Trong quá trình làm bộ gõ tang đẩu cho các chùa, anh Nguyễn Văn Tấn (ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát) có ý tưởng tạo ra một loại nhạc cụ mới để biểu diễn âm nhạc dân tộc. Mày mò thử nghiệm nhiều năm, cuối cùng anh Tấn đã hoàn thành được nhạc cụ vào loại hàng... độc.
|
Anh Nguyễn Văn Tấn đang biểu diễn giới thiệu dàn tang đẩu.
|
Theo đuổi cải tiến nhạc cụ
Ngoài việc nhà nông, anh Tấn theo nghiệp cha chơi nhạc cụ truyền thống. Cha anh Tấn là nhạc công Nguyễn Hồng Son, người biểu diễn tốt 12 trống trận Tây Sơn, từng đoạt giải cao trong hội thi văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ngoài ra, anh còn có nghề gò đồng, từng học kỹ thuật làm các sản phẩm lưu niệm bằng đồng tận các tỉnh phía Bắc.
Sau nhiều lần gò tang đẩu (nhạc cụ gõ dùng cho việc cúng tế) cung cấp cho các chùa, anh Tấn nhận thấy có người thích tang đẩu âm cao, có người lại thích âm trầm… nên nảy ra ý tưởng ghép nhiều tang đẩu lại thành một nhạc cụ biểu diễn âm nhạc dân tộc.
Trở ngại lớn là tang đẩu bằng đồng có kích thước bằng nhau (cỡ chiếc chén ăn cơm loại vừa) khó có thể tạo ra âm thanh cao, thấp khác nhau. “Mày mò thử nghiệm mãi tôi cũng biết bí quyết, muốn tang đẩu có nhiều mức độ âm thanh khác nhau thì phải chú trọng ngay từ lúc nung kim loại đồng. Nung lửa căng thì tang đẩu làm ra có âm thanh khác tang đẩu được nung lửa ít. Cách gõ búa gò mỗi tang đẩu cũng phải khác nhau”.
Nhờ con tìm trên mạng tải về âm thanh của bộ đàn đá để lấy âm các tang đẩu, nhưng anh Tấn vẫn thấy không ổn. Xuống Quy Nhơn “tầm sư”, nhưng các giáo viên âm nhạc ở Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cũng chịu thua vì không biết loại nhạc cụ này, anh Tấn đến Sở VH-TT&DL nhờ giúp. “Nhạc sĩ Thế Tuyên đã động viên tôi theo đuổi công việc khó khăn này. Nhạc sĩ còn mời thêm các nhạc sĩ Gia Thiện, Bạch Mai, Chu Sĩ Phước tham gia góp ý xướng âm cho dàn tang đẩu của tôi. Theo hướng dẫn, tôi về mượn một cây đàn organ đánh các nốt nhạc nghe làm mẫu, rồi phải gò đi gò lại nhiều lần mới lấy được âm”, anh Tấn chia sẻ.
Ấn tượng dàn tang đẩu
Anh Tấn đã dùng dây cước nối các tang đẩu lại thành từng dàn hàng chục chiếc, rồi thiết kế giá đỡ bằng tre đẹp mắt để treo lên gõ biểu diễn. Lần thứ hai đem bộ tang đẩu của mình xuống Quy Nhơn, các nhạc sĩ nhận xét là anh Tấn đã thành công.
Nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Bình Định, cho biết: “Trước mắt chưa thể đặt tên gì nên tạm gọi nhạc cụ của anh Tấn là dàn tang đẩu. Đối với nhạc cụ này, nhạc công biểu diễn nên dùng những kỹ thuật trong đánh đàn tơ-rưng. Các nhạc sĩ cũng có thể sáng tác bài hát trên nền âm nhạc truyền thống, đưa các loại nhạc cụ dân tộc vào đệm cho dàn tang đẩu”.
Bộ tang đẩu của các nhà sư sử dụng chỉ có 2 chiếc, trong nhã nhạc cung đình Huế cũng sử dụng 3 chiếc tang đẩu gọi là tam la âm. Để phát triển dàn tang đẩu lên đến 9 chiếc, 12 chiếc, 24 chiếc và có thể nhiều hơn nữa thì có lẽ chỉ có anh Tấn. Dàn tang đẩu được giới chuyên môn đánh giá lạ vì vừa mang âm hưởng của cồng chiêng, lại có âm hưởng của phường bát âm. Dự kiến, Chi hội Âm nhạc Bình Định sẽ tổ chức tọa đàm về dàn tang đẩu, qua đó đề xuất các cấp công nhận sáng kiến cải tiến, nâng cao tang đẩu của nghệ nhân Nguyễn Văn Tấn.
NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Nhà hát hiện có một dàn tang đẩu để biểu diễn thử nghiệm. Nhạc cụ này phù hợp với âm hưởng nhạc Tây Nguyên, nên tôi đã sáng tác bài hát “Bình minh trên cao nguyên” để nhạc công trẻ Quang Hiếu tập luyện biểu diễn, sẽ ra mắt khán giả thời gian tới. Nếu dùng nhạc cụ này biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, có thể bố trí nhiều hơn để mắc thành dàn 2 - 3 tầng với vài chục chiếc tang đẩu”.
|