Nhà khoa học “nặng lòng” với biển
14:41', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Võ Sĩ Tuấn - Viện Phó Viện Hải dương học Nha Trang - đã dành cho tôi một chút thời gian rảnh hiếm hoi của ông giữa lịch làm việc dày đặc gắn với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Là chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học biển, ông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái biển ở nhiều vùng trên cả nước.

 

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn tại phòng trưng bày các loại cá mập, cá nhám tại vùng biển Bình Định mới được thành lập ở Viện Hải dương học. Ảnh: M.H

 

“Nghiên cứu khoa học phải đam mê”

Tôi gặp PGS-TS Võ Sĩ Tuấn tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khi ông vừa kết thúc chuyến công tác ở TP Huế và bận rộn với báo cáo đang soạn dở cho kịp buổi nghiệm thu một dự án vào buổi chiều. Tôi hỏi vì sao ông đủ năng lượng cho lịch làm việc dày đặc như thế, ông lý giải: “Ngành nghề nào cũng vậy, nếu muốn thành công thì phải có đam mê, hứng thú, mới có thể đi đến tận cùng được. Đặc biệt là làm nghiên cứu khoa học, nếu không có đủ đam mê thì đừng làm”.

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980. Năm 1981 là cán bộ khoa học của Viện Hải dương học. Từ năm 2001 đến nay ông là  Viện Phó Viện Hải dương học. Được phong học hàm Phó Giáo sư Sinh học năm 2009. Ông còn là chuyên gia cao cấp của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc và các dự án về môi trường biển trong nước và quốc tế; là chủ nhiệm hàng chục đề tài liên quan đến đa dạng sinh học biển.

Khá kiệm lời khi nói về bản thân mình, nhưng ông rất cởi mở khi nói về biển, về thủy sinh vật, đặc biệt là san hô, chuyên ngành ông đã lựa chọn và theo đuổi cả cuộc đời. Tốt nghiệp ngành Sinh học Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau mấy chục năm công tác ở Viện Hải dương học, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao về ngành sinh thái rạn san hô và sinh học nguồn lợi thủy sinh vật như: tìm hiểu rạn san hô và rừng ngập mặn, rạn san hô ở Côn Đảo, hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam, giám sát rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam…

Trong những chuyến lặn khảo sát, ông luôn mang theo bên mình máy ảnh để chụp lại những vẻ đẹp kỳ ảo của đại dương. Với ông, những khoảnh khắc tĩnh lặng dưới đại dương, được tận tay, tận mắt nhìn thấy những vẻ đẹp và sự sinh động của sự sống dưới đáy biển đã khiến cho ông thêm yêu quý công việc và nỗ lực nhiều hơn nữa để nguồn tài nguyên này luôn sinh sôi mạnh mẽ.

 

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn đang quan sát nhân viên của Viện Hải dương học cho cá ăn tại khu trưng bày tài nguyên biển đảo khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.

 

“Đừng nên nghe đến cá mập là sợ”

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn quê ở Cát Tài, Phù Cát. Thời niên thiếu ông sống ở quê mẹ Hà Tĩnh, hiện sinh sống và công tác tại TP Nha Trang. Ông luôn dành cho quê cha một tình cảm chân thành. Ông gắn bó với Bình Định không chỉ vì gốc gác mà với trách nhiệm của một nhà khoa học. Từ năm 2002 đến nay, ông và các cộng sự ở Viện Hải dương học đã thực hiện nhiều đề tài, dự án như: phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim-đầm Thị Nại, nghiên cứu hiện trạng rạn san hô, sinh vật biển Quy Nhơn… Mới đây nhất là đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học của hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển ở vịnh Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa”. Điều ông tâm đắc nhất là sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học và của tỉnh, rừng ngập mặn đã dần được phục hồi ở khu vực đầm Thị Nại, nguyên nhân cá dữ tấn công người tại vùng biển Quy Nhơn đã được xác định và có giải pháp phòng ngừa cụ thể.

Trong phát triển du lịch, theo ông, Bình Định không có lợi thế về di sản như Hội An, cũng không được thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch biển như Nha Trang…, nên Bình Định cần chọn cho mình một hướng đi riêng. Một gợi ý thú vị mà ông mới phát hiện trong quá trình nghiên cứu: vịnh Quy Nhơn là vùng đa dạng loài của liên bộ cá nhám (11 loài). Đây là tài nguyên đặc biệt cần được quản lý, quy hoạch, sử dụng hợp lý. TS Tuấn giải thích: “Đừng chỉ nghe đến cá mập là sợ. Một số quốc gia như Mỹ, Nam Phi, Thái Lan…  đã thu lợi từ việc sử dụng cá nhám, cá mập làm đối tượng phục vụ phát triển các dịch vụ du lịch mạo hiểm. Ở Việt Nam, chỉ Bình Định có nguồn tài nguyên độc đáo này. Quan trọng là cách làm như thế nào để có thể khai thác và phát huy nguồn lợi một cách hiệu quả”.

Chia tay PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, tôi đi một vòng Viện Hải dương học để ngắm nhìn tận mắt sự sống của nhiều sinh vật biển và những mẫu thủy sinh vật được gìn giữ cẩn thận, tôi càng thêm trân trọng những cống hiến thầm lặng mà ông và các cộng sự đã và đang nỗ lực thực hiện để phục hồi và giữ gìn sự giàu có của biển.

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực sinh thái rạn san hô, bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sinh vật, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển… Với những đóng góp cho ngành Hải dương học, ông đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen và mới đây nhất (năm 2012) là Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những đóng góp trong khoa học.

  • MAI HỒNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỹ sư trẻ ham mê sáng tạo  (26/01/2013)
“Tôi chỉ là người gom thêm chút lửa…”  (26/01/2013)
Sinh viên Bình Định ở xứ sở “chuột túi”  (26/01/2013)
Thơ  (26/01/2013)
Về đất kinh xưa  (26/01/2013)
Nâng tầm di tích thời Tây Sơn  (26/01/2013)
Ðàn ông đónTết  (26/01/2013)
Điểm đến hấp dẫn  (26/01/2013)
Mới, lạ dàn tang đẩu  (26/01/2013)
Bứt phá bằng sản phẩm mới  (26/01/2013)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012  (26/01/2013)
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)
Lấy lòng nhân khơi mầm thiện  (26/01/2013)
Gầy dựng lại thương hiệu thủ môn đất Võ  (26/01/2013)