Về núi ăn gạo to
22:44', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch là mùa thu hoạch lúa rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh. Trong hương xuân ngan ngát khắp đất trời, về thăm các bản làng để được hòa vào không khí náo nức “cõng lúa về nhà”, chuẩn bị Tết đến, xuân về.

 

Lúa rẫy chín vàng trên triền đồi ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận).

 

Vui mùa lúa mới

Dọc những con đường bê tông thẳng tắp đến các làng vùng cao là những rẫy lúa vàng rực, chín rộ nằm men theo triền đồi. Chị Đinh Thị Bé, người làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, thoăn thoắt dùng dao cắt từng gié lúa, rồi cột thành bó để bên cạnh. Cầm một gié lúa trên tay, chị Bé giải thích, loại này là lúa bai (hột to, màu đỏ) được dùng phổ biến nhất hiện nay. Còn có loại lúa đá (hột to, màu trắng), loại lúa can, can cồ hoặc áo già hạt nhỏ và dài hơn, nhưng tất cả đều to hơn hột lúa trồng trên ruộng ở miền xuôi. Giống lúa rẫy là loại giống nguyên chủng được lưu giữ từ đời này sang đời khác.

Hằng năm, từ tháng 2 đến tháng 4, trai tráng trong làng đi tìm chọn đất rẫy trỉa lúa. Rẫy được chọn trỉa lúa là rẫy phát lần đầu. Phụ nữ ở nhà phơi khô hạt giống. Chờ mưa xuống, đàn ông cầm dùi đi trước chọt lỗ, đàn bà cầm nắm giống đi sau, bỏ vào trong lỗ rồi lấp đất lại. Lúa rẫy cũng ưa nước, nhưng nằm trên sườn đồi nên chỉ trông vào trời mưa. Mùa trỉa lúa, thu hoạch lúa, cả làng kéo nhau làm hết nhà này đến nhà kia theo kiểu vòng công, đổi công.

Theo tục lệ, các gia đình phải tự để dành giống cho vụ lúa sau. Một cụ già ở làng Cà Te, xã Canh Thuận, kể: “Trước kia, xã Canh Thuận là một vựa lúa rẫy. Thời đó, đất rừng tốt, lúa cho năng suất rất cao, một số nhà dùng không hết, còn dư đem đi bán lấy tiền sắm sanh dịp Tết. Đến mùa thu hoạch, không có bạt để phơi lúa như bây giờ, rẫy nào cũng làm một cái nhà sàn tạm, đứng trên dùng chân đạp gié lúa, lúa rớt xuống dưới, hứng bằng lá chuối hay rơm rạ. Đến giờ, truyền thống trồng lúa rẫy vẫn được duy trì”.

 

Hạt lúa rẫy.

 

Giữ “thần Lúa” ở lại

Với đồng bào Bana, Chăm ở Vân Canh, trồng lúa rẫy không chỉ để lấy gạo ăn, mà còn là một cách gìn giữ phong tục tập quán của cha ông. Bởi vậy, dù một mùa rẫy làm cả năm trời, trong khi trồng lúa nước ngắn ngày hơn, lại cho năng suất cao, nhưng bà con vẫn giữ truyền thống trồng lúa rẫy. Ông Prmak Sinh, 65 tuổi, người làng Hòn Mẻ, xã Canh Hòa, giải thích: “Khi lúa rẫy chín, người làng phải cắt một đám nhỏ trong rẫy và tiến hành làm lễ cúng mừng lúa mới. Phần lúa dùng để cúng không được phơi mà phải đem rang, sau đó giã (bây giờ là máy) thành gạo. Phần còn lại của rẫy lúa sau khi thu hoạch có thể đem phơi, đem máy. Bà con trong làng coi đó là cách cảm ơn “thần Lúa” đã phù hộ có được vụ mùa bội thu”.

Với những người lớn tuổi như ông Sinh, trồng lúa rẫy là cách tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà vì “đó là truyền thống của dân tộc mình”. Còn với lớp người trẻ tuổi như chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, dân tộc Chăm, giáo viên Trường Mẫu giáo Canh Thuận, thì “gạo to” là thứ không thể thay thế khi làm bánh Tết. Chị Thủy cho biết: “Lũ trẻ trong làng rất mê loại bánh in làm từ lúa đá. Lúa được xay thành gạo rồi giã ra thành bột làm bánh. Bánh vừa mịn màng, thơm dẻo, ăn hoài không thấy ngán. Riêng gia đình tôi năm nào cũng làm món cốm gạo đãi khách”.

Vì rằng, lúa rẫy không còn là cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số, nên chuyện được mùa, mất mùa không quyết định sự no đói của những nóc nhà. Năm nay trời ít mưa, gia đình Prmak Sinh chỉ thu được vài bao lúa rẫy, nhưng ông vui vì nhiều lẽ. Ông tính sau khi lúa khô sẽ đem đi xay, làm bánh in, bánh cốm, dư dả nữa thì để dành đãi bạn phương xa - những người luôn cất giữ trong lòng sự thương nhớ hạt gạo màu đỏ, màu trắng và hương vị không thể quên nếu từng được một lần thưởng thức.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai là một trong rất nhiều người Kinh ở thị trấn Vân Canh ưa thích dùng thứ “gạo to” màu đỏ để nấu cơm cho gia đình hằng ngày. Chị Mai chia sẻ, “gạo to” nấu ra hạt cơm mềm, dẻo, béo và thơm, cơm nấu chín để vài ngày cũng chẳng thiu.

  • KIM KHÁNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)
Cái khuôn bánh thuẫn của má  (26/01/2013)
Kỳ thú thác An Lão  (26/01/2013)
Su-27 trực chiến bảo vệ biển trời Tổ quốc  (26/01/2013)
Bình Ðịnh - xứ sở của những lòng người rất rộng  (26/01/2013)
Hậu phương của lính đảo  (26/01/2013)
Nhà khoa học “nặng lòng” với biển  (26/01/2013)
Kỹ sư trẻ ham mê sáng tạo  (26/01/2013)
“Tôi chỉ là người gom thêm chút lửa…”  (26/01/2013)
Sinh viên Bình Định ở xứ sở “chuột túi”  (26/01/2013)
Thơ  (26/01/2013)
Về đất kinh xưa  (26/01/2013)
Nâng tầm di tích thời Tây Sơn  (26/01/2013)
Ðàn ông đónTết  (26/01/2013)