Nét đẹp dòng họ hiếu học
10:53', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Cách chung sống hài hòa “trong họ ngoài làng” tự bao đời đã giúp định hình văn hóa làng, xã ở những làng quê Việt. Trong nhiều hoạt động tương thân tương ái, khuyến học dòng họ là nét đẹp luôn được phát huy.

 

Ông Vũ Văn Bông, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Quy Nhơn trao phần thưởng cho các học sinh tiểu học đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: VẠN NĂNG

 

Lan tỏa rộng khắp

Theo gia phả của dòng họ Huỳnh ở Nhơn Phú, Quy Nhơn, tính từ thời Lê đến nay, Huỳnh tộc đã gần 600 năm với 22 đời. Trải qua các triều đại, Huỳnh tộc đều có người đỗ đạt, được phong làm quan trong triều. Truyền thống hiếu học, thi cử đỗ đạt luôn được tiếp nối qua các đời. Đến nay, Huỳnh tộc có hơn 50 tiến sĩ, thạc sĩ. 

Ở huyện Tây Sơn, nhiều năm qua, Chi hội khuyến học dòng họ Võ đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài. Gia tộc họ Võ tại Bình Định vốn là hậu duệ của cụ Võ Duy Dương (tức Thiên Hộ Dương), một lãnh tụ của phong trào nông dân Đồng Tháp chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 2006, Chi hội khuyến học dòng họ Võ ra đời, ban hành quy chế hoạt động và thành lập giải thưởng Võ Duy Dương cho con cháu trong họ đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Không chỉ quan tâm đến việc học trong gia tộc, Chi hội còn tích cực hỗ trợ quỹ khuyến học và các trường học ở địa phương.

Ở các huyện miền núi, sự xuất hiện của các Chi hội khuyến học mang tính dòng họ cũng góp thêm sắc màu truyền thống của người dân nơi đây, tạo nên một xã hội học tập sâu rộng khắp mọi vùng, miền. Ông Đặng Phùng Quang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thống kê: Trong 3 huyện miền núi, Vân Canh đứng đầu với 12 chi hội khuyến học dòng họ gồm 145 hội viên; kế đến là Vĩnh Thạnh với 5 chi hội, 34 hội viên; An Lão có 2 chi hội, 65 hội viên. Điều đáng ghi nhận là các chi hội khuyến học dòng họ đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ học sinh bỏ học nửa chừng”.

Gìn giữ một nét đẹp

Chi hội khuyến học dòng họ liên tục ra đời và phát triển khắp các làng quê đã tạo nên nhiều hoạt động thiết thực, tâm huyết. Ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, đánh giá: “Tuy khác nhau về quy mô, phương thức hoạt động nhưng nhìn chung, các chi hội khuyến học đều có quy chế tổ chức và hoạt động bài bản, gắn nội dung khuyến học vào việc củng cố, phát huy truyền thống của dòng họ, góp phần xây dựng các gia đình trong dòng họ theo tiêu chuẩn gia đình văn hóa, không tội phạm và tệ nạn xã hội. Hầu hết các chi hội tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương”.

Để duy trì hoạt động ổn định và lâu dài, nhiều dòng họ quan tâm xây dựng và phát triển quỹ khuyến học dòng họ, để khen thưởng, hỗ trợ, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên… vào các dịp lễ, tết, giỗ chạp, tế hiệp của dòng họ. Hơn 300 năm hình thành, dòng họ Nguyễn Gia, ở Lý Chánh (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) luôn vượt mọi khó khăn để lo cho con cháu học tập đến nơi đến chốn. Ông Nguyễn Kim Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học dòng họ Nguyễn Gia, chia sẻ: “Đầu tháng 8 hàng năm, Chi hội tổ chức phát thưởng cho các giáo viên, sinh viên, học sinh đạt thành tích tốt trong công tác và học tập với tổng số tiền hàng chục triệu đồng, do các gia đình trong dòng họ đóng góp. Hiện, chúng tôi đã xây dựng được quỹ hơn 100 triệu đồng”. 

Trào lưu khuyến học, khuyến tài trong dòng họ đang sinh sôi nảy nở khắp thôn, làng. Chi hội khuyến học dòng họ trở thành chỗ dựa, nguồn động viên, tiếp sức cho phong trào xây dựng gia đình hiếu học và phong trào khuyến học ở cơ sở. Nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài đầy ý nghĩa đã giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm đến trường, hạn chế chuyện bỏ học; thông qua đó tăng cường sự đoàn kết, tương thân tương ái trong dòng họ.

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mai sau, dòng họ hiếu học luôn là nét đẹp trong giáo dục, nét đẹp văn hóa của thôn, làng Việt.

Bình Định hiện có 253 dòng họ tổ chức Chi hội khuyến học với 7.461 hội viên, trong đó có 31 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ khuyến học. Tiêu biểu có các dòng họ: Nguyễn Gia (Nhơn Lý, Quy Nhơn), Đặng (Mỹ Tài, Phù Mỹ), Hà (Cát Tân, Phù Cát), Quách (Phú Phong, Tây Sơn)…

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)
Nghiệp chọn người  (26/01/2013)
Người luyện võ trống  (26/01/2013)
Quy Nhơn - thành phố cỏ hoa  (26/01/2013)
Năm Tỵ nói chuyện “võ rắn”  (26/01/2013)
Hồn Tết Việt nơi xa xứ  (26/01/2013)
Đi chợ xứ người  (26/01/2013)
Vững bước vào xuân  (26/01/2013)
Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thế và lực mới  (16/01/2012)
Ðá Granite Bình Ðịnh - tự hào làm cột mốc biên cương  (16/01/2012)
Nối tiếp những mùa xuân…  (16/01/2012)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2011  (16/01/2012)
Đến với những người lính canh trời  (16/01/2012)