Năm 2011 đã khép lại với nhiều sự kiện đáng nhớ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm do Báo Bình Định bình chọn; được xếp theo thứ tự thời gian.
1. Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Sau 4 năm triển khai CVĐ, đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo đức trong đời sống xã hội; trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức… CVĐ đã tác động trực tiếp đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
|
Tổng kết 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: VĂN LƯU
|
2. Festival lâm sản Việt Nam - Bình Định lần thứ I
Festival được khai mạc ngày 26.3 với nhiều hoạt động phong phú. Đây là một sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh ta và là ngày hội lớn của ngành lâm sản Việt Nam. Hội chợ - Triển lãm lâm sản Việt Nam tại Festival đã có 528 gian hàng của 104 DN trong nước và 6 DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tham gia; qua 3 ngày tổ chức, thu hút trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu đạt trên 50 tỉ đồng. Tại Festival, 4 sản phẩm và 1 sự kiện đã được trao danh hiệu Kỷ lục Guiness Việt Nam.
3. Hai liên hoan nghệ thuật truyền thống
Liên hoan Sân khấu Dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc được khai mạc tối ngày 5.4 và kết thúc ngày 8.4, tại TP Quy Nhơn với sự tham gia của 3 đơn vị nghệ thuật. LH Sân khấu Tuồng truyền thống toàn quốc khai mạc tối 25.4 và bế mạc ngày 30.4 với sự tham gia của 7 đơn vị nghệ thuật tuồng trong nước. Liên hoan Tuồng không chuyên toàn tỉnh khai mạc tối 24.9 và kết thúc tối 29.9. Liên hoan quy tụ gần 400 diễn viên, nhạc công đến từ 12 đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh. Các liên hoan nghệ thuật truyền thống đã tạo ra một “cú hích” trong việc bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống; là động lực để các nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến.
|
Vở tuồng “Đào Tam Xuân loạn trào” của Nhà hát tuồng Đào Tấn tham gia Liên hoan Tuồng toàn quốc. Ảnh: V.L
|
4. Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND 3 cấp
Ngày 22.5, cùng với cả nước, 1,096 triệu cử tri tỉnh ta đã nô nức đến các điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình, bỏ những lá phiếu bầu chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Ngày bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIII và ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 thực sự là ngày hội của toàn dân. Kết quả bầu cử đã chọn được 8 ĐB Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Định, 60 ĐB HĐND cấp tỉnh khóa XI; 391 ĐB HĐND cấp huyện, thành phố và 4.248 ĐB HĐND cấp xã, phường, thị trấn.
|
Bầu cử Quốc hội và HĐND 3 cấp. Ảnh: V.L
|
5. Khai trương đường bay Quy Nhơn- TP Hồ Chí Minh và ngược lại của Air Mekong
Lễ khai trương được tổ chức sáng ngày 1.6, tại Cảng hàng không Phù Cát. Air Mekong khai thác đường bay Quy Nhơn- TP Hồ Chí Minh và ngược lại bằng máy bay Bombardier CRI 900, với tần suất bay 1 chuyến/ngày. Việc mở đường bay Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh và ngược lại của Air Mekong đã mở ra cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận; góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa tỉnh Bình Định, các tỉnh lân cận với các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh.
|
Air Mekong mở đường bay Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Ảnh: TRẦN SỰ
|
6. Học sinh Võ Duy Việt đoạt Huy chương Đồng Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 43
Cuộc thi được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 17.7 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc thi này, ngoài Huy chương Đồng của Võ Duy Việt, đội tuyển Hóa học của Việt Nam còn đoạt 2 Huy chương Bạc. Võ Duy Việt sinh năm 1993, tại xã Phước Thuận (Tuy Phước), là học sinh lớp 12 chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Thành tích của Việt là niềm tự hào chung cho cả tỉnh. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đây là lần thứ 2, tỉnh ta có học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc tế.
7. Cây me Bảo tàng Quang Trung được công nhận là cây Di sản Việt Nam
Lễ công nhận cây me Bảo tàng Quang Trung- Tây Sơn là cây Di sản Việt Nam được tổ chức ngày 28.11, tại Bảo tàng Quang Trung. Cây me được xác định trên 200 năm tuổi và là cây cổ thụ đầu tiên của Bình Định được công nhận cây di sản. Ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.
|
Cây me Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: Đ.T.Đ
|
8. Thành lập thị xã An Nhơn
Ngày 28.11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP thành lập thị xã An Nhơn và thành lập 5 phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trước đó, ngày 26.2, UBND huyện An Nhơn đã tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận thị trấn Bình Định mở rộng đạt chuẩn đô thị loại IV. Việc nâng cấp An Nhơn lên thị xã sẽ tạo tiền đề đầu tư xây dựng phát triển đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xây dựng và phát triển An Nhơn thành đô thị hiện đại, bền vững, có bản sắc riêng nhằm thực hiện tốt vai trò đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh.
|
Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập thị xã An Nhơn. Ảnh: V.L
|
9. Cảng Quy Nhơn đón chuyến hàng thứ 5 triệu thông qua cảng; đưa vào sử dụng công trình đường phía Tây tỉnh
Lễ đón chuyến hàng thứ 5 triệu được tổ chức long trọng vào ngày 5.12. Đây là một cột mốc lịch sử, sau cột mốc 1 triệu tấn vào năm 1999, 2 triệu tấn vào năm 2003, 3 triệu tấn năm 2007, 4 triệu tấn năm 2010.
Trước đó, ngày 1.7, công trình đường phía Tây tỉnh đã được nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng. Toàn tuyến có chiều dài 121 km, điểm xuất phát tại quán Cai Ba (km27+300) thuộc quốc lộ 19 đoạn qua xã Nhơn Lộc (An Nhơn) đi về hướng Bắc tỉnh qua các huyện An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Điểm cuối giao nhau với quốc lộ 1A tại km 1.127+300 thuộc địa phận xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn). Tổng vốn đầu tư của dự án là 412 tỉ đồng.
Cảng Quy Nhơn, đường phía Tây tỉnh là những kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Định phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Bình Định thu hút đầu tư.
10. Xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành
Lễ khởi công diễn ra ngày 18.12, tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Trung tâm được xây dựng trên tổng diện tích 18,4 ha, tổng vốn đầu tư 120 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên mô hình này được xây dựng tại Việt Nam và châu Á với các hạng mục chính như trung tâm hội nghị, nhà nghỉ, nhà nghiên cứu, phòng hội nghị, hệ thống phòng làm việc với những trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, các khu nhà nghỉ, vui chơi, giải trí, sinh thái, nhà thiên văn, bể bơi- sân thể thao… Dự án do Giáo sư Trần Thanh Vân, Việt kiều tại Pháp, Chủ tịch Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp xúc tiến triển khai. |