Vườn mai ông Trực
10:15', 27/1/ 2013 (GMT+7)

Với những khả năng nuôi mai lớn khỏe, phát triển nhanh gấp 2-3 lần bình thường, ông Lương Văn Trực - ở thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát đã được tôn vào hàng bậc thầy trong nghề. Lớn rất nhanh, đế to, vững, bông nhiều - đều, cánh kín - dày, sắc hoa đậm, nền nã là những ưu điểm của “mai ông Trực”.

 

Vợ chồng ông Trực xem cây như người thân, có việc đi đâu xa, về đến nhà là hai người lo thay đồ rồi ra vườn ngay. Ảnh: BÁ PHÙNG

 

Duyên nghiệp tình cờ

Lúc mới về với nhau, vợ chồng ông Lương Văn Trực - bà Trần Thị Ơn chưa bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ chuyển sang nghiệp trồng mai xuân và gắn bó với cây mai đến như hôm nay. Nhưng duyên nghiệp tình cờ với một cậu em có nghề trồng mai khiến họ theo nghề và dần dần tự mình dựng nên riêng cơ nghiệp với danh tiếng “mai ông Trực”. Bà Trần Thị Ơn cho biết: “Toàn bộ thời giờ dành hết cho cây mai… Giờ nuôi cây mai, cho mai ăn có khi còn thuần thục hơn làm ruộng đó!”.

Khởi nghiệp với 300 hột mai giống xin của bạn bè từ làng mai Háo Đức, giờ đây ông bà đã có một vườn mai hạng nhất trong tỉnh với khoảng 3.000 cây từ 5 tuổi trở lên, đã vào chậu, chứ chưa kể đến những hạng cây non, ít tuổi hơn. Mai trùng trùng mai từ cổng vào đến hiên nhà. Mai bạt ngàn chạy dài ra đến lũy tre sau lưng nhà, mai hàng hàng lớp lớp ra đến bờ sông lượn cong, ôm lấy lưng vườn.

Đưa tôi đi thăm vườn mai, giới thiệu những thế cây đặc sắc, những cây mai có đế choãi rộng vững chãi, bề thế... ông Trực cho biết: “Người chơi cây cảnh, nhất là mai, không ai giống ai. Đã chơi rồi thì ai cũng muốn gởi vào đó cái ý của riêng mình. Mình là nhà vườn, trồng cả vài ngàn chậu phải biết nuôi cây theo một vài cái “phom”, cái mẫu chuẩn, ai nhìn cũng tạm thích. Tạm thích một vài điểm chính thôi, khi mua cây của mình về, họ có thể chuyển dáng, làm lại chi, sửa lại ngón theo ý dễ dàng. Phần mình đầu tư nhiều nhất, nuôi dưỡng nhiều nhất là phần không thể chuyển, sửa đó là bộ đế”.

Nuôi mai và… chọn người bán

Điều khác thường là trong suốt câu chuyện với tôi, khi nói về công việc tưới nước, bón phân, chăm sóc cây mai, cả ông lẫn bà đều dùng những từ như “nuôi”, “cho ăn”, giống như chăm sóc con cái vậy. Và điều khiến tôi bất ngờ là ông khá cởi mở và gần gũi, sẵn sàng chia sẻ mọi thắc mắc, cũng như bí quyết để cho ra một cây mai đẹp. Tỉ như, đất để trồng mai, ông mua về và ủ cả năm mới đem ra dùng, sử dụng kết hợp với nhiều loại phân cho từng thời điểm và cả việc giữ độ ẩm cho cây. Ví như những ngày này, ông chú ý nhiều đến việc chăm sóc bộ áo cho mai, bởi tiết trời này sự thận trọng sẽ quyết định đúng thời điểm ra hoa và chất lượng hoa... Cả vườn mai gần 3.000 gốc nhưng vợ chồng ông Trực tự tay chăm sóc, ngay cả thời điểm chuẩn bị phục vụ tết. Ông tâm sự: “Tự tay làm tôi mới ưng bụng được. Mấy năm trước cũng có thuê người làm, nhưng không ưng bụng lắm, thế nên mình tự tay chăm mai cho an tâm”.

Vợ chồng ông Trực xem cây như người thân, có việc đi đâu xa, về đến nhà là hai người lo thay đồ rồi ra vườn ngay. Bà Ơn cười: “Ổng chăm riết rồi đâm ra thương mấy chậu mai ghê lắm. Mình trồng mai là để bán, nhưng mỗi khi bán những cây đã ở với mình nhiều năm là ổng lại buồn, moi đất buộc bao làm bầu đất cho cây đặng người ta chuyển đi mà ổng cứ xuýt xoa, bịn rịn”. Nghe vợ “hạch tội” ông Trực chỉ cười…

***

Năm nay, ông Trực đã chấm khoảng 700 gốc mai tầm giá từ 3 triệu đến 10 triệu đồng/chậu để chuẩn bị cho vụ mai tết. Sau đó tùy vào tình hình cụ thể sẽ lọc lại còn độ 500 chậu để chuyển đưa ra bán ở thị trường phía Bắc. Đầu tháng Chạp đã có một số người điện hỏi thăm nguồn hàng. Năm nay thời tiết thất thường, nắng to mưa ít, nhiều vườn mai đã trổ sớm, trong khi đó, vườn mai của ông Trực vẫn ổn định nhờ bộ áo lá dày đều. Cây mai vàng của vườn ông Trực sẽ góp phần làm vang danh thương hiệu mai Bình Định khắp đất nước .

  • Kiều Anh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tình thương từ những mái nhà  (27/01/2013)
Neo đậu cùng đời chợ  (27/01/2013)
Những “nhịp cầu” của đặc sản Bình Định  (27/01/2013)
Qua miền dưa cà mắm muối…  (27/01/2013)
Bánh tét Bà Xê  (26/01/2013)
Độc đáo hải sản Quy Nhơn  (26/01/2013)
Về núi ăn gạo to  (26/01/2013)
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)
Cái khuôn bánh thuẫn của má  (26/01/2013)
Kỳ thú thác An Lão  (26/01/2013)
Su-27 trực chiến bảo vệ biển trời Tổ quốc  (26/01/2013)
Bình Ðịnh - xứ sở của những lòng người rất rộng  (26/01/2013)
Hậu phương của lính đảo  (26/01/2013)
Nhà khoa học “nặng lòng” với biển  (26/01/2013)