Độc đáo hải sản Quy Nhơn
22:55', 26/1/ 2013 (GMT+7)

Thời gian gần đây, các quán ăn, nhà hàng đặc sản biển đua nhau nở rộ ở TP Quy Nhơn. Chỉ tính riêng trên đường ven biển Xuân Diệu, số quán đặc sản biển đã sơ sơ… bảy chục!

 

Hấp dẫn hải sản Bình Định. Ảnh: TRẦN VĂN

 

Lạ - ngon - rẻ

Nhiều du khách đến TP Quy Nhơn đã rất thích thú khi thưởng thức những món đặc sản biển hội tụ 3 yếu tố: lạ - ngon - rẻ. Phần lớn các hàng quán đặc sản biển trên đường Xuân Diệu do dân “khu 2”, “khu 1” mở ra, nên họ rất am hiểu món ngon vật lạ vùng biển.

Các món lạ xuất hiện ngày càng nhiều trong thực đơn của các hàng quán ở đây; những con cá mặt trời, khế, gà, kỳ hà, bò giống, bò da, sơn gai… chinh phục được nhiều khách sành ăn. Nhìn bề ngoài chúng không đẹp mắt, có con trông còn dị tướng, nhưng qua cách chế biến dân dã như luộc, hấp, hay nướng trên bếp than lại làm cồn cào ruột khách ngồi đợi. Cầm nguyên con cá, gỡ từng miếng thịt trắng, thơm, chấm thêm ít muối ớt, ăn từ từ để thưởng thức cái dai, vị ngọt tan trên đầu lưỡi.  

Hiện nay, “ngôi sao” trong sự lựa chọn của dân nhậu là cá ninja. Hồi mới nghe tên loại cá này, bỗng nhớ về ngày còn bé hay chơi đùa ở khu vực nhà rầm gần Cảng Quy Nhơn, tôi hay tròn mắt nhìn những con cá nhỏ đen thui “phi thân” loang loáng trên mặt nước, rồi bay lên leo đến cả các cột gỗ. Đặc sản cá ninja phổ biến bây giờ là loại cá sống ở khơi xa. Nhà văn Lê Hoài Lương từng miêu tả: “Ngó tận mắt con cá, thấy nó lạ thiệt. Da trơn như cá chình, dài cỡ hai gang tay, lưng đen tuyền, đầu giống chạch cui có ria ngắn, đuôi kết thúc đột ngột bè ra chằn chặn như đuôi hải cẩu. Nhìn thoáng chẳng thấy mắt mũi gì vì nó quá nhỏ. Ninja. Đúng rồi, đen từ mặt xuống chân, và đầy bí ẩn. Thêm lạ nữa, nó không có xương sống mà chỉ là lõi sụn trắng, quanh lõi này nhiều búi gân nhỏ hỗ trợ. Làm cá chỉ mổ bỏ ruột rồi cắt khúc, da cá ăn béo ngon như da cá chình. Chế biến cá ninja có thể nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là um và nướng”.

 

Có vẻ “dị tướng”, nhưng những con cá lạ như cá khế và cá kỳ hà lại rất ngon. 

 

Ngoài các món lạ, khi đến Quy Nhơn, du khách còn thêm phần ấn tượng khi được ăn các loại hải sản cao cấp với giá cả phải chăng. Nguồn hải sản tươi, phong phú được các chủ quán thu mua trực tiếp từ ngư dân, giảm các khâu trung gian nên giá khá “mềm”. Bên cạnh đó, phần lớn các quán đều chịu khó đáp ứng theo khẩu vị của khách. Ông Đinh Văn Mẫn, chủ quán Chín Mẫn (84 Xuân Diệu), tiết lộ: “Tôi luôn lắng nghe nhận xét của khách sành ăn để chọn loại hải sản tươi ngon, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Cá mú sống tự nhiên thịt săn chắc hơn cá mú nuôi. Ngược lại, cá hồng trong tự nhiên có lẽ do thiếu thức ăn nên không béo bằng cá hồng nuôi. Cá bớp cũng vậy, loại cá nuôi khi nướng liền thì chảy mỡ đến tắt cả bếp than, bốc mùi thơm lừng. Mực một nắng thì phải chọn đúng loại còn tươi óng ánh, ngư dân treo trên thuyền phơi từ sáng đến chiều để nắng không làm cho thịt chín mà rút dần. Khi ăn, chỉ cần nướng nhẹ, xé nhỏ để trộn gỏi cùng chanh, xoài, rau thơm là… bá cháy!”.

Quán “độc” ở Nhơn Lý

Nếu chưa thỏa mãn với hàng trăm quán đặc sản biển giữa lòng Quy Nhơn, du khách muốn tìm quán “độc” có thể ngược ra xã bán đảo Nhơn Lý, nơi có quán Hướng Dương nổi tiếng. Điểm hấp dẫn nhất ở đây chính là những con cá, con ốc ở các gành đá của thắng cảnh Eo gió tuyệt đẹp.

Khách đến quán có thể thưởng thức nhiều loại ốc biển lạ, từ ốc nón, ốc ngựa, ốc mặt trăng, ốc trinh nữ đến những loại được xếp vào hàng đặc sản “mới nghe đã thèm” như bào ngư, vú nàng… Anh Đinh Văn Xin, chủ quán Hướng Dương, cho biết: “Mười mấy năm đi biển nên tôi biết nhiều loài cá, đồng thời luôn tìm tòi những món ăn mới từ những loại cá lạ. Như con cá tà ma sống trong gành đá, người ta hay nói khôn lanh như quỷ như ma. Nó có răng hàm, câu cước lớn không được mà câu cước mảnh mới ăn, nhưng cũng chỉ câu được ít con cỡ chừng 7-8 lạng. Hay như cá ngâu sống ở những rặng san hô, có mình xanh, sọc sặc sỡ như cá cảnh nên ban đầu người ta ngại ăn, nhưng mình mua về chế biến thử thấy ăn rất ngon…”. 

 

Đặc sản vú nàng nướng trên bếp than thơm lừng.

 

Chị Nguyễn Thị Hà, đầu bếp chính của quán Hướng Dương, chia sẻ bí quyết chế biến: “Con cá tà ma thịt thơm, dai, béo có thể hấp, nướng, hay nấu mặn đều ngon. Cá ngâu cắt lát thịt trắng, ướp sả ớt nướng, ăn ngọt, béo. Con nhum mùa này hiếm, nên chỉ lấy gạch ra để dành trong tủ lạnh, nấu cháo rất ngọt; mùa hè thì nhiều hơn, chủ yếu là ăn sống với mù tạt”.

Quán Hướng Dương vừa sửa sang lại đẹp hơn, xây mới mấy phòng tắm nước ngọt để phục vụ khách đi tắm biển Eo gió. Đây thật sự là một điểm hẹn lý tưởng cho những người thích khám phá những điều mới lạ…

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về núi ăn gạo to  (26/01/2013)
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)
Cái khuôn bánh thuẫn của má  (26/01/2013)
Kỳ thú thác An Lão  (26/01/2013)
Su-27 trực chiến bảo vệ biển trời Tổ quốc  (26/01/2013)
Bình Ðịnh - xứ sở của những lòng người rất rộng  (26/01/2013)
Hậu phương của lính đảo  (26/01/2013)
Nhà khoa học “nặng lòng” với biển  (26/01/2013)
Kỹ sư trẻ ham mê sáng tạo  (26/01/2013)
“Tôi chỉ là người gom thêm chút lửa…”  (26/01/2013)
Sinh viên Bình Định ở xứ sở “chuột túi”  (26/01/2013)
Thơ  (26/01/2013)
Về đất kinh xưa  (26/01/2013)
Nâng tầm di tích thời Tây Sơn  (26/01/2013)