Bình Ðịnh - xứ sở của những lòng người rất rộng
15:11', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Bình Định luôn sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất. Thiên tài Quang Trung Nguyễn Huệ là một ví dụ. Mảnh đất ấy còn là nơi để các tài năng từ nơi khác đến có thể “dung thân” và phát tiết một cách thăng hoa nhất những phẩm chất thiên phú của mình.

 

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn mà anh em văn nghệ Bình Định vẫn hay gọi ông là “Dzũ đại ca” cho rằng giọng Bình Định của ông là “chuẩn” nhất, khiến nhiều nơi phải “học tập”. Vì theo ông, giọng Bình Định có thể làm thay đổi địa danh của một vùng đất nổi tiếng nào đó. Ông lấy ví dụ, Mũi Né ở Phan Thiết chẳng hạn. Nguyên tên gọi của bãi biển xinh đẹp này là “Múi Ná” (giống cái ná?) nhưng trong vùng có một người Bình Định vốn là thầy dạy võ nổi tiếng, mỗi khi nói chuyện với học trò hoặc khách thập phương, ông phát âm trại chữ “Ná” thành “Né”, và Mũi Né đã “chết” tên từ đó. Vũ tiên sinh “lý luận”: “Ông bà mình đặt tên cho vùng đất nào là phải tính tới tính lui, làm sao đó để mà khi xướng lên là ai cũng muốn đặt chân tới. Nếu ban đầu mà đặt Mũi Né thì ai cũng “né tránh” hết sao? Do phát âm của người Bình Định nên Mũi Ná thành Mũi Né nhưng bây giờ khách du lịch đến đó ào ào. Công này thuộc về “tiếng” Bình Định” vậy.

Thực hư thế nào về câu chuyện trên còn phải kiểm chứng từ các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và địa lý, song không phải lúc nào “tiếng” Bình Định cũng mang đến cho những người “ngoài” Bình Định cái cảm giác thông suốt mỗi khi nghe một ông bố là người Bình Định giục đứa con mải chơi lúc tàu sắp rời ga: “Meu meu chứ tèu sắp chẹy, trỡ rầu, mèy! (Mau mau chứ tàu sắp chạy, trễ rồi, mày!). Tuy nhiên, nghe riết giọng Bình Định, đâm ra nghiện mất. Tôi là người đã “nghiện” giọng nói ấy, đến mức thành “một nửa” là Bình Định từ hơn 20 năm nay rồi.

Tôi không đồng ý với họ Vũ khi cho rằng giọng Bình Định là “chuẩn nhất”-dĩ nhiên, nhưng chất giọng ấy, mỗi khi “bốc” lên, nghe mới đã làm sao! Hẳn là các tướng lĩnh của Nhà Tây Sơn, khi chinh Nam dẹp Bắc, lúc xung trận, chỉ cần hô “tiến lơn” (tiến lên) thì cả đoàn quân sẽ lao về phía trước, kẻ thù cũng bạt vía kinh hồn. “Đánh cho chúng chích luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn…”. 29 vạn quân Thanh rơi như mít ướt chín cây khi nghe vị anh hùng Quang Trung xướng lên lời hịch ấy, bằng giọng Bình Định của mình. Chất giọng ấy hẳn là được nuôi dưỡng, chắt lọc và hun đúc từ một mạch ngầm của địa tầng văn hóa nghìn xưa chứ không phải tự dưng mà có được.

Giọng Bình Định có “chuẩn” hay không thì còn phải xem lại, nhưng điều này thì chắc chắn: người Bình Định rất rộng lòng hào hiệp. Đã thương, đã quý nhau thì gần như trải lòng ra với người anh em một cách “thiếu kiềm chế”. Nhớ hồi mới về Báo Lao Động, tôi được phân công theo dõi 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Hay tin tôi có mặt tại Quy Nhơn, anh Sáu Kiên bấy giờ là Tổng biên tập Báo Bình Định đã “hành” tôi một phen trối chết. Gặp tôi tại hội chợ, anh hỏi: “Mới vô hử? Viết cho báo Bình Định một bài, héng?”. Vừa nói, ông vừa rút ngay ra … 500 ngàn đồng. Tôi vờ khiêm tốn: “Anh Sáu chơi kẹt em út quá. Em mới vô, có biết chi đâu mà bài với vở!”. “Kệ ông, tui chỉ biết sáng mai phải có một bài về Bình Định. Nè, ông cầm nhuận bút trước đi nè!”. Thời điểm đó, số tiền ấy là quá lớn cho nhuận bút của một bài báo. “Lòng tham” nổi lên, tôi không thể chối từ. Báo hại, đêm đó, trong cơn say lặc lè nhưng tôi vẫn cố “cày” cho bằng được một bài báo như Sáu Kiên đặt hàng, mà “cày” bằng viết tay chứ thời ấy làm gì có laptop như bây giờ! Bắt đầu từ đó, hễ mỗi lần vô Quy Nhơn, nếu trong đầu chưa “ủ mưu” đề tài gì về Bình Định là tôi “trốn” Sáu Kiên, chứ gặp ông ấy, thế nào ông cũng “giao việc” và kèm theo một phong bao nhuận bút “khủng”.

Lại nhớ, có lần tôi và nhà thơ Thanh Thảo đi Quy Nhơn chơi. Ông Năm Hà lúc ấy còn làm Chủ tịch tỉnh, đưa chúng tôi qua Nhơn Hội bằng xuồng máy để giới thiệu “khu kinh tế mới … nổi”. Thanh Thảo chợt nhớ ông bạn vong niên thuở cơ hàn thời còn Nghĩa Bình là ông Trần Hinh nhưng không cách chi để có thể liên lạc được đặng rủ đi cùng vì ông ấy đã “hồi gia” tận Tuy Phước. Thấy Thanh Thảo vò đầu bứt tai, Năm Hà nói ngay: “Chiều nay sẽ có điện thoại cho Ba Hinh!”. Trưa đó, ông Năm Hà “lệnh” ông Trưởng Bưu điện Tuy Phước phải đến tận nhà Ba Hinh để lắp cho ông nhà thơ nhạc sĩ kiêm “lêu lổng sĩ” này một chiếc máy bàn. Gặp chúng tôi, ông Trưởng Bưu điện Tuy Phước miệng méo xệch: “Tui tưởng anh Năm lệnh mắc điện thoại cho ông cán bộ cao cấp trung ương nào chớ, hóa ra là ông Ba Hinh!”. Vì thương quý ông Thanh Thảo nên ông Năm Hà “chiều” luôn bạn của ông Thảo thôi. Người Bình Định là vậy.

Nhưng Bình Định không chỉ có vậy. Sự hào hiệp và lòng hiếu khách của người Bình Định đã thành nơi cưu mang và nuôi dưỡng cho những tài năng lớn. Anh chăn trâu Đào Duy Từ nếu không vào đất Bình Định để “dung thân” thì hẳn sẽ không thành một danh nhân lỗi lạc như thế. Anh Phan Ngọc Hoan nếu không có một tuổi thơ lăn lóc bên những tháp Chàm rêu mốc tại Bình Định- Quy Nhơn thì hẳn là không thể có một thi sĩ Chế Lan Viên mới 17 tuổi đã làm “sửng sốt thi đàn” bằng tập thơ Điêu Tàn kinh dị như thế. Nếu không ám ảnh với tiếng sóng “đêm nào cũng vỗ” bên bãi biển Quy Nhơn cùng mối tình thánh thiện với “nàng Khê” trên đường Cường Để thì hẳn “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn sẽ không có mặt trên đời này để làm mê hoặc bao trái tim từng nếm mùi thất lỡ suốt nửa thế kỷ qua. Nếu không có cái không khí “Có những lúc vui gặp bạn bè mến thương/ nhìn mắt ai cũng sáng” thì hẳn Thanh Thảo sẽ không có sự hối thúc nội tâm để ông đẻ sòn sòn cả chục tập thơ và trường ca sau 10 năm gắn bó với đất Quy Nhơn như thế. Dĩ nhiên, với những nghệ sĩ lớn, không có tác phẩm này thì họ sẽ có những tác phẩm khác, song đất Bình Định-Quy Nhơn như là một sự khơi mở để những con suối tìm về biển lớn.

Nói về người Bình Định không biết đến bao giờ cho hết, nhưng ngần ấy thôi, cũng đã thấy đủ rồi (chứ không phải đủ rầu).

  • TRẦN ÐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hậu phương của lính đảo  (26/01/2013)
Nhà khoa học “nặng lòng” với biển  (26/01/2013)
Kỹ sư trẻ ham mê sáng tạo  (26/01/2013)
“Tôi chỉ là người gom thêm chút lửa…”  (26/01/2013)
Sinh viên Bình Định ở xứ sở “chuột túi”  (26/01/2013)
Thơ  (26/01/2013)
Về đất kinh xưa  (26/01/2013)
Nâng tầm di tích thời Tây Sơn  (26/01/2013)
Ðàn ông đónTết  (26/01/2013)
Điểm đến hấp dẫn  (26/01/2013)
Mới, lạ dàn tang đẩu  (26/01/2013)
Bứt phá bằng sản phẩm mới  (26/01/2013)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2012  (26/01/2013)
Nét đẹp dòng họ hiếu học  (26/01/2013)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (26/01/2013)