Qua những tâm sự, hình ảnh mà bạn bè đang sinh sống ở nước ngoài gởi về, tôi chợt nhận ra hồn Tết Việt luôn được những người con xa xứ giữ gìn theo cách riêng. Dù khó khăn, họ vẫn cố gắng chuẩn bị tươm tất mọi thứ, từ rước Ông Táo, nấu bánh chưng, đi lễ chùa, hái lộc, lì xì, mừng tuổi ông bà… như một cách giữ gìn văn hóa Việt.
|
Chị Trâm (đứng giữa) cùng các chị gái đi lễ chùa, hái lộc đầu năm.
|
Rủ nhau đi chợ Tết
Khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi, nhất là dịp cuối tuần được nghỉ làm, bà con Việt kiều sinh sống tại bang California (Mỹ) lại rộn ràng rủ nhau đi mua sắm chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Những ngày cận Tết, dù thời tiết rất lạnh và gió mạnh nhưng chợ hoa trên đường Bolsa (Trung tâm người Việt tại Little Sài Gòn, quận Cam - Orange County), vẫn tấp nập người mua hoa kiểng, bánh mứt... Tại các siêu thị Viễn Đông, Thuận Phát, Sài Gòn, mọi người chen chân đi sắm Tết chẳng khác chi ở quê nhà. Tại đây, có thể thấy nhiều hàng hóa đặc trưng của Tết Việt, nổi bật là những hộp mứt màu hồng, hộp hạt dưa đỏ, rồi mứt gừng, mứt hồng, mứt táo…
Chị Bạch Thị Như Ngân, ở 354 Kenbrook Cir, San Jose, CA 95111 (Mỹ), nhà cũ ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, kể: “Do mùng 1 Tết năm nào cũng rơi vào ngày làm việc nên đa phần người Việt vẫn đi làm như bình thường. Vì vậy, ngày cuối tuần trước đó mọi người thường đến các chợ Việt, như chợ Lion, Senter, Maxim, Marina, chợ Mom… để mua sắm. Từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, ngày nào rơi vào cuối tuần thì tổ chức đón Tết, với đầy đủ các nghi thức như phong tục cổ truyền ở quê nhà: Cúng bái, thăm viếng, mừng tuổi... Tết ở Mỹ, tôi luôn dành thời gian để đưa con đi mua sắm ở chợ Tết, đi lễ hội để thưởng thức các món ăn Việt, trò chơi dân gian…”.
Tại nước Đức, vợ chồng anh Nguyễn Minh Thanh và chị Trần Ngọc Phương Thảo, ở Hans-Döllgast-Str.3, 80807 München, có phần khó khăn hơn khi chuẩn bị Tết cổ truyền dân tộc. Người Việt định cư ở nước Đức không nhiều, lại sống rải rác nên không thể tập hợp nhau lại để cùng tổ chức các hoạt động đón Tết. Vì vậy, mỗi khi Tết đến, chị Thảo cố gắng đi các siêu thị tìm mua những vật dụng để trang trí nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, nấu các món ăn Việt và gọi điện, chat qua webcam với người thân ở Việt Nam. Chị Thảo tâm sự: “Dù sự chuẩn bị của mình không được chu đáo, tươm tất đúng kiểu tết Việt nhưng tôi luôn dạy các con biết về Tết cổ truyền của quê hương của mình”.
|
Ông Sang vui mừng khoe mâm trái cây do mình chuẩn bị để đón Giao thừa.
|
Gìn giữ hồn dân tộc
Mỗi khi gần Tết, vợ chồng anh Nguyễn Định, ở 6335 N Hoyne Ave, Chicago, IL 60659 (Mỹ) vốn là những võ sĩ cổ truyền Bình Định khi còn ở Việt Nam, cố gắng sắp xếp công việc để luyện tập các bài võ. Anh Định là học trò của võ sư Kim Đình, định cư ở Mỹ được 4 năm, còn chị Lê Thị Riêng, từng là võ sĩ của đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định, thì mới qua được 2 năm. Mỗi năm đến Tết, anh Định đều được các lễ hội Tết Việt mời biểu diễn võ cổ truyền Bình Định. Các lễ hội này cũng đầy đủ các tiết mục biểu diễn nghệ thuật như hát dân ca, ngâm thơ…, riêng tiết mục biểu diễn võ dân tộc làm cho không khí trong khu chợ Tết thêm náo nhiệt. Anh Định tâm sự: “Năm nay, tôi phải tập luyện một mình vì vợ sắp sinh. Dù bận rộn đón thành viên mới trong gia đình, tôi cũng cố gắng luyện bài võ đẹp để biểu diễn phục vụ bà con người Việt ở Mỹ”.
Niềm vui của chị Nguyễn Đoàn Bảo Trâm, hiện ở 2018 S Pacific Ave, Santa Ana, CA 92704 (Mỹ), là mỗi Tết đến lại cùng gia đình nấu bánh chưng. Ông Văn Sang, ba của chị Trâm, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi ở đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn. Qua định cư tại quận Cam, California, tôi vẫn cố gắng giữ truyền thống dân tộc. Vợ chồng tôi rảnh rỗi hơn nên Giao thừa thường thức canh nồi bánh chưng, rồi đi lễ chùa, hái lộc, chúc Tết ông bà…, cốt là để con, cháu nhớ về quê hương, còn mình thì níu giữ những ký ức đẹp của quá khứ”. Chị Bảo Trâm bộc bạch: “Dù công việc bận mấy, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tôi cũng cố sắp xếp về nhà, cùng ba mẹ nấu bánh chưng. Má tôi còn nấu nồi thịt kho trứng, canh khổ qua, làm mứt… Những món ăn ấy, má tôi chẳng bao giờ ghi được thành công thức, nhưng cứ mỗi Tết về là bà lại bắt đầu nấu nướng”.
Và như vậy, dù mỗi gia đình một hoàn cảnh, việc chuẩn bị đón Tết cũng khác nhau, nhưng trong tâm khảm của mỗi người Việt xa quê bên kia bờ đại dương, họ vẫn thấy ấm áp, hạnh phúc trong những ngày đầu xuân xa xứ.
|