Neo đậu cùng đời chợ
10:32', 27/1/ 2013 (GMT+7)

Trước khi được kêu đi làm, má gánh hàng ra chợ bán. Mùa nóng, má bán chè nước, mùa lạnh má bán chuối chiên, khoai lang chiên… Gánh hàng của má nhỏ nhoi khuất sau dãy hàng đồ khô. Má phải ngồi chỗ đó để đỡ được tiền thuế chợ. Hàng má bán ngon và rẻ nên dù ngồi khuất vậy mà bán mau hết lắm!

Năm 1982, má được nhận vô làm ở Trường Kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn (bây giờ là Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn). Vậy là khỏe rồi! Có lương, có được hàng phân phối rồi! Là thoát khỏi cảnh bám chợ, chạy ăn từng bữa cho gia đình một mẹ ba con đang tuổi ăn sức lớn.

Tưởng đi làm Nhà nước ngày tám tiếng quần áo phẳng phiu tới cơ quan làm việc, ai dè… Cái số má nó vậy! Bên bộ phận hành chính đã đủ người. Còn giảng dạy má đâu có nghiệp vụ? Hồi đó người ta hay giễu câu này: “Tay ôm túi bạc kè kè. Tưởng là cán bộ ai dè… chị nuôi!”. Kệ! Má chặc lưỡi. Vậy là má làm chị nuôi.

Má phụ trách bếp ăn tập thể của cả giáo viên lẫn học sinh đến hơn ba trăm người, nên rất cực. Đã vậy, tiêu chuẩn ăn của mỗi người một tháng chỉ 12 đồng, vị chi một ngày có 4 hào. Được cái má tính toán, thu vén rất khéo nên bữa ăn tập thể trong mấy năm má làm chị nuôi luôn tươm tất. Má nhận tem phiếu của thầy cô, học sinh rồi sổ phân phối thực phẩm của nhà trường, xếp hàng ở quầy thịt, quầy rau… từ 3 - 4 giờ sáng. Thường, má phải đi rất sớm lại phải qua tới mấy cửa hàng mới kịp có đồ đem về nấu nướng. Má hay đánh thức tôi dậy để cùng đi.

Tôi còn nhớ như in những sớm mùa đông trời lạnh ngắt, hai mẹ con co ro rời nhà để ra chợ. Đường sá vắng hoe nên chợ cũng chưa đông. Chỉ trước các quầy bán hàng tem phiếu là cả dãy người xếp hàng. Có lần đang xếp hàng tôi bỗng thèm ly cà phê, đặt viên gạch giữ chỗ. Ai dè lúc quay lại bị mất chỗ. Má xách một giỏ nặng rau củ ra chỗ bán thịt, thấy tôi ngơ ngác đứng trước quầy thịt  đã để bảng “Hết hàng” . Bữa đó, má phải bù tiền mua thịt ngoài giá cao, đau điếng.

Hàng tem phiếu làm sao đủ cho những bữa ăn bốn hào? Má phải đạp xe như con thoi giữa các chợ trong thành phố này để mua thêm thức ăn. Tôi cũng thường đạp xe theo để chở đồ giúp má. Má xuống bến thuyền, đón các ghe vừa cập bến để mua được cá tươi với giá rẻ. Má lên tận vườn rau để mua bí, bầu nấu canh, dưa cải già về muối chua thêm món ăn phụ cho thầy trò.  Má nói, rau trái ở vườn bán theo giá sỉ, mình dễ mua.

Và cứ thế, một ngày mấy lần má con tôi đi chợ. Chợ đã là nơi thiết thân, gắn kết với cuộc sống của má con tôi hơn mười năm trời. Giờ, nhiều năm đã trôi qua. Má đã qua đời. Nhưng ký ức về những tháng năm đời má con tôi neo đậu cùng đời chợ, không thể nào quên!

  • ÐỖ NGỌC HOÁNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những “nhịp cầu” của đặc sản Bình Định  (27/01/2013)
Qua miền dưa cà mắm muối…  (27/01/2013)
Bánh tét Bà Xê  (26/01/2013)
Độc đáo hải sản Quy Nhơn  (26/01/2013)
Về núi ăn gạo to  (26/01/2013)
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)
Cái khuôn bánh thuẫn của má  (26/01/2013)
Kỳ thú thác An Lão  (26/01/2013)
Su-27 trực chiến bảo vệ biển trời Tổ quốc  (26/01/2013)
Bình Ðịnh - xứ sở của những lòng người rất rộng  (26/01/2013)
Hậu phương của lính đảo  (26/01/2013)
Nhà khoa học “nặng lòng” với biển  (26/01/2013)
Kỹ sư trẻ ham mê sáng tạo  (26/01/2013)
“Tôi chỉ là người gom thêm chút lửa…”  (26/01/2013)