Sinh viên Bình Định ở xứ sở “chuột túi”
13:44', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Úc châu thu hút nhiều du học sinh Bình Định sang học tập. Hỏi vì sao lại chọn Úc châu để tiếp tục đời sinh viên nơi đất khách, du học sinh đất Võ chỉ cười: “Mỗi người một lý do, nhưng khi đã sống ở đây rồi mới thấy, sự lựa chọn ấy không sai lầm".

 

Sinh viên Bình Định hội ngộ.

 

Chọn du học ở xứ sở "chuột túi", có cả những bạn đi học tự túc cũng như những sinh viên sau đại học được tài trợ bởi nhiều học bổng khác nhau. Chẳng hạn, những năm 2007-2011, tỉnh cử hàng chục cán bộ theo học tại Đại học La Trobe theo chương trình đào tạo cán bộ trình độ cao ở nước ngoài. Những năm gần đây, nhiều sinh viên, cán bộ của tỉnh nhận Học bổng Phát triển Úc (ADS), học bổng 322 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hay Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương để theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều trường đại học khác nhau của Australia.

Tần tảo học và làm

Giờ thì cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Việt Cường (cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện là nghiên cứu sinh học tại RMIT, Melbourne) đã ổn định; bản thân anh vừa bảo vệ thành công đề cương nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Nhưng, nhắc đến những ngày đầu mới sang, anh Cường vẫn chưa quên cảm giác hồi hộp: “Hồi đó, đưa cả gia đình sang một lần. Rất lo, vì bao thứ bỡ ngỡ. Ngay như tìm nhà cũng khó, rồi mấy tháng đầu mới sang, vợ chưa tìm được việc làm… Ngày ấy, ai cũng cho là liều, tôi cũng nghĩ vậy; nhưng giờ lại thấy may mà nhờ vậy nên sớm ổn định việc gia đình”.

Hiện nay, tuy học ở RMIT ngay trung tâm thành phố, nhưng gia đình Cường sống gần Đại học La Trobe. Tuy hơi xa trung tâm nhưng bù lại, ở đây, có nhiều bạn bè Việt Nam và tiện cho việc làm thêm.

Còn với Phan Lê Hải Ngân, giảng viên Trường Cao đẳng Bình Định, hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Monash, khó khăn đầu tiên khi đến Australia là thay đổi thời tiết. “Dù đã được thông tin về sự không ổn định thời tiết, tôi vẫn bị “choáng”. Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Úc, nóng đến 410C. Cho tới giờ, dù đã quen thời tiết ở Melbourne, tôi vẫn thấy hơi khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khó nữa là khả năng kết bạn bản xứ khá hạn chế. Tôi hơi ngạc nhiên vì người Úc hơi khép kín; muốn làm bạn với họ, mình phải chủ động”.

 

Phan Lê Hải Ngân (thứ hai, trái sang, hàng đối diện) tại một hội thảo.

 

Nguyễn Tiến Vũ, nghiên cứu sinh tại Đại học Deakin, cũng chia sẻ về khó khăn đó: “Khó khăn nhất của tôi, cũng như những người lần đầu ra nước ngoài học, bên cạnh ngôn ngữ, là hòa nhập. Thật may, Australia có chính sách đa văn hóa rất tốt nên sinh viên nước ngoài sang đây không gặp nhiều bỡ ngỡ. Nơi tôi ở tuy ít người Việt nhưng may mắn là tôi được gặp và cùng thuê nhà với đôi vợ chồng anh chị cũng người Bình Định, là nghiên cứu sinh cùng thầy hướng dẫn. Ngoài ra, tôi còn kết bạn với sinh viên từ các nước khác”. 

Giá cả tại Australia đắt đỏ nên hầu như tất cả sinh viên khi mới sang đều “ngợp” khi mua sắm. “Những ngày đầu, tôi cũng thấy chóng mặt khi bỏ ra 5 AUD (đô la Úc) tức tương đương khoảng 110 ngàn đồng để mua bó rau muống hay 9 AUD bằng khoảng 200 ngàn đồng cho một nhúm ớt… Thế nhưng, ở lâu rồi cũng quen, quên đi thói quen quy đổi này”- Nguyễn Việt Cường tâm sự.

Thêm những trải nghiệm

Điều thú vị về Australia là cuộc sống ở đây khá nhẹ nhàng, với sắc màu đa văn hóa của cư dân đến từ nhiều nơi trên thế giới. Và đó là thiên đường cho khám phá.

Huỳnh Anh Vũ, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia ngày nào, nay vừa tốt nghiệp Đại học Swinburne, trông rắn rỏi và chững chạc hẳn lên. Vũ kể: “Hai tháng đầu tiên, tôi ở homestay (dịch vụ sinh viên quốc tế sống, sinh hoạt trong gia đình người bản xứ). Cô chủ nhà chỉ dẫn tôi nhiều điều rất cơ bản về cuộc sống ở đây. Cô cũng là một người thầy, một người bạn mà tôi trò chuyện trong thời gian đầu tiên. Nhìn chung, cuộc sống ở Australia yên tĩnh, trong lành và an toàn. Tôi có thể học ở trường tới tận nửa đêm rồi đi bộ về nhà mà không lo lắng gì cả”. 

 

Các sinh viên Việt Nam tại Đại học Swinburne.

 

Australia cũng là nơi sinh sống và làm việc của một cộng đồng người Việt đông đảo. Đông nhất là khu Cabramatta ở Sydney. Còn ở Melbourne, có 5 khu người Việt nằm rải rác trong thành phố nên chỉ mất vài chục phút đi tàu hay xe buýt, du học sinh đã có thể đặt chân đến những khu chợ Việt, gặp đồng hương hay thưởng thức thức ăn Việt. Điều này giúp du học sinh Việt Nam làm quen với cuộc sống ở Úc dễ dàng hơn.

Không thành lập hội, nhưng sinh viên Bình Định, nhất là sinh viên sau đại học vẫn thường xuyên liên lạc để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập cũng như hỗ trợ trong cuộc sống. “Mỗi du học sinh Bình Định tại đây, dù là học sinh hay đã đi làm, học những chuyên ngành khác nhau đều có một mong muốn chung là sau này sẽ về lại địa phương để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà”- Nguyễn Việt Cường khẳng định.

Còn Huỳnh Anh Vũ vừa tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính Kế toán ở trường đại học Swinburne và được giữ lại trường giảng dạy về Kinh tế Vĩ mô. Vậy nhưng, hỏi về dự định tương lai, Vũ cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục việc học của mình và dành một khoảng thời gian làm việc tại Úc để học thêm, từ kiến thức chuyên môn tới văn hóa làm việc. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của tôi tới giờ vẫn là quay về Việt Nam sống, làm việc và có thể là giảng dạy”.

Tết sinh viên ở Melbourne

Dịp Tết trùng với dịp nghỉ hè ở các trường đại học nên phần lớn các bạn về Tết thăm nhà, chỉ còn một số ít ở lại và thường tận dụng khoảng thời gian nghỉ này để đi làm. Chính vì vậy, những ngày Tết, mọi người vẫn tất bật với công việc chứ không có được khoảng lặng để nghỉ ngơi đón xuân.

Thế nhưng, như đã thành tập tục, các du học sinh thường tổ chức thành từng nhóm bạn thân thiết tổ chức đón Giao thừa. Chiều 30 Tết cũng có bánh chưng, dưa hành; có nén nhang thơm cúng trời đất, ông bà, tổ tiên và sau đó là một bữa ăn uống tưng bừng.

Ở Melbourne cũng có rất nhiều ngôi chùa lớn của người Việt Nam. Trong đó, Quang Minh là một trong những chùa lớn nhất và là điểm đến của đông đảo Việt kiều trong thời khắc Giao thừa. Năm nào cũng vậy, từ 10 giờ tối đêm Giao thừa, du khách đã nô nức kéo về chùa Quang Minh và khi kim đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm, những loạt pháo hoa được bắn lên rực sáng cả bầu trời, hòa theo tiếng múa lân rộn rã làm cho trái tim bao người Việt ấm áp hơn, tưởng như đang được ở quê nhà ngay giữa thời khắc thiêng liêng này. 

(Ghi theo lời kể của một sinh viên)

  • LÊ VIẾT THỌ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (26/01/2013)
Về đất kinh xưa  (26/01/2013)
Nâng tầm di tích thời Tây Sơn  (26/01/2013)
Ðàn ông đónTết  (26/01/2013)
Điểm đến hấp dẫn  (26/01/2013)
Mới, lạ dàn tang đẩu  (26/01/2013)
Bứt phá bằng sản phẩm mới  (26/01/2013)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012  (26/01/2013)
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)
Nghiệp chọn người  (26/01/2013)
Người luyện võ trống  (26/01/2013)
Quy Nhơn - thành phố cỏ hoa  (26/01/2013)