Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim ở Bình Định đã có một cuộc sống khỏe mạnh, bình thường như bao người khác nhờ được thực hiện những ca phẫu thuật trị giá vài chục triệu đồng. PGS-TS Nguyễn Viết Nhân, Trưởng bộ môn Di truyền Trường Đại học Y Dược Huế - Phụ trách Văn phòng Tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ em khuyết tật (OGCDC), là người làm cầu nối để những người mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này có một trái tim để sống và để yêu.
Lần thứ hai tôi xin phép được làm việc, vị PGS-TS ấy vẫn một mực không muốn báo chí nói về mình và những công việc đã làm, bởi “tôi cũng chỉ làm cầu nối cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim đến với những nhà hảo tâm”. Cuối cùng thì câu chuyện của chúng tôi chủ yếu vẫn là về chính những bệnh nhân đã được Văn phòng hỗ trợ vượt qua bệnh tật.
|
PGS-TS Nguyễn Viết Nhân
|
Nối dài sự sống cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
“Với PGS-TS Nguyễn Viết Nhân, nỗ lực giúp đỡ trẻ khuyết tật là hết sức cần thiết, nhưng làm thế nào thay đổi ý thức của cộng đồng đối với người khuyết tật, nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng để có thể có những đứa con khỏe mạnh là công việc quan trọng hơn rất nhiều”. |
Đâu đó trong cuộc sống, nỗi bất hạnh vẫn còn. Và sự sẻ chia luôn là điều tốt đẹp nhất mà mỗi số phận cần có từ cuộc sống xung quanh. Sinh được cậu con trai kháu khỉnh, nhưng niềm vui chưa trọn, người mẹ trẻ đã phải bồng con đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh để xin được hỗ trợ mổ tim. Đó là câu chuyện của bé Phạm Văn Trí, SN 2009, ở hẻm 11/31/3 phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn. Bé được giới thiệu ra Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật theo chương trình của OGCDC với số tiền được hỗ trợ là 50 triệu đồng.
Những trường hợp mắc bệnh tim được quyết định hỗ trợ và phẫu thuật chóng vánh như của bé Trí không hiếm trong chương trình của OGCDC. Bác sĩ Trang Xuân Chi, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh, vẫn nhớ từng chi tiết câu chuyện của một ngày tháng 4.2010. “Hồi đó, tôi nhận được cuộc điện thoại hơn 1 tiếng đồng hồ của PGS-TS Nguyễn Viết Nhân, nói về việc khảo sát những em mắc bệnh tim, có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Định để chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí. Tôi mừng quá, như người khát tìm thấy nước uống”, bác sĩ Chi chia sẻ.
Vậy là chiếc cầu mà PGS-TS Nguyễn Viết Nhân bắc cho những trẻ em nghèo mắc bệnh tim ở Bình Định đã được nối, bắt đầu cho một hành trình ngót 3 năm, với 60 ca mổ tim, đồng nghĩa với 60 trẻ đã được cứu sống, 60 gia đình có được niềm vui trọn vẹn. Có nhiều bệnh nhân nhi ở Bình Định đã được OGCDC hỗ trợ mổ tim với mức chi phí lớn, thậm chí nhiều trường hợp quá khó khăn đã được hỗ trợ trọn gói gần trăm triệu đồng. Số tiền này được PGS-TS Nguyễn Viết Nhân xin từ các nhà tài trợ, hầu hết là ở các nước Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật...
Từ tháng 7.2010 đến tháng 12.2012, OGCDC đã giúp “vá lành” 60 trái tim trẻ thơ; cứu những trường hợp khuyết tật khác tại Bình Định, với số tiền trên 2 tỉ đồng. |
PGS-TS Nguyễn Viết Nhân chia sẻ: “Bệnh tim là nhóm dị tật phổ biến nhất trong các loại dị tật. Chi phí ca mổ bệnh tim lại quá lớn, nhiều gia đình nghèo không thể kham nổi. Vì thế, chúng tôi đã kêu gọi sự giúp đỡ của các thân hữu để làm lành những trái tim bị “lỗi nhịp” của trẻ khó khăn”.
Hỏi chuyện ông không phải quê ở Bình Định, nhưng dường như có sự ưu tiên cho trẻ mắc bệnh tim ở Bình Định, ông cười hiền hậu: “Thật ra phải nói chính xác là chúng tôi được làm việc với bác sĩ Trang Xuân Chi - một người có tâm huyết và dành trọn tấm lòng cho trẻ khuyết tật nên mới có điều kiện để giúp đỡ các cháu tại Bình Định nhiều hơn các địa phương khác”.
|
PGS-TS Nguyễn Viết Nhân (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên là người khuyết tật của OGCDC và Hội CTĐ Bình Định. Ảnh: TRANG XUÂN CHI
|
Gom thêm chút lửa
17 giờ, ngày 14.12.2012, bác sĩ Trang Xuân Chi, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhận được một cuộc điện thoại khẩn từ Huế về một bệnh nhân nữ 26 tuổi đang được cấp cứu bệnh tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đó là bệnh nhân Đặng Thị Hoa Nở, SN 1986, ở thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, bị bệnh hẹp van 2 lá, tăng áp phổi, rung nhĩ. Số tiền dự kiến cho ca mổ tim là 75 triệu đồng, nhưng gia đình lại quá nghèo, chỉ có thể chạy vạy được 10-15 triệu đồng. Quy định của OGCDC chỉ giúp kinh phí cho trẻ em nghèo dưới 17 tuổi, nhưng PGS-TS Nguyễn Viết Nhân đã quyết định “phá luật”, hỗ trợ một phần cho trường hợp này. Những cái bắt tay thật chặt, giọt nước mắt hạnh phúc, niềm vui vỡ òa của gia đình chị Nở khi hay tin được hỗ trợ kinh phí. Những sự hỗ trợ đột xuất như trường hợp chị Nở; hay tặng học bổng, xe đạp đi học cho trẻ mắc bệnh tim; tặng xe lăn, xe lắc tay cho những bệnh nhân phong ở Bình Định đều được PGS-TS Nguyễn Viết Nhân hết lòng.
|
Em Trần Thị Hoài My - SN 1994, ở thôn Ngọc An Trung, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, mắc bệnh hở van 2 lá nặng, tăng áp phổi nặng, suy tim độ 3, đã được hỗ trợ 65 triệu đồng để phẫu thuật vào tháng 6.2012, tại Bệnh viện Trung ương Huế.
|
Duy trì được bình thường mọi công việc đang có là kế hoạch lớn nhất trong năm tới của PGS-TS Nhân. Trong câu chuyện của chúng tôi, ông vẫn không thôi lo lắng giai đoạn này đang khó khăn về kinh tế. Các thân hữu cũng không giúp nhiều được, mà các cháu cần mổ tim thì nhiều lắm.
Với những đóng góp cứu giúp trẻ em mổ tim và những bệnh nhân khó khăn khác tại Bình Định của OGCDC, tháng 6.2012, UBND tỉnh Bình Định đã tặng Bằng khen cho Trường Đại học Y Dược Huế. |
Với ông, nỗ lực giúp đỡ trẻ khuyết tật là hết sức cần thiết nhưng làm thế nào thay đổi ý thức của cộng đồng đối với người khuyết tật, nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng để có thể có những đứa con khỏe mạnh là công việc quan trọng hơn rất nhiều. Với tất cả những gì đã làm cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim tại Bình Định, nhiều người nói về ông rất nhiều với sự kính trọng. Riêng ông vẫn một tâm niệm: “Bệnh nhân cần, còn mình nếu có thể làm được gì trong khả năng thì làm thôi. Các ni sư, các xơ, các anh chị em đang làm việc ngày đêm tại các nơi nuôi dưỡng các cháu khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước, những người hảo tâm và tất cả các thành viên của OGCDC mới thật sự là những người hy sinh thầm lặng cho các cháu. Tôi chỉ là người gom thêm chút lửa vào bếp lửa hồng mà thôi!”.
|