Lò bánh tét bà Xê nằm sát Bàu Sen (tổ 39, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), nơi được coi là “thủ phủ” bánh chưng, bánh tét ở Quy Nhơn. Bà Xê tên thật là Phan Thị Xê, năm nay 53 tuổi, gần 30 năm gắn bó với bánh chưng, bánh tét.
|
Bà Xê đang gói bánh chưng, bánh tét cho khách đặt hàng.
|
Gia đình bánh tét
30 năm ấy, từ một cô bé mỗi tờ mờ phải gánh 2 thúng đầy bánh chưng, bánh tét của nhà làm rảo khắp phố thị Quy Nhơn để bán, tối về lại lao vào phụ cha mẹ làm bánh, bà Xê đã tạo dựng được thương hiệu riêng cho mình. Bánh chưng, bánh tét Bà Xê giờ đây không chỉ nổi tiếng đối với người dân Quy Nhơn mà còn được ưa chuộng ở các tỉnh lân cận.
Năm 20 tuổi, bà Xê đi lấy chồng, với “của hồi môn” là nghề làm bánh tét mẹ dạy để làm kế sinh nhai. Bà nhớ lại: “Thời đó, bánh làm ra phải tự mang đi bán, chứ có mấy ai đến đặt đâu. Thấy nghề khổ quá lại bấp bênh nên tôi có ý định bỏ nghề. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bỏ nghề rồi thì lấy gì lo cho gia đình, con cái ăn học. Tôi cứ nghĩ mãi phải làm sao để gắn bó với nghề mà bớt cực hơn, ban đầu chỉ đơn giản vậy đó!”.
Giờ đây, làm bánh chưng, bánh tét trở thành nghề chính của gia đình bà. Bánh ngon, tạo được uy tín với khách hàng, bà Xê không còn phải mang bánh đi bán dạo nữa mà khách đã tìm đến tận nhà hoặc gọi điện thoại đặt bánh. Ngày nhiều vài trăm bánh, ngày ít vài chục bánh, công việc của gia đình bà dần ổn định.
Gầy thương hiệu
Thế nhưng, để khách hàng tin tưởng đến đặt bánh là cả một quá trình gầy dựng thương hiệu, tạo uy tín theo cách chất phác, thật thà của bà Xê. Bà nhớ lại: “Cả ngày mang bánh đi bán dạo, đêm về, tôi cứ trăn trở, làm sao để người ta tìm đến đặt bánh, chứ cái cảnh bánh làm ra rồi mang đi bán dạo khắp chợ, bến xe thì không ổn. Tôi quyết định đặt chất lượng lên hàng đầu, dù lời ít hay thậm chí huề vốn cũng làm. Lá chuối gói bánh, nếp, đậu, thịt, tôi lựa loại tốt nhất để mua làm bánh. Không chỉ làm bán, tôi còn làm bánh để tặng cho người thân, bạn bè vào các dịp cưới hỏi, giỗ chạp, tiệc tùng…”.
“Cả ngày mang bánh đi bán dạo, đêm về nằm tôi cứ trăn trở, làm sao để người ta tìm đến đặt bánh, chứ cái cảnh bánh làm ra rồi mang đi bán dạo khắp chợ, bến xe thì không ổn”.
Bà PHAN THỊ XÊ |
Bà tiếp thị sản phẩm của mình một cách rất thực tế và hiệu quả. Kết quả, nhiều người ăn bánh thấy ngon bèn chỉ nhau, tìm đến nhà bà đặt bánh. Khách hàng đến đặt bánh ngày càng nhiều. Không chỉ khách lẻ, các tiểu thương ở chợ mà cả những cửa hàng, nhà hàng, khách sạn lớn ở Quy Nhơn cũng lấy bánh chưng, bánh tét từ lò bà Xê để bán sỉ, bán lẻ và phục vụ thực khách. Thậm chí, khách hàng ở Sài Gòn hoặc các tỉnh khác gọi điện đặt bánh để gửi xe khách. Và mỗi lần như thế, dù ít hay nhiều bà cũng không bao giờ từ chối.
Gói bánh đã cực, làm thương hiệu còn cực hơn. Bà Xê bày tỏ: “Bây giờ còn phải lo thêm việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp núc phải tinh tươm sạch sẽ, kể cả lúc gói bánh, nấu bánh… Dù cực mấy tôi cũng không ngại, miễn sao đưa đến khách hàng những chiếc bánh ngon nhất, để không phụ lòng tin tưởng của khách hàng”.
Nhờ tạo được thương hiệu, uy tín, cứ vào dịp Tết, từ quãng 25 đến ngày 29 tháng Chạp, lượng khách tìm đến đặt bánh nhiều, lò bánh tét bà Xê nổi lửa suốt ngày lẫn đêm. Thời điểm này, mỗi ngày lò của bà Xê cho ra khoảng 2.000 chiếc bánh chưng, bánh tét, dùng khoảng 1 tấn nếp, 200kg đậu xanh, vài chục ký thịt ba chỉ. Để kịp giao hàng cho khách, bà phải thuê thêm 30-35 nhân công phụ việc.
|