Ðàn ông đónTết
12:56', 26/1/ 2013 (GMT+7)

* Truyện của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Không biết đã bao nhiêu mùa tết, gia đình tôi thiếu đi bàn tay lo toan, vun vén của một người phụ nữ, kể từ khi mẹ đi xa. Người ngoài nhìn vào chắc cũng không khỏi thấy chông chênh nhưng cha thì bảo: “Chỉ có hai cha con mình thì cũng vẫn là một gia đình”. Thế nên Tết năm nào cha cũng cố gắng lo cho tôi một cái Tết vẹn toàn. Dĩ nhiên đó là sự vẹn toàn theo kiểu của đàn ông đón tết. Năm nay, gần đến Tết cha gọi điện xuống bảo:

- Khi nào con được nghỉ nhớ đến chợ hoa Tây Tựu chọn một bó hoa lay ơn đỏ mang về con nhé! Nghe nói hoa ở đấy nhiều và đẹp lắm.

- Lay ơn vườn nhà mình năm nay không ra hoa sao cha?

Giọng cha bỗng chốc chùng xuống, nghe rất tội:

- Chắc là tại thời tiết nên không thấy khóm nào ra hoa cả.

Tôi bảo:

- Vâng. Chắc tại thời tiết lạnh, hoa ở đâu cũng thế chứ không riêng gì hoa trong vườn nhà mình đâu. Cha đừng buồn.

Cha cười. Cười chi mà buồn như gió lạnh khua…

Cha là vậy, tám năm rồi Tết nào cũng lo nhất một bình lay ơn đỏ. Loài hoa mà mẹ thích. Cha quen sống bằng những hoài niệm cũ xưa, khi mà nhà còn đông đủ ba người. Những kỷ niệm về mẹ của cha mang màu sắc rất riêng. Giống như tôi bảo chiếc áo dài mẹ mặc khi đi hát chào xuân cùng Hội Phụ nữ phường màu đỏ. Thì cha phải đính chính rằng đó là màu đỏ của mặt trời xuống núi lúc hoàng hôn. Tôi gọi màu son mà khi còn trẻ mẹ hay dùng là màu hồng phấn. Nhưng cha cứ kiên quyết nói không phải, rồi lại thở dài vì đã không nhớ nổi chính xác màu son của mẹ. Để rồi vào một ngày nhiều gió nào đó, cha ngồi bên bậc cửa nhìn xa hút và cứ thắc thỏm hoài sao ngày xưa mẹ không dùng màu son đỏ. Tôi bảo:

- Màu đỏ xấu lắm cha ơi, chỉ dành cho mấy cô gái tuổi teen tinh nghịch thôi. Sao mà hợp với mẹ được.

Nhưng cha cứ khăng khăng:

- Thì khi đó mẹ con vẫn còn trẻ mà, dùng màu son đó đâu có sao vì nó rất hợp với màu bộ áo dài mà mẹ con hay mặc.

Tôi cười lắc lơ, nói cha yêu mẹ sao mà kỳ, chiều mẹ hoài mà không sợ mất mẹ sao? Nhất là ngày đó mẹ hay đi hát lắm, hết ở Hội Phụ nữ lại đến hội phường, hội tiểu thương. Cha cười xòa bảo: “Tụi tao đâu nhắng nhít như tụi con nít chúng mày mà lo dông dài. Yêu như tụi bay bây giờ mệt chết”.

*

Tết đến, việc khó khăn nhất đối với hai cha con tôi là việc gói bánh chưng. Dù đã có khuôn gói hẳn hoi nhưng sao chiếc bánh nào cũng méo, cũng không đẹp bằng những chiếc bánh từ bàn tay mẹ. Nhiều hôm cha ngồi gói đi gói lại, cố sao cho được đôi bánh đẹp thắp hương nhưng hình như bàn tay của cha con tôi chỉ quen làm việc nặng. Cha nhìn chiếc bánh méo xệch thở dài bảo:

- Chắc tại lúc còn sống mẹ con chiều cha quá, không cho cha động tay vào mấy việc này. Tết chỉ biết có bánh là ăn, có hoa là ngắm, có rượu xuân là uống cho vui nên bây giờ làm gì cũng chẳng ra hồn. Đến cái bánh đẹp để thắp hương cho mẹ con mà cũng không gói nổi.

Thế nhưng bảo đi mua ngoài chợ thì cha nhất quyết không. Cha bảo tết ngày xưa mẹ làm những gì thì bây giờ hai cha con cũng phải tập làm những thứ đó cho đầy đủ. Tết của mẹ không thể thiếu thịt đông, kẹo chè lam, vại dưa hành và vài ba món mứt. Mẹ chỉ chuẩn bị trong vài ngày là đã đâu vào đấy nhưng hai cha con có khi kệch rệch cả tuần vẫn chưa xong. Cứ mỗi lần nghe tôi khen những món cha làm ngon là thể nào cha cũng bảo:

- Món chè lam cha làm thường chưa được dẻo còn mấy món mứt thì màu sắc và mùi vị còn thua xa mẹ con lắm. Không hiểu mẹ con sao mà khéo léo, làm cái gì cũng ngon cũng đẹp.

Tôi nhìn cha lủi thủi một mình mà thương đến buốt lòng. Đã mấy lần tôi xin chuyển công tác về quê nhưng quy định trong quân đội nghiêm ngặt nên vẫn phải xa nhà biền biệt. Cố gắng lắm thì đôi ba tháng mới về thăm cha được một lần. Thương cha lúc trái gió trở trời không biết cậy nhờ ai nên tôi giục cha lấy vợ hoài mà cha không chịu. Lần nào cha cũng gắt:

- Cha từng này tuổi rồi còn vợ con gì. Bây giờ mà còn đi hỏi vợ người ta cười vào mặt cha ấy. Từ giờ con đừng nhắc đến chuyện này nữa nhé, cha giờ làm gì cũng sợ người ta cười chê thì tội linh hồn mẹ con lắm.

- Mẹ con dù gì cũng đã mất gần chục năm rồi. Người sống thì vẫn phải chọn cách sống sao cho tốt nhất chứ cha. Thấy cha cô đơn thế này mẹ con chắc cũng buồn lắm đấy. Người ta bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, cha nghe con lấy vợ đi cha ạ.

Cha không nói gì chỉ thở dài, tiếng thở dài buồn hơn gió… Tôi biết là cha đang nhớ mẹ. Gần chục năm rồi nỗi nhớ chẳng nguôi ngoai, những mảng màu ký ức hình như vẫn còn tươi mới dù trên đầu cha tóc đã bạc nhiều. Tôi thường ngồi nhìn những áng mây bay ngang thị xã, tưởng tượng có một áng mây nào đó là mẹ. Để rồi giật mình, biết đâu sẽ có một chiều xuân tôi chỉ còn một mình trong căn nhà nhỏ, mải miết tìm một áng mây mang dáng hình của cha. Ý nghĩ ấy khiến tôi thấy hoang mang…

Tết đến nhà nào cũng đông đủ vợ chồng con cái chỉ có nhà cha con tôi là đơn lạnh. Dù cha đã cố cười thật nhiều, đã luôn miệng nhắc về mẹ cho nhà thêm ấm cúng. Dù tôi đã nói rất nhiều hình dung về tương lai, dù bà con trong phố thường qua thăm hỏi, chúc tết hai cha con lắm. Mà sao vẫn thấy nhà trống trải. Bữa cơm nào cha cũng dọn thêm bát đũa của mẹ, cũng xới chút cơm, gắp vào bát những món ngon mà khi còn sống mẹ rất thích. Cha nói rất nhiều thứ với tôi mà nghe như cha đang thủ thỉ, tâm tình cùng mẹ. Cả một năm dài thiếu gì thứ chuyện, hết chuyện nhà mình đến chuyện của cả ngõ phố dài. Mà chuyện cha hay nhắc nhất có lẽ vẫn là việc giục tôi kiếm cho được một cô vợ. Tôi bảo:

- Con cũng muốn kiếm một cô gái dịu dàng và đảm đang như mẹ. Mà ngày xưa làm thế nào cha cưa đổ mẹ tài vậy ạ?

Cha nheo nheo mắt, cười bảo:

- Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau chứ cha ngày xưa hiền như củ mì, có biết tán gái gì đâu.

- Cha sướng thật, thế mà kiếm được vàng mười.

Cha cười vang bảo:

- Thế cha không phải cũng là vàng mười sao?

Bỗng nhiên sao tôi muốn ôm cha một cái. Thật chặt.

Những đêm giao thừa bao giờ cha cũng thắp lên hơi ấm của những câu chuyện cũ xưa như thế. Tôi nghe tiếng nhà hàng xóm nổ pháo sáng, bật sâm panh và hô vang chúc rượu nhau mà chạnh lòng thương cha biết mấy. Mỗi xuân về, cha lại thêm một tuổi, ký ức không nhạt nhòa mà tương lai mỏng như cánh chuồn trong bão…

*

Tết này tôi có một bất ngờ lớn muốn dành cho cha. Người đi mua những bông hoa lay ơn đỏ, người hồ hởi vào siêu thị sắm nào hành muối, nào dưa chua, nào vài ba hộp thịt đông mang về cho cha là một người con gái. Người tôi thương đã mấy năm nhưng dùng dằng mãi bây giờ mới dẫn cô ấy về chào cha một tiếng. Trước khi đi mua sắm nàng hỏi:

- Cha thích ăn những gì để em mua?

- Cha không thích mấy đồ trong siêu thị đâu. Chỉ thích đồ ăn do mẹ nấu.

Nàng cười bảo:

- Nhất định sau này em sẽ nấu ngon như mẹ anh cho mà coi.

- Ừ! Nếu được vậy thì em cứ yên tâm vì đã có cha bênh vực nhất nhà. Lúc ấy anh có muốn bắt nạt em cũng sợ uy cha lắm.

Lúc về đến nhà nhìn thấy cha ngồi ngoài hiên lột hành làm muối dưa, nước mắt giàn giụa, bốn bề gió là gió. Tôi đứng lặng người… Mới có vài tháng không về thăm nhà mà sao cha già đi nhiều quá, tóc bạc đi, dáng ngồi sao mà xiêu vẹo. Tôi cứ trách gió gì mà gió dữ… Còn cha thì cứ thắc thỏm hoài “hành gì mà cay vậy không biết nữa, bảo sao ngày xưa mỗi lần lột hành mẹ con đều đau sưng mắt”. Tôi bảo:

- Thôi từ năm sau cha đừng lột hành làm gì cho khổ. Nhà có mấy người đâu mà kệch rệch. Ở ngoài siêu thị bán nhiều lắm, con mua lấy vài hộp thì ăn cả tết không hết mà cha. Cha xem này, Hương cũng mua về đủ cả rồi.

Cha cầm mấy hộp dưa muối, lấy tay dụi mắt rồi lặng lẽ đi vào nhà, lúc này đến lượt tôi không cần lột vỏ hành mắt cũng cay xè. Nàng có lẽ nhìn thấy cảnh tượng động lòng, thấy ngôi nhà hình như thiếu đi nhiều tiếng cười nên suốt mấy ngày ở chơi nàng lúc nào cũng biết cách làm cho cha vui vẻ. Nàng thay nước cho bình hoa lay ơn, nàng quét dọn cửa nhà tinh tươm, nàng đon đả với bất cứ ai ghé qua nhà chỉ để ngó mặt nàng dâu tương lai. Cha vui vẻ cười nói giả lả, gặp ai cũng khen nàng vừa ngoan lại vừa khéo. Khỏi phải nói, tôi vui như mở cờ trong bụng. Tết cũng vì thế mà ấm cúng và ý nghĩa hơn.

Nàng xin phép gia đình được ở lại đón Tết cùng gia đình tôi. Mâm cỗ tất niên một tay nàng giành phần làm hết. Cha con tôi chỉ việc bày biện bàn thờ và ra vườn chọn hai cây mía lộc thật đẹp dựng trong nhà. Nhìn mâm cỗ cúng tươm tất đủ mọi món, cha hài lòng lắm. Cha bảo:

- Năm nay mẹ con được nếm những thứ mà con dâu tương lai nấu chắc là vui lắm. Giá mà mẹ con còn sống đến bây giờ thì có phải hạnh phúc lắm không.

Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau rất lâu, nhìn ngày cuối năm trôi đi chậm chạp trong những mảnh vụn ký ức chắp nối lấp lánh sắc màu của cha. Trong tiếng cười trong vắt của nàng và trong ước mơ tôi về một mái ấm gia đình có bàn tay của người phụ nữ. Cha bảo giao thừa năm nay nhất định phải bật sâm panh, phải cụng ly nhau để chúc cho một năm an lành, hạnh phúc. Sao tôi cứ muốn níu mãi những giây phút căng tràn hạnh phúc này cùng những khoảnh khắc thấy nụ cười nở trên môi cha mãn nguyện.

V.T.H.T

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điểm đến hấp dẫn  (26/01/2013)
Mới, lạ dàn tang đẩu  (26/01/2013)
Bứt phá bằng sản phẩm mới  (26/01/2013)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012  (26/01/2013)
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)
Nghiệp chọn người  (26/01/2013)
Người luyện võ trống  (26/01/2013)
Quy Nhơn - thành phố cỏ hoa  (26/01/2013)
Năm Tỵ nói chuyện “võ rắn”  (26/01/2013)
Hồn Tết Việt nơi xa xứ  (26/01/2013)
Đi chợ xứ người  (26/01/2013)
Vững bước vào xuân  (26/01/2013)