Truyền thống võ thuật luôn là niềm tự hào của người dân Bình Định. Sử sách còn ghi: võ thuật Tây Sơn - Bình Định có 4 môn luyện chính, đó là: côn (roi), quyền (tay, chân), kiếm (kiếm), cổ (trống). Ba môn đầu đến nay vẫn còn được nhiều người sử dụng; riêng môn thứ tư, luyện võ bằng trống, dường như chỉ còn một người nặng lòng, ngày đêm luyện tập.
|
Luyện võ trống là luyện tứ pháp.
|
Người được xem là duy nhất đến nay còn biết bài luyện võ bằng trống là võ sư Đinh Văn Tuấn - nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nay đã trên 70 tuổi, người gốc Bình Định hiện đang sống ở Vũng Tàu. Võ sư Đinh Văn Tuấn là hậu duệ của ông Đinh Văn Nhưng (còn gọi là ông Chảng - thầy dạy võ của 3 anh em nhà Tây Sơn).
Ông Chảng vốn người ở Bằng Châu- Đập Đá, có võ nghệ cao cường, khí phách ngang tàng, cương trực. Khi nhà Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế, có cho mời thầy đến để phong tước, ông Chảng không màng, chỉ nói :
Bùng binh chi tướng
Uýnh cướng chi quan
Bộn bàng chi chức
Chảng chảng ngang thiên!
Coi mình ngang ông trời, ông cũng thể hiện cá tính rất dị biệt. Mỗi khi ra đường, ông thường mang theo đoàn tùy tùng dân dã và ngộ nghĩnh: lấy cáng tre thay kiệu, lấy tàn cây thay lọng, lấy nông cụ làm khí giới. Ngay từ thời của ông Chảng, võ thuật Bình Định đã biết khai thác những vật dụng sinh hoạt trong đời sống làm võ khí, ứng dụng các sự vật hiện tượng thiên nhiên vào việc sáng tạo ra những thế võ liên hoàn độc đáo và hiệu quả. Các thứ nông cụ quen thuộc như cào cỏ, cuốc, thuổng, xẻng, mỏ gãy, vồ vồ, đao, rựa... chính là những môn binh khí rất lợi hại mà ông đã truyền dạy cho các môn đệ. Môn luyện võ bằng trống cũng bắt nguồn từ đây.
|
Những lúc cao hứng, võ sư Đinh Văn Tuấn cho dời bộ trống ra vạt rừng tha hồ luyện cả ngày mà không sợ ảnh hưởng tới khu dân cư.
|
Theo võ sư Đinh Văn Tuấn- truyền nhân đời thứ tám của dòng họ ông Chảng- môn luyện võ bằng trống không được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, chỉ tồn tại qua những bậc tiền bối trong làng võ ở Bình Định mà hiện nay đa số đã qua đời. Võ sư Đinh Văn Tuấn được truyền thụ môn luyện võ bằng trống từ hai người thầy là ông Hương kiểm Mỹ và ông Hồ Ngạnh. Ông Hương kiểm Mỹ chuyên luyện bộ chân, ông Hồ Ngạnh chuyên luyện tay roi. Khi kết hợp chân ngựa, tay roi để luyện tập thì không đâu thuận bằng thực hành trên trống. Người luyện võ trống thường bắt đầu với 3 chiếc trống, sau khi nhuần nhuyễn, bài tập được tăng lên 6 trống, rồi 9 trống, 12 trống.., số trống cứ tăng cho đến khi nào vòng trống xung quanh rộng ra hết tầm di chuyển của võ sĩ thì thôi. Võ sư Tuấn có thể luyện võ với 45 chiếc trống được xếp thành hai tầng xung quanh.
Theo võ sư Đinh Văn Tuấn: “Gọi là môn võ trống nhưng kỳ thực thời còn là môn sinh của thầy Hương kiểm Mỹ và thầy Hồ Ngạnh, tôi chỉ được luyện tập trên những mô hình trống là những vành uốn bằng tre treo trong góc vườn nhà thầy. Các buổi tập không có tiếng trống “cắc”, “bụp” rộn ràng mà chỉ có đôi mắt nghiêm khắc của thầy dõi theo từng thế luyện”. Theo lời các thầy võ truyền lại: Sở dĩ môn luyện tứ pháp bằng trống có từ thời Tây Sơn phải chuyển sang luyện tập với dụng cụ bằng tre là bởi khi nhà Tây Sơn mất, nhà Nguyễn nổi lên đã cấm đoán và triệt hạ tất cả những gì liên quan đến nhà Tây Sơn. Để đảm bảo an toàn cho môn phái và môn sinh, tiếng trống luyện võ rộn ràng, hào hùng một thuở cũng phải lặng tiếng, lui vào bí mật. Chính vì vậy mà những vành tre giả trống đã xuất hiện, thay thế cho những mặt trống âm vang trong môn luyện công lợi hại một thời vang bóng.
Sau này, khi đã trải qua nhiều năm trong nghiệp võ, võ sư Tuấn có ý thức trong việc tìm kiếm và lưu tồn những di sản văn hóa - võ thuật của quê hương. Ông đã bỏ ra nhiều năm để sưu tầm các bài thiệu võ, thuốc võ và luyện võ. Ông có thể luyện tứ pháp thuần thục trên dàn trống lên tới 45 chiếc. Hiện nay, lão võ sư Đinh Văn Tuấn vẫn ngày đêm luyện tập và mong ước sớm có dịp trao truyền lại bài luyện võ bằng trống độc đáo này cho lớp trẻ Bình Định, góp thêm một tư liệu võ thuật quý đang có nguy cơ thất truyền vào kho tàng võ thuật nước nhà.
Đặc điểm của phương pháp luyện võ này là cùng lúc người luyện phải kết hợp liên hoàn tứ pháp, gồm: Bộ pháp, là đôi chân phải cực linh hoạt và vững vàng để di chuyển; thủ pháp, là đôi tay phải rất nhanh nhẹn và chuẩn xác để ra đòn; thân pháp, là thắt lưng và bả vai phải dẻo dai để xoay trở; còn nhãn pháp, là đôi mắt phải cực kỳ lanh lẹ để quan sát, chiến đấu. Khi có người luyện võ, chỉ cần nghe tiếng trống phát ra là biết võ công của người ấy như thế nào. Do tính toàn diện của bài võ nên bài này còn được gọi là bài “Luyện tứ pháp”. |
|