Đi chợ xứ người
9:14', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Thành phố Melbourne (Australia) không chỉ có những công viên trải màu xanh đến ngút ngàn, con sông Yarra trải lòng thơ mộng giữa đôi bờ thành phố hay những quán cà phê nơi ngách phố. Melbourne còn là một phố chợ với đúng nghĩa của nó. Cả những phố buôn bán sầm uất rặt Tây, đến những phiên chợ trời “con nhà nghèo”  và cả những chợ Việt ồn ã… Phóng viên Báo Bình Định Lê Viết Thọ từ Australia gửi về bài viết.

 

Chợ trời Việt Nam ở Laverton, nơi bày bán rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam và có cả… cháo lòng. 

 

Muôn nẻo chợ Melbourne

“Nếu chú muốn kiếm việc làm bán thời gian, thì cứ ra chợ. Và nữa, chợ Melbourne có nhiều cái kỳ thú lắm. Chú cứ đi rồi biết,” chú Hùng, một người Việt Nam hiện sống ở North Richmond, thấy tôi cứ lăn tăn chuyện tìm việc làm, khuyên vậy.

Quả thật, Melbourne muôn nẻo chợ. Dày về truyền thống và nổi tiếng với du khách thì có Queen Victoria Market, mà người Việt ở Melbourne vẫn gọi vắn tắt là chợ Vic. Chợ Vic nằm ngay trung tâm thành phố, mở cửa từ năm 1878, là chợ ngoài trời lớn nhất Nam bán cầu. Chợ Vic được du khách đến Melbourne tìm đến nhiều bởi ở đây bày bán nhiều hàng lưu niệm. Chợ trời Camberwell tuy có lịch sử muộn hơn nhưng nổi tiếng bởi đồ cổ, đồ cũ và vật dụng thủ công.

Chợ Việt ở Melbourne đa dạng không kém. Ai ở Melbourne mà không biết chợ Fooscray hay Little Saigon, rồi chợ trời Laverton… Ngay như khu buôn bán dọc bên đường Victoria ở Richmond thực chất cũng có thể xem là một cái chợ. Còn những Melbourne Central, Chadstone lại là những trung tâm mua sắm sầm uất.

 

Chợ trời Canberwell, thiên đường của những người mê đồ cũ, cổ.

 

Ta, Tây cùng trải nghiệm chợ Việt

Nghe tôi hỏi đường đến chợ Laverton, người tài xế xe buýt bảo: “Thấy người châu Á nào lơ ngơ đến đây y rằng đi chợ Laverton. Cứ theo ông kia kìa, cũng là khách quen của chợ đấy.”

Đó là người đàn ông chừng 60 tuổi, khá cao to như những gì ta vẫn hình dung về nông dân châu Úc thứ thiệt. Lẽo đẽo theo ông trên đường đến chợ, ông bảo, Laverton là khu chợ khá đặc biệt bởi hàng hóa đa dạng mà rẻ; lại có thêm khu ẩm thực. Ông bảo: “Hầu như tuần nào tôi cũng đến đây một lần vì tôi thích không khí ở chợ này. Đi loanh quanh, xem người ta mua - bán, đôi khi mua được những món hời. Không khí náo nhiệt lắm”.

Vé vào cổng chợ chỉ 1 đô mỗi người. Phía sau cổng vào, trước mắt ta là một bãi đất khá rộng, náo nức cảnh bán mua. Băng đĩa, quần áo đủ loại, rồi cuốc xẻng, hàng điện tử, thậm chí cả…. cây cảnh. Băng đĩa in sang vi phạm bản quyền, từ phim Cánh đồng bất tận, Chuyện tình xa xứ… đến nhạc của Quang Dũng “Ngày nữa để yêu thương” giá 6 đĩa giá 10 đô; điện thoại iPhone 4s secondhand giá hơn 400 đô, quần jean 5 đô… Đồ cũ do những chủ hàng gom từ trước rồi mang tới chợ bán, còn hàng mới giá rẻ xuất xứ từ nhiều nước, nhưng phổ biến là các sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Dĩ nhiên, trong số ấy không thiếu những món hàng nguyên là đồ chôm chỉa từ các siêu thị hay cửa hàng…

Chị bán băng đĩa thấy tôi cứ tần ngần, nài nỉ: “Mua đi em ơi! Mua mấy cái đĩa hài tứ quý này đi. Ở cái xứ này buồn quá, mua hài về xem cho khuây.”  Còn chị Tuyết, một người Việt Nam đang lựa đồ chơi cho con, cho biết nhà chị ở Sunshine gần đấy nên chủ nhật thường đưa con đi chợ. Cũng theo chị, một trong những lý do khiến nhiều người Việt đến chợ là bởi ở đây, họ có thể trao đổi, trả treo bằng tiếng Việt, phần nào sống lại cái không khí quê nhà. “Có những cái Tết, tôi nhớ không khí chợ ở quê nhà đến quay quắt. Từ ngày biết cái chợ này, tự dưng đâm ghiền. Đến để mua thì ít mà để vợi đi nỗi lòng xa xứ thì nhiều”- chị nói.

Cũng là chợ trời nhưng không khí ở Canberwell lại khác hẳn, ra vẻ Tây hơn. Người bán, có người chuyên nghiệp như ông Leo, chuyên bán nhẫn, tuần nào cũng có mặt ở một chốn cố định; người nghiệp dư như cặp vợ chồng tôi gặp mang đủ loại đồ cũ trong nhà đi bán. Trong số những người mua hàng cũng có dăm ba người Việt, như bà Hải Yến, ở TP Hồ Chí Minh, vừa từ Việt Nam sang thăm con được non tháng. Bà Yến bảo, cứ đi Úc thăm con là bà ghé chợ này. “Chú có để ý cái cây này không. Nó có họ xương rồng nhưng mỗi nách lại hé ra một nụ hoa. Ở Việt Nam mình không có đâu. Bận trước, tôi sang cũng mua và đem về một cây cảnh như vậy” - bà Yến nói.

Ta bị chợ Tây thu hút, nhưng không ít người nước ngoài lại mê chợ Việt. Như chị Naomi, từ Papua New Ghine sang Australia học Master (Tiến sĩ), cho biết tuần nào thư thả bài vở là chị lại ra chợ Little Saigon vì: “Tôi thích ăn rau mà rau ở đây rất tươi, lại rẻ. Thêm nữa là không khí náo nhiệt. Tôi thích cái khung cảnh ấy, dù hơi xô bồ nhưng đầy sức sống ấy”.

 

Thương xá Sài Gòn - nét Việt đậm đà giữa Melbourne.

 

Và muôn nẻo mưu sinh

Anh Hoàng, một nghiên cứu sinh ở Melbourne, đưa tôi đến chợ, đặt vội chiếc túi đi học xuống, đeo găng tay, đẩy chiếc thùng làm bằng tôn to sụ, rồi lật đật xếp đặt để chuẩn bị bày hàng. Trải nghiệm về ngày đầu tiên ở Melbourne của tôi là thế- chợ Vic giữa lúc tan sương, khi những người dọn hàng gò sức đẩy chiếc thùng để bắt đầu một ngày họp chợ.

Một buổi sáng “trực” ở chợ Vic từ lúc tinh sương, tôi mới nhận ra, đây là chốn sinh kế của bao sinh viên Việt Nam. Ngoài Hoàng, còn có Hiệp, Hải, Linh, Thảo… thảy đều là sinh viên các trường gần trung tâm thành phố như Victoria, RMIT, CGU… bán hàng, dọn hàng tại chợ. Nhiều sinh viên mới sang, nhất là những sinh viên học gần trung tâm thành phố, đều chọn chợ Vic làm nơi “khởi nghiệp” làm thêm.

Anh Hưng, cũng là một nghiên cứu sinh, kể lúc anh mới chân ướt chân ráo đến Úc, anh từng có ba tháng làm ở chợ Vic. “Lúc đầu, tôi cũng dọn hàng áo da. Ngày đầu tiên đến nhận việc lúc 5 giờ sáng, nhìn chiếc thùng sắt to vật như cái tủ áo ba buồng, tôi đã phát hoảng. Chật vật mãi vẫn chưa biết điều khiển nó để kéo đi. Nản, sau ngày đầu tiên, tôi xin nghỉ. Nhưng may ông chủ cũng tâm lý, bảo làm thêm ngày nữa xem sao. Hôm sau, thấy cũng được, vậy là tôi bám lại được ba tháng”.

Khác với anh Hưng, Hiệp, sinh viên RMIT, bám trụ ở chợ Vic được hai năm. Mỗi ngày, Hiệp dọn tới 4 hàng, từ tranh thêu đến giày dép, quần áo. Dọn nhiều nên Hiệp tính toán rất chuyên nghiệp, làm công đoạn nào ở hàng nào thì rút, chuyển sang hàng khác, rồi quay lại. Hiệp nói: “Anh tính, mỗi hàng 35-40 đô một ngày mà chỉ làm nhõn một hàng thì sinh viên dạng tự túc như em chỉ có ngáp”.

Với Nam, một “ông chủ sinh viên” của một sạp bán các loại băng đĩa phim, ca nhạc đã “kiếm cơm” ở chợ Laverton ba năm nay, tâm sự: “Cả tuần đi học, hai ngày nghỉ cuối tuần là cơ hội kiếm ăn nên thứ Sáu hàng tuần tôi đều chú ý xem dự báo thời tiết, chỉ cầu trời cho đừng mưa gió để khách còn đến chợ, mình còn kiếm ăn được.”

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vững bước vào xuân  (26/01/2013)
Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thế và lực mới  (16/01/2012)
Ðá Granite Bình Ðịnh - tự hào làm cột mốc biên cương  (16/01/2012)
Nối tiếp những mùa xuân…  (16/01/2012)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2011  (16/01/2012)
Đến với những người lính canh trời  (16/01/2012)
Lính trẻ giữ biển  (16/01/2012)
Giữ lửa cho đời sau  (15/01/2012)
Tươi mới sắc màu 30a  (15/01/2012)
Sắc xuân nông thôn mới  (15/01/2012)
Phát triển du lịch - những tín hiệu khả quan  (15/01/2012)
“Ly nông bất ly hương”  (15/01/2012)
Tết về nhà  (15/01/2012)
Một năm “mía ngọt, mì bùi”  (15/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (15/01/2012)