Nâng tầm di tích thời Tây Sơn
13:4', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Triều đại Tây Sơn đã để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử. Vì vậy, những di tích gắn với thời Tây Sơn luôn có giá trị lớn về văn hóa, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo, người dân địa phương và du khách khắp nơi.

 

Cán bộ và  nhân dân về tham quan Đàn tế Trời đất. Ảnh: VĂN LƯU

 

Những di tích đặc biệt

Từ năm 2004 đến 2012, Sở VH-TT&DL đã phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức 5 đợt khai quật khảo cổ tại khu vực di tích Thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn), để có cơ sở khoa học trùng tu, tôn tạo. Hạng mục Bảo tồn, tu bổ phục hồi tường bao Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh trong Thành Hoàng Đế vừa được hoàn thành, với tổng kinh phí đầu tư gần 8,3 tỉ đồng. Ông Trần Đức Tâm, bảo vệ di tích Tử Cấm Thành trong Thành Hoàng Đế, cho biết: “Trước đây, khu di tích còn hoang sơ, nhưng vẫn thu hút rất nhiều đoàn khách ở khắp nơi đến tham quan và bày tỏ nhiều cảm xúc, sự quan tâm đến thực trạng di tích. Nay, di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo bước đầu, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều ấn tượng tốt cho du khách”.

Một điểm khác thu hút là Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, được hình thành từ yếu tố tâm linh, kính ngưỡng gắn liền với điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và những di tích về phong trào Tây Sơn trên địa bàn. Nhiều năm qua, Bảo tàng Quang Trung đã có nhiều hạng mục công trình được triển khai xây dựng mới với kinh phí rất lớn, trong đó có các nguồn xã hội hóa. Đây cũng là điểm di tích đặc biệt, thường xuyên được đón các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, người dân và du khách đến tham quan.

Trong khi đó, Núi Ấn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) là một địa danh linh thiêng, tương truyền là nơi trời đất ban ấn vàng cho thủ lĩnh Tây Sơn - Nguyễn Nhạc trước khi khởi binh, phất cờ khởi nghĩa. Từ ý nghĩa đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam xây dựng công trình Đàn tế Trời đất tại núi Ấn và hoàn thành vào tháng 9.2012, đúng dịp kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, cán bộ Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, tâm sự: “Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10, cơ quan chúng tôi đã tổ chức chuyến tham quan Đàn tế Trời đất. Tôi rất tự hào khi quê hương có được công trình mang yếu tố tâm linh gắn liền với giáo dục lịch sử được xây dựng quy mô ở địa thế rất đẹp như thế này”.

 

Một góc Thành Hoàng Đế. Ảnh: VĂN LƯU

 

Tiếp tục đầu tư nâng cấp

Để bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa giá trị di tích Thành Hoàng Đế, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 vòng 2 khu di tích với diện tích lên đến 330 ha ở xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá (thị xã An Nhơn). Quy hoạch hướng đến một khu di tích lịch sử kết hợp du lịch văn hóa và du lịch sinh thái hoàn chỉnh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, phát huy tiềm năng và nguồn lực của địa phương.

Hiện, Sở VH-TT&DL đang tiếp tục phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung lập quy hoạch mặt bằng khu vực di tích Thành Hoàng Đế giai đoạn II, gồm: không gian Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh, khu vực bảo tồn nền móng công trình và các đoạn tường thành, khu vực trồng cây tạo bóng mát, không gian xây dựng Đền thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc…

UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/500 đồ án “Quy hoạch mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung”, với việc điều chỉnh các phân khu chức năng, trong đó chủ yếu là khu A (từ mương Văn Phong về phía Bắc) trên cơ sở hiện trạng quy hoạch phía Đông vùng cây xanh, quy hoạch xây dựng mới hồ cảnh đối xứng hồ cảnh phía Tây. Đồng thời nâng cấp bổ sung, phục dựng trưng bày hiện vật, trang bị âm thanh, ánh sáng và thuyết minh theo phong cách trưng bày hiện đại, sử dụng hình chiếu 3 D tại nhà trưng bày của bảo tàng. Định hướng cải tạo mở rộng nhà trưng bày của bảo tàng về phía Bắc; xây mới Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt và thân sinh, hậu cung; mở rộng cầu cảnh, xây dựng cột cờ treo cờ Quang Trung ở phía sau tượng đài; mở rộng về phía sau bảo tàng 2,4ha… Ông Nguyễn Bình, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở VH-TT&DL, cho biết: “Phương án thiết kế quy hoạch chi tiết các hạng mục công trình quy hoạch mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung đang được đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện để trình phê duyệt, dự kiến khởi công vào quý II năm 2013”.

Các đơn vị thi công các hạng mục còn lại của công trình Đàn tế Trời đất cũng nỗ lực để kịp hoàn thành phục vụ kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. UBND huyện Tây Sơn đã tiến hành thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 19 đến công trình Đàn tế Trời đất. Cụ Nguyễn Công, 75 tuổi, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, phấn khởi: “Bà con trong thôn ai cũng vui vì địa điểm tâm linh của người dân địa phương bao đời nay đã được quan tâm đầu tư. Mọi người tìm về Đàn tế Trời đất ngày càng nhiều, nên Tết này chắc sẽ đông vui lắm!”.

  • H.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ðàn ông đónTết  (26/01/2013)
Điểm đến hấp dẫn  (26/01/2013)
Mới, lạ dàn tang đẩu  (26/01/2013)
Bứt phá bằng sản phẩm mới  (26/01/2013)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012  (26/01/2013)
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)
Nghiệp chọn người  (26/01/2013)
Người luyện võ trống  (26/01/2013)
Quy Nhơn - thành phố cỏ hoa  (26/01/2013)
Năm Tỵ nói chuyện “võ rắn”  (26/01/2013)
Hồn Tết Việt nơi xa xứ  (26/01/2013)
Đi chợ xứ người  (26/01/2013)