao hòa, dù trong ca trực hay đang nghỉ ngơi, lính phòng không vẫn mắc “bệnh nghề nghiệp” dõi mắt lên trời hồi tưởng lại những việc đã làm năm qua, hình dung những việc cần làm năm tới”. Còn Trung tá Nguyễn Ngọc Phận, Phó chủ nhiệm UBKT Đảng bộ Lữ đoàn, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1 nhắc mãi chuyện các cháu học sinh đi thăm trận địa, được ngồi trên mâm pháo cứ véo von ca hát : “Cháu yêu chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê/ Tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành/ Nòng súng cao chú giữ lấy trời xanh/ Cho cháu vui học hành dưới mái trường đỏ tươi”.

Mà đâu chỉ có các cháu, các cô giáo dịu dàng của các trường phổ thông, các thiếu nữ mười tám đôi mươi duyên dáng của những tổ chức Đoàn kết nghĩa qua các buổi tham quan, giao lưu  văn nghệ, chẳng biết vì thương thầm nét hào hoa hay khâm phục tài điều khiển “rồng sắt” mà đã phải lòng, bén duyên rồi về làm dâu Lữ đoàn. Làm vợ bộ đội quanh năm bận việc nhà binh, đồng lương có hạn song các chị luôn bền lòng gắn bó thủy chung, là điểm tựa để các anh chắc tay súng gìn giữ bình yên vùng trời Tổ quốc.

Sâu nặng như biển với người lính hải quân, bầu trời với người lính phòng không là tình yêu, nỗi nhớ, là máu thịt ruột rà. Tôi tạm biệt Lữ đoàn Phòng không 573 trong rực rỡ nắng xuân…

  • Đỗ Thị Ngọc Diệp
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lính trẻ giữ biển  (16/01/2012)
Giữ lửa cho đời sau  (15/01/2012)
Tươi mới sắc màu 30a  (15/01/2012)
Sắc xuân nông thôn mới  (15/01/2012)
Phát triển du lịch - những tín hiệu khả quan  (15/01/2012)
“Ly nông bất ly hương”  (15/01/2012)
Tết về nhà  (15/01/2012)
Một năm “mía ngọt, mì bùi”  (15/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (15/01/2012)
Địa chỉ thân thuộc của người chăn nuôi  (15/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (15/01/2012)
Rút ngắn khoảng cách “số”  (15/01/2012)
Tuồng dân lập: sức sống bền bỉ  (15/01/2012)
Ánh ngày trong đêm  (14/01/2012)
Làng Sông và câu chuyện về chữ Quốc ngữ  (14/01/2012)