10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012
11:9', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Năm 2012, vượt qua những khó khăn, thách thức, nền kinh tế- xã hội của tỉnh đã tiếp tục tăng trưởng, ổn định. Trong dòng chảy cuồn cuộn của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội, Báo Bình Định đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật nhất, được sắp xếp theo thứ tự thời gian.

1. Lễ phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Ngày 10.1, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2020. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí. Số xã đạt từ 9-13 tiêu chí có 7 xã, chiếm tỉ lệ 5,6%; số xã đạt từ 5-8 tiêu chí có 71 xã, chiếm 57,3%; số xã đạt dưới 5 tiêu chí có 46 xã, chiếm tỉ lệ 37,1%. Mục tiêu đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 20% số xã đạt chuẩn xã NTM theo bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.

 

2. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm Bình Định

Trong 2 ngày 15 và 16.1, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định. Tổng Bí thư đã chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định năm mới có niềm tin mới, quyết tâm mới, khí thế mới, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chiều 31.1, Đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu cũng đã về thăm Bình Định. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng đã đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy thành quả đạt được, tiếp tục năng động, sáng tạo, tìm và khai thác các lợi thế của địa phương để đưa tỉnh phát triển; như chú trọng đầu tư đưa cảng Quy Nhơn trở thành cảng biển của khu vực, khai thác lợi thế của sân bay Phù Cát; phát huy địa thế cửa ngõ Tây Nguyên và những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên phải) thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Trung Thành, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn. Ảnh: VĂN LƯU

 

3. Lễ hội kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Hoài Ân

Tối 19.4, tại Quảng trường 19.4 huyện Hoài Ân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972-19.4.2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tại buổi lễ, đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, đã phát biểu ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của nhân dân Hoài Ân trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương, đặc biệt là trong chiến dịch lịch sử Xuân - Hè 1972. Chiến thắng này mang ý nghĩa to lớn khi Hoài Ân là địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh, trở thành căn cứ và bàn đạp tiến công hết sức quan trọng của chiến trường Bình Định và Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hoài Ân đã ra sức xây dựng quê hương và đạt được những kết quả to lớn trên nhiều mặt.

 

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân.

 

4. Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV- Bình Định 2012; Võ cổ truyền được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Liên hoan diễn ra từ ngày 1.8 đến 3.8, với 5 chương trình chính và 8 chương trình hưởng ứng được dàn dựng hoành tráng, ấn tượng, góp phần tôn vinh bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng thông qua những tinh hoa, đặc sắc của võ cổ truyền. Trong khuôn khổ Liên hoan, “Lễ hội đường phố” là một nét mới độc đáo với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, võ sinh trong tỉnh và cả nước.

Võ cổ truyền Bình Định là một trong số 33 di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (đợt 1). Đây là lần đầu tiên các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cả nước chính thức được đưa vào danh mục di sản Quốc gia để có kế hoạch bảo tồn, phát huy trong thời hội nhập và phát triển.

 

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định năm 2012.

 

5. Xúc tiến đầu tư vào Bình Định tại Nhật Bản

Từ ngày 11.9 đến 21.9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và giao lưu văn hóa tại 2 thành phố quan trọng của Nhật Bản là Tokyo và Osaka. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, việc lựa chọn giải pháp xúc tiến đầu tư có trọng điểm, “gõ cửa” từng doanh nghiệp có tiềm lực, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của Bình Định hiện nay. “Nhật Bản là một trong những quốc gia Đông Á có nhiều yếu tố văn hóa tương đồng với Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã nhiều năm đầu tư có hiệu quả tại nước ta. Đặc biệt, xét về công nghệ, năng lực tài chính và kinh nghiệm, có thể đánh giá các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là một trong những quốc gia phù hợp với chiến lược kêu gọi đầu tư của Bình Định”- Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.

Hiện Bình Định có 49 dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),  trong đó, có 4 doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai dự án rất có hiệu quả.

 

6. Lễ kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung và khánh hạ Đàn tế Trời Đất

Ngày 14.9, Lễ kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung được UBND tỉnh tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống với mục đích tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân về lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước. Đông đảo nhân dân về dự Lễ kỷ niệm đã thành kính dâng hoa, dâng hương tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung.

Cũng trong dịp này, công trình Đàn tế Trời Đất được xây dựng tại khu vực núi Ấn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) đã khánh hạ. Công trình thuộc Dự án Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, được xây dựng trên diện tích 46 ha, với tổng kinh phí đầu tư 54 tỉ đồng, bằng nguồn vốn của tỉnh và vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp. Công trình xây dựng nhằm tưởng nhớ công lao của Vương triều Tây Sơn.

 

7. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin qua ứng dụng giao ban trực tuyến 

Tháng 10.2012, hệ thống giao ban trực tuyến được đưa vào sử dụng phục vụ các cuộc họp giữa UBND tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh họp với đơn vị cấp huyện theo ngành dọc. Bên cạnh đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã khai trương mạng truyền số liệu chuyên dùng, mở rộng kết nối đến tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Bình Định, hiện có 65 điểm đã được kết nối từ UBND tỉnh và các huyện, thành phố, các sở, ngành, các cơ quan Đảng trong tỉnh.

Trên cơ sở hạ tầng tiên tiến và đồng bộ này, các buổi họp giao ban trực tuyến của Chính phủ, các bộ, ban, ngành với tỉnh và giữa UBND tỉnh với các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời với chất lượng cao, tiết kiệm chi phí.

 

8. Cảng Quy Nhơn đón tàu trọng tải trên 47.000 DWT

Vào lúc 16giờ30 ngày 4.12, tàu MEGA GRACE, quốc tịch KOREA, trọng tải 47.046 DWT, đã cập cảng Quy Nhơn an toàn. Theo quy hoạch, đến năm 2015 cảng Quy Nhơn mới có thể vận hành đón tàu 50.000 DWT. Việc đón thành công tàu trọng tải gần 50.000DWT trước 3 năm đã chứng tỏ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cảng Quy Nhơn đã có sự tiến bộ vượt bậc. Hiện sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã vượt công suất thiết kế đến gần 3 lần, là một trong số ít cảng trên toàn quốc có hiệu quả khai thác cầu bến khá cao.

 

9. Khởi công xây dựng tuyến Quốc lộ 19- đoạn từ cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1A và tuyến đường Long Vân- Long Mỹ

Ngày 23.12, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh đã khởi công xây dựng Quốc lộ 19, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến điểm nối Quốc lộ 1A trên nền tuyến mới, dài 17,8km, vốn đầu tư 5.279 tỉ đồng. Trước đó, sáng 12.8, tại ngã ba Long Vân, thuộc phường Trần Quang Diệu, UBND TP Quy Nhơn và Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc cũng đã tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường Long Vân - Long Mỹ có chiều dài hơn 7 km; tổng vốn đầu tư 995 tỉ đồng. Đây là các dự án giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.   

 

Khởi công xây dựng tuyến Quốc lộ 19, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1A.

 

10. Kim ngạch xuất khẩu tăng 6,9%

Mặc dù chịu ảnh hưởng những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, lại phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại mới tại một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU... nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tìm kiếm thị trường, dự trữ nguyên liệu, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng: 521,6 triệu USD, tăng 6,9% so với năm 2011. Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng như: thủy sản tăng 125%, dệt may tăng 102,3%; nông sản tăng 92,2%,… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)
Nghiệp chọn người  (26/01/2013)
Người luyện võ trống  (26/01/2013)
Quy Nhơn - thành phố cỏ hoa  (26/01/2013)
Năm Tỵ nói chuyện “võ rắn”  (26/01/2013)
Hồn Tết Việt nơi xa xứ  (26/01/2013)
Đi chợ xứ người  (26/01/2013)
Vững bước vào xuân  (26/01/2013)
Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thế và lực mới  (16/01/2012)
Ðá Granite Bình Ðịnh - tự hào làm cột mốc biên cương  (16/01/2012)
Nối tiếp những mùa xuân…  (16/01/2012)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2011  (16/01/2012)