“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua...” - lời bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song đã phác họa hình ảnh người chiến sĩ hải quân. Dù gian khó đến đâu, các anh vẫn chắc tay súng canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi muốn kể câu chuyện của những người vợ lính đảo đang tảo tần, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để các anh yên lòng hoàn thành nhiệm vụ.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (ngồi giữa) thăm hỏi, động viên chị Nguyễn Thị Diệu.
|
Hậu phương vững vàng
Chúng tôi tìm đến nhà cô giáo Nguyễn Thị Diệu, ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, đúng lúc chị vừa về nhà sau giờ lên lớp. Cuộc chuyện trò thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng, bởi cu con chị quấy khóc. Dù vậy, những mẩu chuyện đứt quãng cũng đủ cho tôi hình dung về cuộc sống của một người vợ lính đảo Trường Sa.
Chị Diệu và chồng, anh Đặng Thành Trân, học chung lớp với nhau ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ (thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn). Hết cấp 3, chị theo học Sư phạm Lý ở Trường ĐH Quy Nhơn, anh vào bộ đội. 2 năm sau, anh giải ngũ, thi đậu Trường Sỹ quan Lục quân, tốt nghiệp được phân công về công tác ở Cam Ranh (Khánh Hòa), rồi được điều động ra đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa. Còn chị thì gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ” ở ngôi trường cũ - Trường THPT Tăng Bạt Hổ.
Năm 2010, anh chị cưới nhau, đến tháng 9.2011, bé con Đặng Bảo Tín ra đời. Ở với con chỉ vỏn vẹn 3 tháng, anh đã xách ba lô ra đảo. “Dạo này thằng bé hay ốm vặt, lại đang giai đoạn mọc răng nên vất vả lắm! Vậy mà, mỗi lần anh gọi về, tôi cũng chỉ kể ít ít thôi, chứ không lại làm anh lo lắng. May mà có mẹ và các chị gái, chứ ở riêng thì tôi cũng chẳng biết xoay xở thế nào”, chị chia sẻ.
|
Chị Nguyệt vẫn cố gắng học tập và làm việc chờ ngày hội ngộ cùng chồng.
|
Còn chị Lê Thị Minh Nguyệt, nhân viên Kho bạc huyện Vĩnh Thạnh, cũng là một người vợ lính đảo, dù chưa có con nhưng cuộc sống cũng bận rộn không kém. Chồng chị, anh Nguyễn Hồng Nhật, ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Đảo trưởng Đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ xa nhà đã tròn 3 năm. Kể về chồng, chị Nguyệt nhớ lại những ngày hai người mới quen nhau. Hồi đó, dù thỉnh thoảng vẫn gặp nhau qua điện thoại, quý mến nhau, nhưng chẳng ai dám ngỏ lời vì nhiều lẽ. Hơn 3 năm, sau lần anh Nhật về phép hiếm hoi vào cuối năm 2011, chị mới quyết định trở thành “hậu phương” của anh. Cưới nhau tròn 10 ngày, anh lại đi làm nhiệm vụ.
Xa chồng, chị Nguyệt lấy công việc làm động lực, niềm vui sống và cũng là để vơi đi nỗi nhớ nhung. Hàng ngày, sau giờ tan sở, chị tất tả chạy xe máy một mình từ huyện Vĩnh Thạnh xuống TP Quy Nhơn để học đại học Kế toán tại Trường ĐH Quy Nhơn. Học xong, chị lại một mình cưỡi xe máy băng đi trong đêm về lại Vĩnh Thạnh. Chị nỗ lực học tập, làm việc với hy vọng được chuyển công tác về ngay tại quê chồng. “Công việc, việc học tập, lại di chuyển trên một đoạn đường xa nên nhiều khi tôi cũng mệt mỏi lắm, chỉ ước có chồng ở nhà đi cùng cho vui và đỡ sợ. Nhưng khi nhận điện thoại, được nghe giọng cười giòn tan của chồng, tôi lại vui và cố che đi nỗi mệt mỏi, buồn tủi. Mình khổ nhưng còn có gia đình bên cạnh, so với anh, người lính làm việc tại đảo chìm thì chẳng đáng gì”. Nghĩ vậy, chị Nguyệt vượt qua mọi khó khăn để cuối năm nay hoàn thành khóa học của mình.
Giặt ủi cho chồng bộ quần áo, có chồng ở bên cạnh lúc nửa đêm khi con bất chợt lên cơn sốt, vợ chồng cùng về nội về ngoại những khi giỗ chạp… những điều tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày của bất cứ người phụ nữ nào, lại là khát khao bỏng cháy của những người vợ lính đảo như chị Nguyệt, chị Diệu. Vì nhiệm vụ của chồng, họ phải biết vượt qua khó khăn để các anh yên tâm công tác.
|
Chị Diệu cùng con trai trong ngày thôi nôi cháu Bảo Tín.
|
“Làm vợ lính, thấy mình trưởng thành hơn”
Đó là tâm sự của chị Nguyệt khi trò chuyện cùng chúng tôi. Thời nào cũng thế, vợ của lính luôn thiệt thòi và phải biết chấp nhận hy sinh. Hằng ngày, họ phải đối mặt với bao khó khăn, nhất là sự thiếu thốn tình cảm.
Tết này, sự hy sinh, bao nỗi nhớ nhung của chị Nguyệt được đền đáp. Cuối tháng Chạp, anh Nhật được chuyển công tác về đất liền. Những ngày cuối năm, công việc bận rộn, lại chuẩn bị hoàn tất luận văn tốt nghiệp, chị Nguyệt vẫn tranh thủ về nhà chồng, cùng mẹ chồng sắm sửa tết, chuẩn bị đón chồng. Dù không biết việc nhà nông nhưng chị Nguyệt có ý định cùng mẹ chồng trồng thật nhiều rau xanh như cải, diếp cá, rau muống, rau lang ngay trong vườn nhà để chồng về ăn cho thỏa thích. “Lần trước về, anh suốt ngày chỉ nhắc đến món rau xanh và thích tắm cho thỏa bằng nước ngọt. Nên lần này anh về luôn, vợ chồng tôi đã bàn với nhau sẽ xây một căn nhà nhỏ ở Phước Thuận, có vườn rau thật to, phòng tắm thật rộng, đúng như những ao ước của anh 3 năm qua”, chị Nguyệt không giấu được niềm vui, kể.
|
Đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa - Khánh Hòa). Ảnh: Nguyên Phúc
|
Tết này, chồng chị Diệu cũng được nghỉ phép. “Nghe nói tháng 7 hằng năm có chương trình đưa người thân ra thăm lính đảo, nhưng con còn nhỏ nên tôi chưa dám nghĩ đến. Khi con lớn, anh vẫn còn bám biển, nhất định tôi sẽ ra đảo một lần để thăm nơi anh công tác”, chị nói chắc nịch. Lời nói ấy làm tôi nhớ đến lần thăm nhà chị vào những ngày cận Tết năm ngoái cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc. Sau những lời hỏi thăm ân cần, Chủ tịch tỉnh đã siết chặt tay, như tiếp thêm niềm tin cho người vợ lính đảo. Còn chị thì nói rành rọt: “Cháu sẽ cố gắng chăm lo cho con, là nguồn động viên để anh ấy yên tâm công tác!”. Lúc ấy, tôi thấy mắt chị vẫn sáng rỡ, một nguồn sáng đầy rắn rỏi, tin cậy…
Đã gặp và làm bạn với những người vợ, người lính đảo, chúng tôi mới hiểu rõ được nỗi vất vả, nỗi nhớ nhung quay quắt của những cặp “vợ chồng Ngưu” khi mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần. Lại hiểu cả niềm tin họ dành cho nhau, để chồng chắc tay súng giữ gìn biên cương biển đảo Tổ quốc, để vợ đảm đang, vững tin nơi quê nhà về hạnh phúc, bình yên cho quê hương, có một phần đóng góp công sức của chồng mình nơi đầu con sóng dữ.
|