Về đất kinh xưa
13:20', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Một ngày đầu đông, chúng tôi về thăm lại đất An Nhơn, thủa xưa từng là chốn kinh kỳ tấp nập với bao đời đế vương hưng phế. Giờ phố thị An Nhơn đã đông đúc và dần hiện đại, nhưng vẫn còn đó những di tích gắn liền với bao câu chuyện lưu truyền cho đến hôm nay.

 

Lễ hội Đổ giàn ở An Thái tôn vinh tinh thần thượng võ; nét văn hóa độc đáo của người Bình Định. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Đất vua - đất võ

An Nhơn là “đất hai vua”. Từng là một trong những trung tâm của Chămpa xưa và sau là kinh đô của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn. An Nhơn cũng là miền đất sơn thủy hữu tình được 3 con sông Gò Chàm, sông Côn, Tân An chảy qua, tạo ra những không gian xanh biếc, những bờ bãi mỡ màu; hun đúc nên những con người khỏe khoắn, năng động và sáng tạo.

Mảnh đất An Thái xã Nhơn Phúc (An Nhơn) từng nổi tiếng là cái nôi võ Bình Định, cũng là nơi có nhiều gia đình người Hoa sống đan xen với cộng đồng người Việt, làm cho đời sống văn hóa của người dân vùng đất này thêm phong phú.

Để không ngừng nâng cao võ thuật cho các phái võ, ở vùng này không chỉ thường tổ chức đấu võ đài, mà còn có hình thức tổ chức cao hơn là Lễ hội Đổ giàn. Chùa Ngũ Bang Hội Quán là nơi diễn ra lễ hội này, từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng Bảy âm lịch (4 năm tổ chức một lần). Mờ sáng ngày rằm là tiến hành lễ rước Phật, có chiêng trống, cờ phướn, học trò tham gia lễ đi hai bên kiệu hoa, đi giữa là ban lễ. Xuất phát từ chùa Hội Quán lần lượt đi hết các chùa và về đến chùa Phổ Tịnh làm lễ rước Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy. Trình tự khai kinh, niệm kinh, tụng kinh, trai đàn và cúng chẩn diễn ra suốt 3 ngày đêm.

 

Tháp Bánh Ít. Ảnh: TRẦN VĂN

 

Phần hội được chuẩn bị với 1 giàn bằng gỗ và tre được dựng lên trước cổng chùa. Giàn cao hơn 2m, chiều rộng mỗi bề khoảng 4m đủ đặt hương án, lễ vật gồm tam sanh (heo, bò, dê) và hoa quả. Đứng cúng trên giàn lễ chỉ có ban lễ và học trò gia lễ, áo mão theo từng chức sự của nghi thức. Đúng giờ mùi (khoảng 13 giờ) là lên Giàn chẩn. Ba hồi chiêng, trống vừa dứt là Đổ giàn. Võ sĩ từ các võ đường bên này, bên kia sông Côn được tề tựu trước, bắt đầu ra tay giật phướn, giật heo… Vì tinh thần thượng võ nên các trường phái võ thắng không kiêu, bại không nản. Lễ hội Đổ giàn- một lễ hội có ý nghĩa tôn vinh tinh thần thượng võ trên miền đất võ An Thái, đã từng góp phần quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm để cho “Quốc thái - dân an”, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của quê hương Bình Định.

An Nhơn còn có hàng chục võ  đường nổi tiếng trong làng võ Việt Nam, với các võ sư, võ sĩ danh bất hư truyền, như: Đinh Văn Nhưng (ông Chảng, thầy dạy võ của 3 anh em nhà Tây Sơn), hậu duệ là võ sư  Đinh Văn Tuấn; Trương Văn Hiến, Diệp Trường Phát (còn gọi là ông Tàu Sáu), hậu duệ là Diệp Lệ Bích, Kim Anh, Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ…

 

Nón lá Gò Găng. Ảnh: HIỆP MỸ

 

Đất trăm nghề

Đất An Nhơn được mệnh danh là đất “trăm nghề” với sự phát triển của các làng nghề đã có từ hàng trăm năm, kết tinh thành những thương hiệu nổi tiếng như: làng tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu, làng rượu Bàu Đá ở Nhơn Lộc, bún song thằn ở Nhơn Phúc, các nghề điêu khắc, thêu ren, chạm trổ, khảm xà cừ, chế biến nước mắm… ở Nhơn An, Nhơn Hưng, Đập Đá, Bình Định.

Hiện An Nhơn có trên 20 làng nghề truyền thống đang tồn tại và phát triển. Vùng đất này cũng thật giàu có về những địa chỉ văn hóa đủ sức níu chân bất cứ ai muốn tìm về những giá trị cổ xưa. “Nón ngựa Gò Găng. Bún song thằn An Thái. Lụa đậu tư Nhơn Ngãi” là một trong những câu ca dao ca ngợi các làng nghề nổi tiếng. Thương hiệu rượu Bàu Đá nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc. Rượu được chưng cất từ một ngôi làng nhỏ mang tên Bàu Đá, thuộc xã Nhơn Lộc. Thật thú vị biết bao trên bước du hành, ta dừng chân nơi ngôi làng nhỏ thơm lừng mùi rượu, giữa hoàng hôn khói sương bảng lảng, chỉ một chén nhỏ thôi cũng đủ làm ta chếnh choáng với hồn đất, tình người.

 

Gốm Vân Sơn (Nhơn Hậu - An Nhơn). Ảnh: ĐÔNG A

 

An Nhơn còn là xứ sở của nghề đúc kim loại, tiện gỗ, chằm nón, làm bánh tráng, làm bột nhang… Mỗi sản phẩm gắn liền với tên gọi của một vùng đất như một thương hiệu không thể phai mờ. Nói đến nghề đúc đồng, đúc nhôm, người ta nghĩ ngay đến làng Bằng Châu; nghề làm nón có làng Mỹ Hòa; nghề tiện gỗ ở làng Nhạn Tháp; nghề làm gốm có làng Vân Sơn; nghề làm bánh tráng có làng Trường Cửu, ngày nay có thêm những làng nghề trồng mai ở Thanh Liêm, Háo Đức… Dẫu có lúc thăng trầm, nhưng tấm lòng của những người thợ đối với cái nghề cha ông để lại vẫn một mực sắt son. Có lẽ điều đó đã giúp cho nghề truyền thống trường tồn cùng thời gian.

Về đất kinh kỳ xưa, lang thang trên khắp các làng nghề, tận mắt ngắm nhìn từng món đồ thủ công truyền thống, trong ta trào dâng niềm vui, niềm tự hào về văn hóa cội nguồn. Về với những làng nghề truyền thống trên đất An Nhơn, điều cuốn hút du khách không chỉ bởi được “chạm” vào quá khứ, được “sống” trong một không gian văn hóa cổ xưa và thuần hậu mà còn bị chinh phục bởi những con người năng động, biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại để phát triển làng nghề và làm giàu cho mình, cho làng mạc và đô thị An Nhơn hôm nay.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng tầm di tích thời Tây Sơn  (26/01/2013)
Ðàn ông đónTết  (26/01/2013)
Điểm đến hấp dẫn  (26/01/2013)
Mới, lạ dàn tang đẩu  (26/01/2013)
Bứt phá bằng sản phẩm mới  (26/01/2013)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012  (26/01/2013)
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)
Nghiệp chọn người  (26/01/2013)
Người luyện võ trống  (26/01/2013)
Quy Nhơn - thành phố cỏ hoa  (26/01/2013)
Năm Tỵ nói chuyện “võ rắn”  (26/01/2013)
Hồn Tết Việt nơi xa xứ  (26/01/2013)