Nhiều người gọi những căn nhà được xây nên từ sự hỗ trợ kinh phí và chung tay giúp đỡ của cộng đồng là những mái ấm xây góp. Những mái ấm ấy không chỉ là sự chung tay góp của, góp công, mà còn gói vào đó cả tình thương, hạnh phúc và niềm tin vào cuộc sống.
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo. Ảnh: THANH TOÀN
|
Niềm vui lan tỏa
Theo chân ông Phạm Minh Thương, khu vực phó khu vực 7, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tôi tìm đến nhà của gia đình ông Phạm Văn Thành. Căn nhà lọt thỏm trong con hẻm nhỏ xíu, 2 xe máy đi ngược chiều không dễ gì tránh nhau. Ngôi nhà có diện tích sàn vỏn vẹn 24m2. Để tăng diện tích sử dụng, chủ nhân của nó phải cố gắng làm thêm gác lỡ bằng những mảnh ván cũ ghép lại. Gạch lát nền cũng là tận dụng nên có đến 4 màu khác nhau.
Từng là lính hậu cần của Quân khu 5, sau khi giải ngũ, ông Thành trở về sống trên mảnh đất cha mẹ để lại. Ròng rã hai mươi mấy năm trời, ông giăng bạt, xếp tôn ké hai bức tường nhà hàng xóm để dựng túp lều tạm bợ sống qua ngày. Năm nay đã 53 tuổi, bị bệnh huyết áp cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn không rời nghề thợ mộc bấp bênh. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dưỡng Em cũng đau yếu quanh năm, nhưng sáng sáng vẫn cố gắng đi gánh cá thuê ở bến cá Hàm Tử. Cảnh nhà càng khó khăn hơn khi hai đứa con bắt đầu đi học; con gái của ông bà giờ đã học lớp 9, con trai học lớp 3.
Chi phí làm nhà chỉ vỏn vẹn có 40 triệu đồng, trong đó có 10 triệu đồng được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hải Cảng hỗ trợ, 10 triệu đồng vay qua kênh Hội phụ nữ, còn lại là mượn hàng xóm. “Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của mọi người, chắc chắn giờ này gia đình tôi vẫn ở trong túp lều tạm bợ ấy. Nhà cửa giờ chẳng tiện nghi như ai, nhưng đã sạch sẽ, mùa mưa này chẳng sợ dột ướt, thế cũng là hạnh phúc lắm rồi!”, bà Em xúc động nói.
Nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện an cư cho rất nhiều hộ nghèo như gia đình ông Thành. Chỉ tính riêng năm 2012, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xuất Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ cứu trợ tỉnh để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.199 ngôi nhà cho người nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 14,8 tỉ đồng. Ngoài ra, đã có 338 nhà tình nghĩa được xây dựng cho gia đình chính sách khó khăn, với kinh phí hơn 11 tỉ đồng; có 982 nhà đang được triển khai xây dựng theo Quyết định 167, với số tiền 11,79 tỉ đồng.
|
Bà Nguyễn Thị Dưỡng Em trong căn bếp mới. Ảnh: N.V.T
|
Nhân rộng sự sẻ chia
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã thu hút sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tổ chức như Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Bộ đội biên phòng, Tỉnh đội, Công an tỉnh… Bên cạnh đó, giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực tham gia hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như, trong năm 2012, Công ty TNHH MTV Vinpearl hỗ trợ 284 nhà, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh KCN Phú Tài hỗ trợ 30 nhà, đều với mức 30 triệu đồng/nhà.
Theo ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, một điều đáng ghi nhận qua chương trình hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo là sự vào cuộc của cả cộng đồng. Ngoài khoản hỗ trợ ban đầu của nhà tài trợ, mỗi căn nhà được xây nên đều có sự chung tay của các đoàn thể, chính quyền địa phương và sự góp của, góp công của hàng xóm láng giềng, bà con họ hàng. Vì thế, sức lan tỏa của chương trình ngày càng lớn.
“Tuy nhiên, để huy động sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp, chúng tôi đã tính đến việc thay đổi cách thức hỗ trợ. Vai trò của các nhà tài trợ sẽ được tăng cường, họ không chỉ hỗ trợ kinh phí mà còn trực tiếp tham gia giám sát quá trình xây dựng, nghiệm thu và bàn giao nhà ở. Tổ chức Mặt trận chỉ đóng vai trò cầu nối, xét chọn đối tượng cần hỗ trợ để giới thiệu cho nhà tài trợ. Cách làm này vừa “giảm tải” cho Mặt trận các cấp, vừa góp phần tăng niềm tin cho các nhà tài trợ”, ông Dũng phân tích.
|