Huyện Hoài Ân là địa bàn chiến lược xung yếu, là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống yêu nước. Đặc biệt, Hoài Ân là vùng đất được giải phóng sớm nhất ở tỉnh ta sau chiến dịch lịch sử Xuân - Hè năm 1972. Truyền thống yêu nước hào hùng ấy là nền tảng vững chắc để Hoài Ân tiếp tục vươn lên trong hành trình hội nhập và phát triển.
|
Di tích Chiến thắng Gò Loi - nơi ghi dấu trận đánh oai hùng mở màn cho việc giải phóng Hoài Ân trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972. Ảnh: VĂN LƯU
|
Những dấu son lịch sử
Hoài Ân là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, gắn liền với những trang sử hào hùng và chiến công hiển hách trong lịch sử. Từ thế kỷ XVIII, nơi đây từng là điểm xuất phát và là căn cứ của cuộc khởi nghĩa chàng Lía; là địa bàn hoạt động của nghĩa quân chống Pháp trong phong trào Cần Vương (1885 - 1887) do Bùi Điền và Tăng Bạt Hổ chỉ huy.
Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên khu ủy khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ. Sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với phong trào cách mạng Hoài Ân là sự ra đời của Chi bộ Vạn Mỹ (xã Ân Tín) vào tháng 7.1931. Đây là tổ chức Đảng cộng sản đầu tiên của Hoài Ân làm hạt nhân lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng mà kết quả to lớn nhất là lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8.1945.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân là cái nôi ra đời của Sư đoàn 3 anh hùng; mảnh đất lưu giữ nhiều chiến công oanh liệt, đánh bại nhiều đơn vị sừng sỏ của Mỹ - Ngụy như Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ, Lữ đoàn thiết giáp 173 Mỹ, Sư đoàn 22 Ngụy...
Đặc biệt, Hoài Ân là vùng đất được giải phóng sớm nhất của tỉnh, gắn liền với chiến thắng lịch sử của chiến dịch Xuân- Hè năm 1972. Quân và dân Hoài Ân đã phối hợp cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng dồn dập tấn công và nổi dậy; tấn công toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền đóng trên địa bàn. Trong 10 ngày đêm liên tục chiến đấu đã đánh tan hàng chục cứ điểm, chốt điểm của địch.
Đỉnh cao của chiến thắng ấy là trận mở màn giải phóng Gò Loi - cánh cửa thép phía nam huyện lỵ Hoài Ân bị quân ta đập nát, mở ra một chuỗi chiến thắng từ Hòn Bồ, Đồi 175, Truông Sỏi, Núi Một, Núi Bụt…; cuối cùng là trận quyết chiến quyết thắng tại đồi Đất Đỏ - Chi khu quận lỵ Mỹ - Ngụy ở Hoài Ân. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên chi khu quận lỵ vào lúc 11 giờ ngày 19.4.1972, chấm dứt hoàn toàn chế độ Mỹ - Ngụy trên đất Hoài Ân.
Tập lưu ký ghi lại những lời thề quyết tâm của đảng viên Đảng bộ Hoài Ân là một trong những cứ liệu lịch sử vô cùng quý giá minh chứng cho chiến thắng oanh liệt của chiến dịch Xuân - Hè năm 1972. Trang đầu tiên tập lưu ký trích lời kêu gọi của Ban Thường vụ Đảng bộ huyện Hoài Ân nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã thất bại, đang thất bại và nhất định sẽ thất bại thảm hại. Ta tuy còn gặp một số khó khăn nhưng ta đã thắng, đang thắng, và nhất định sẽ thắng vì chúng ta đã quyết”.
Những dòng mực của 40 năm trước nhiều đoạn đã hoen màu, song vẫn còn thấm đẫm trong đó khí phách hiên ngang, tinh thần dũng cảm, ý chí sắt đá, lòng căm thù giặc. Đồng chí Võ Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy Hoài Ân bấy giờ, đã viết: “Giờ ra quân đã đến, Thường vụ Hoài Ân xin thề sẽ cống hiến trọn đời mình cho quê hương Hoài Ân hoàn toàn giải phóng”.
Hoài Ân giải phóng tạo căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng ở Bình Định; làm bàn đạp giải phóng các vùng lân cận tạo thành vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Trung Trung bộ, nối liền duyên hải với Tây Nguyên. Tiếp đó là 1.000 ngày đêm liên tục vừa sản xuất vừa chiến đấu chống địch phản kích bảo vệ vùng giải phóng, góp phần vô cùng quan trọng cho đại thắng mùa xuân 1975.
|
Cán bộ và nhân dân Hoài Ân đang tiếp bước truyền thống anh hùng, ra sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
- Trong ảnh: Một góc thị trấn Tăng Bạt Hổ. Ảnh: VĂN LƯU
|
Sức sống mới trên đất anh hùng
Những năm qua, huyện Hoài Ân đạt nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, nền kinh tế của huyện liên tục phát triển với mức tăng trưởng khá. Riêng năm 2011, dù còn không ít khó khăn nhưng kinh tế của huyện vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ; các chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...
Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 15,5%; tổng thu ngân sách gần 28,590 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng/năm... Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 438,8 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2010 và vượt 2,7% kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 111,5 tỉ đồng (tăng 1,4% so với kế hoạch đề ra); thương mại - dịch vụ ước đạt 208,9 tỉ đồng (tăng 15% so với năm 2010)...
Song song với chăm lo phát triển kinh tế, chính quyền huyện Hoài Ân cũng luôn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội; chăm lo đời sống tinh thần cho người dân địa phương, nhất là văn hóa - giáo dục- y tế. Đến nay, hệ thống mạng lưới điện đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh; các vùng quê xa xôi như Ân Nghĩa, Đak Mang, Bok Tới, Ân Sơn đã bừng lên ánh điện. Từ năm 1997 đến nay, Hoài Ân luôn duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, phát triển 22 trường đạt chuẩn quốc gia; 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Hoài Ân hôm nay mang trên mình diện mạo của một miền quê trù phú, xanh tươi, ngày càng khởi sắc hơn với những khu dân cư đông đúc, trù phú cùng với những con đường rộng rãi, trải nhựa phẳng lỳ. Những ngày cuối năm 2011, đi trên những nẻo đường Hoài Ân, tôi dễ dàng cảm nhận những đổi thay và sức sống mới trên mảnh đất anh hùng này.
Sau chiến tranh, có thể nói Hoài Ân không có gì. Đường không. Điện không. Cơ sở y tế, giáo dục không. Ruộng vườn hoang tàn. Đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những vết tích chiến tranh khốc liệt. Nhưng từng bước một, từng bước một, Hoài Ân tiến những bước vững chãi để giờ đây, hệ thống đường giao thông, lưới điện khang trang đã về đến những xã xa nhất, thắp sáng đến tận những bản làng trên rẻo cao. Không chỉ ở thị trấn, vùng trung tâm xã, hệ thống y tế, giáo dục đã phủ đến khắp các bản làng. Kênh mương dẫn nước ngọt tưới từ đồng gần đến đồng xa. Sắc trù phú ấm áp lan tỏa trên mỗi nóc nhà vùng trung du này.
Ngược dòng Kim Sơn, tôi tới Ân Hữu, Đak Mang - nơi một thời là căn cứ Cần Vương chống Pháp của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ. Lên Bok Tới, không chỉ được nghe tiếng cồng chiêng, hòa vào nhịp xoang Bana; chếnh choáng men rượu cần hay đắm chìm trong không gian lễ hội mà còn đến với thác Trà Kơi vắt mình trên lưng chừng dãy núi Bà Bơi. Xuôi dòng An Lão, ghé thăm vùng đất bãi bồi ngút ngàn xanh của lúa, của dâu ở Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín. Đâu đâu cũng thấy rộn ràng sức sống mới bừng lên...
|