Sau dãy tường bê tông kiên cố rất cao, phía trên ken dày những vòng dây thép gai là nơi giam giữ những người vi phạm pháp luật đã bị kết án hoặc chờ ngày ra tòa nhận lãnh hình phạt. Mặc cảm, buồn chán là tâm trạng chung khi họ bước qua cánh cổng sắt đặt chân vào đây. Nhưng, bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, cán bộ Trại tạm giam Công an (CA) tỉnh đã giúp họ dần dần xua tan cảm giác nặng nề, u uất và thay vào đó là niềm tin vào ngày mai tươi đẹp.
|
Thượng tá Võ Ngọc Thành, Giám thị Trại tạm giam, người luôn nhắc nhở, động viên cán bộ chiến sĩ đơn vị chú trọng việc lấy tình cảm để cảm hóa, giáo dục phạm nhân.
|
Kỷ cương và lòng nhân ái
Để làm tốt công tác quản lý, giáo dục can phạm, phạm nhân, ngoài tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cần thiết, cán bộ trại giam cần có tấm lòng nhân ái. Thực hiện lời dạy của người xưa “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” và phương châm của lực lượng “Lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy khoan hồng để đối xử”, Trại tạm giam CA tỉnh đã quản lý giáo dục can phạm, phạm nhân bằng “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”.
Như chuyện can phạm Đặng Văn Tú, ở Hoài Ân, có tiền án về tội cướp tài sản, sau khi ra tù lại tiếp tục cướp tiệm vàng Vĩnh Toàn ở Hoài Nhơn, khi bị bắt có ý nghĩ tiêu cực, từ đó ngang bướng, có thái độ bất cần. Thiếu tá Phan Thanh Phước, cán bộ quản giáo đã kiên trì tìm hiểu tâm tư, tình cảm của Tú và động viên bằng tấm lòng chân thành. Ngày 30 Tết, phát hiện Tú bị bệnh nhưng không chịu báo, anh Phước đã đề xuất lãnh đạo Trại đưa đi điều trị. Suốt thời gian can phạm này nằm viện, anh Phước nhiều lần đến thăm hỏi, chúc Tết. Từ thái độ bất cần, Đặng Văn Tú đã nỗ lực học tập, cải tạo.
Hay Đào Minh Hải, ở Đắk Lắk, phạm tội giết người, khi bị bắt vào Trại đã có ý định tự sát. Thượng sĩ Nguyễn Hữu Hiệu đã dành nhiều thời gian trò chuyện, thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình Hải và lựa lời khuyên nhủ. Khi gia đình thăm nuôi, anh thường gặp trước để hướng dẫn họ nội dung động viên Hải. Bằng tình cảm chân thành đó, thượng sĩ Nguyễn Hữu Hiệu đã góp phần làm cho Hải từ chỗ lúc nào cũng tìm cách kết liễu đời mình đã biết yêu sự sống và khao khát được sống để làm lại cuộc đời. Ông Đào Minh Phú, cha của Hải, gửi thư cảm ơn cán bộ Trại tạm giam CA tỉnh với những dòng xúc động: “Con tôi đã nhận thấy sai trái, chịu học tập cải tạo và tin có một ngày trở lại với gia đình, công sức đó là nhờ ở tấm lòng nhân ái của cán bộ. Gia đình tôi ngàn lần ghi ơn…”.
|
Cán bộ quản giáo gần gũi, trò chuyện thân tình với phạm nhân để giúp họ trút bỏ mặc cảm, thất vọng, phấn đấu học tập, cải tạo. Ảnh: M.L.G
|
Cải thiện cuộc sống phạm nhân
Không ít người nghĩ rằng, trong trại giam, can phạm, phạm nhân bị CA hành hạ, bị đói khát và bị “đại bàng” bắt nạt mà không biết kêu ai. Thực tế ở Trại tạm giam CA Bình Định không phải vậy.
Không ít người nghĩ rằng, trong trại giam, can phạm, phạm nhân bị CA hành hạ, bị đói khát và bị “đại bàng” bắt nạt mà không biết kêu ai. Thực tế ở Trại tạm giam CA Bình Ðịnh không phải vậy.
Ðây thật sự là nơi quản lý, giáo dục, cảm hóa, nâng đỡ tinh thần người phạm tội bằng trách nhiệm và lòng nhân ái. |
Đây thật sự là nơi quản lý, giáo dục, cảm hóa, nâng đỡ tinh thần người phạm tội bằng trách nhiệm và lòng nhân ái. Chỉ với việc cán bộ Trại tạm giam trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để phạm nhân được “ăn chín, uống sôi” cũng đã phần nào cho thấy tấm lòng của họ.
Mỗi tháng, phạm nhân được gia đình thăm nuôi 2 lần. Thực phẩm gia đình “tiếp tế”, nếu để lâu không hâm, nấu dễ bị ôi thiu, không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Để khắc phục tình trạng đó, các cán bộ Trại tạm giam đã nảy ra sáng kiến xây dựng hầm chứa chất thải chăn nuôi lấy khí biogas để phạm nhân đun nấu, vừa giữ vệ sinh môi trường, vừa có khí đốt mà không tốn tiền mua. Không chỉ vậy, với quyết tâm của tập thể lãnh đạo Trại và nỗ lực của cán bộ chiến sĩ, những khoảnh đất trống lởm chởm bê tông, gạch, đá… đã được san lấp, cải tạo và biến thành những vườn rau xanh ngát. Kinh phí tiết kiệm được do không phải mua chất đốt và rau xanh đã góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ và cả phạm nhân.
Trả lại cho đời những con người lương thiện
Khu giam giữ can phạm phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, do trung úy Nguyễn Xuân Hiếu - cán bộ quản giáo - phụ trách có hai can phạm bị bệnh tâm thần, bị bắt về tội giết người là Lê Minh Nay và Huỳnh Hậu, ở huyện Hoài Nhơn. Vào Trại, họ không chịu ăn, không chịu uống thuốc, không chịu tắm giặt và thường xuyên la hét. Trung úy Hiếu đã không nề khó khổ, chấp nhận nguy hiểm do hai người tâm thần này có thể gây ra bất cứ lúc nào để thường xuyên gần gũi trò chuyện, chăm sóc, khơi dậy tình cảm trong họ. Kết quả thật bất ngờ, hai can phạm này đã chịu nghe lời cán bộ Trại, ăn cơm, uống thuốc đúng giờ và không còn la hét nữa…
Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cải tạo, và đặc biệt lấy tình người để đối xử với can phạm, phạm nhân, cán bộ Trại tạm giam đã khơi dậy mầm thiện vốn khuất lấp sau những toan tính, dối trá đời thường trong mỗi người, giúp họ từ bỏ ý nghĩ tiêu cực, khao khát được sống và làm người lương thiện. Nhiều người đã tích cực học tập cải tạo, tự giác khai báo tội lỗi, góp phần tạo thuận lợi cho công tác điều tra đạt kết quả.
5 năm trở lại đây, đã có hàng trăm phạm nhân thi hành án tại Trại tạm giam CA tỉnh được đặc xá, giảm án, mở ra cơ hội hoàn lương cho người phạm tội. Và nhờ được giáo dục, cải tạo tốt, phạm nhân thi hành án tại đây sau khi ra trại đã nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng và vươn lên làm lại cuộc đời. Với cán bộ chiến sĩ trại giam nói chung, Trại tạm giam CA tỉnh nói riêng, kết quả đó luôn khích lệ các anh phấn đấu để trả lại cho đời những con người lương thiện.
|