Vượt lên trên vẻ hào nhoáng của những thứ bánh kẹo được phủ bên ngoài lớp bao bì sặc sỡ, bóng bẩy của thời công nghiệp, chiếc bánh in thô mộc vẫn có sức sống âm thầm, bền bỉ, qua tháng kia đến năm nọ…
|
Bánh in ngon, cắn một miếng, vị còn đọng mãi trên đầu lưỡi, nhân bánh có vị là lạ thì không hẳn ai cũng làm được.
- Trong ảnh: Bà Nhung đang trộn bột, đường làm bánh. Ảnh: Thu Hà
|
1.
Tại quầy bánh kẹo của mình tại chợ Sân Bay (Quy Nhơn), chị Vân gần như dành hẳn một ngăn riêng để trưng các loại bánh in. Chị bảo, ngày xưa chỉ có bánh in làm bằng bột nếp, bột đậu xanh khô với các loại nhân: mè - đường, mè - bí, hoặc thịt mỡ - mè - đường; thì nay, đã có thêm các loại bánh in khác phong phú từ nguyên liệu đến hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nào là bánh in khô bột nếp - ca cao, bánh in lá dứa, bánh in ướt đậu xanh, đậu đen, bánh in nhân đậu xanh, đậu đen dẻo sên đường. Chị Vân cũng nói rằng, sở dĩ bánh in không bị lép vế trước sự tấn công ồ ạt của các loại bánh ngoại sản xuất công nghiệp, là bởi sự thanh sạch của nó. Cúng dường Phật, cúng người đã khuất, người ta chuộng bánh in bột nếp. Sự cũng có cái lý của riêng nó mà đôi khi chỉ cảm nhận được chứ cắt nghĩa thì hết sức dài dòng. Mà cũng không ai căn vặn làm gì.
2.
Một chiều đầu tháng 11 âm lịch, tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Bích Nhung (13 Đinh Bộ Lĩnh, Quy Nhơn) một bạn hàng bỏ mối bánh in cho chị Vân. Bà Nhung gốc người An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn).
Trong gian bếp nhỏ gọn, dậy mùi nếp, mùi đường quyện lẫn với hương vani thơm dịu, bà Nhung đưa tay thoăn thoắt trộn bột, dện bánh, thủ thỉ: “Đến đời tôi là đời thứ tư làm bánh in rồi đấy. Bà ngoại, rồi đến dì ruột, dì truyền nghề cho chị, chị lại truyền cho tôi. Thời bao cấp, vì khó khổ, tôi nhờ chị dạy cho nghề làm bánh in bỏ chợ. Ngày đi làm, chiều tôi về làm bánh, sáng sớm đi bỏ chợ. Vậy mà đã ngót 20 năm tròn”.
Theo bà Nhung, bánh in dễ ở chỗ ai cũng có thể làm. Song, để có chiếc bánh ngon, cắn một miếng, vị còn đọng mãi trên đầu lưỡi, nhân bánh có vị là lạ thì không hẳn ai cũng làm được. Cái khó chính là chỗ đó. Bánh in là thứ bánh đơn giản, từ thành phần nguyên liệu đến cách thức chế biến. Nhưng có lẽ cũng chính cái đơn giản ấy khiến việc làm sao cho có chiếc bánh ngon trở nên công phu. Mình làm mình ăn ắt phải khác với làm để bán - cho thiên hạ ăn. Bánh in mộc mạc mà tinh tế ở chỗ này đây.
|
Tại quầy bánh của chị Vân, luôn có một khoảng không gian nhất định dành để trưng bày các loại bánh in.
|
3.
Tết nào bà Năm Khương, 76 tuổi, ở đường Biên Cương (Quy Nhơn) cũng lọ mọ một mình chuẩn bị mọi thứ để làm bánh in. Bà vẫn tự tay ngâm nếp, rang nếp, mang đi xay, phơi sương…
Thời bà còn khỏe, hai ông bà thường cùng nhau dện bánh. Bánh làm xong thì phơi nắng cho khô, cứng, để được cả tháng. Ra Giêng, món bánh trái dân dã cúng rằm ở nhà bà vẫn là bánh in. Mà bánh in tháng Giêng, khi đã không còn những thứ thịt thà bánh kẹo ngày Tết nữa, bỗng trở nên ngon đến lạ. Một cái bánh in ăn giữa buổi, với một tách trà bốc khói, sao mà ngon. Bây giờ, ông mất, một mình bà vẫn làm bánh in vào dịp Tết, dẫu chẳng mấy người Tết mà ăn bánh in. Bà làm cũng không nhiều, để cúng ông bà, và cho bà con, hàng xóm, mỗi người một ít. Cho người, mà cũng là cho mình. Tôi hiểu, với bà Năm - bánh không chỉ là chiếc bánh nữa, nó như cách thức, phương tiện nuôi giữ một phần ký ức mỗi người. Dù có là vui buồn, khổ đau thì con người ta vẫn cứ cần và lưu giữ ký ức.
4.
Vậy đó, chiếc bánh in mộc mạc, dân dã bao năm qua vẫn có chỗ đứng riêng của nó. Hôm rồi, tôi ghé chợ Đập Đá (thị xã An Nhơn), thấy quầy bánh in của chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa vẫn đắt hàng như xưa. Chị Hoa là con dâu của bà Sâm, người làm bánh in nổi tiếng ở Đập Đá. Người sành thưởng thức nhất vẫn phải công nhận rằng, bánh in của bà Sâm không lẫn vào đâu được. Ăn một lần, phải cố lần hỏi cho ra để đến mua. Để ăn. Để làm quà biếu. Năm 2003, bà Sâm mất, dặn lại người con dâu đã được bà chọn trao bí quyết làm nghề: “Làm gì thì làm, đừng có bỏ nghề làm bánh in của ông bà mình. Người Bình Định mình, đi đâu thì đi, thể nào ngày giỗ cũng gắng mua bánh in cúng ông bà”’. Bao năm qua, chị Hoa vẫn cố neo lại nghề với niềm tin: Mình không phụ nghề thì nghề không phụ mình.
* * *
Mỗi mùa Tết đến, người đặt mua bánh in càng nhiều. Lớp để dành cúng. Lớp làm quà biếu người đi xa. Bà Nhung bảo, mỗi mùa Tết bà làm cả tấn bột để bỏ cho các bạn hàng và theo đặt hàng của khách xa quê, thậm chí xa cả nửa vòng trái đất. Với họ, vài trăm bánh in mang về nơi xứ người, không đơn thuần chỉ là quà quê, mà gói trọn tấm lòng của người tặng. Để rồi, có ai đó ly hương, đầu xuân thanh thản ngồi bên ấm trà sớm mai, nhâm nhi miếng bánh in, thưởng thức vị thơm, dẻo, ngọt của bánh tan dần trên đầu lưỡi, bỗng nhiên thấy sao gần quê đến vậy.
|