Hòa “lùn” - người trồng sanh xứ cát
14:4', 27/1/ 2013 (GMT+7)

Trong giới cây cảnh ở Bình Định, nhưng không mấy người có được thương hiệu riêng như anh Trần Đình Hòa (SN 1967, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Hỏi anh về chuyện “giang hồ cây cảnh” phong “vua sanh xứ Cát  Tiến”, anh cười “họ nói đùa cho vui đấy, đừng có viết lên báo, tui dị lắm đó !”.

 

Cây sanh “Vòi bạch tuộc” này đã được nhiều người ngỏ ý mua nhưng anh giữ lại để chơi, không bán. Ảnh: VĂN LƯU

 

Từ mê sanh...

mê cây cảnh từ thời niên thiếu, nghe ở đâu có cây đẹp là Hòa sẵn sàng đạp xe cả chục cây số, tìm đến ngắm. Sau khi kinh qua đủ thứ nghề: làm ruộng, làm vườn; làm trai bạn đi biển, chạy xe ôm, làm thuê…, năm 28 tuổi, anh Hòa quay lại với ruộng vườn, và gắn bó với nghiệp trồng cây cảnh.

Ngày ấy, vùng Cát Tiến heo hút như một chốn “thâm sơn cùng cốc”. Anh Hòa chọn cây sanh bởi lẽ cây sanh dễ sống, dễ chăm sóc, không cần nhiều vốn, được nhiều người ưa chuộng.

Thời ấy, người ta thường đi lùng cây sanh đẹp trên núi cho mau có chơi hoặc gieo hạt để nhân giống để được nhiều cây thì anh Hòa lại nhân giống bằng cách chiết cành, giâm cây. Ngay lúc ấy và liền mấy năm sau đó, nhiều người cho rằng thằng Hòa “liều mạng”, trồng trên đất tốt còn chưa ăn, ai lại đi trồng sanh bằng... cát mà lại là ở cái xứ cát bay cằn cỗi, khắc nghiệt như Cát Tiến, sáng tưới trưa khô. Chính anh, cũng đôi lúc nghĩ lại cũng giật mình vì cái sự mạo hiểm của mình. Song, chính niềm say mê và bản tính chịu khó, ham học hỏi, anh Hòa vẫn vững tin. Vừa chăm sanh khỏe, vừa tạo dáng cho cây, anh vừa làm cái việc mà không mấy người trồng cây cảnh lúc ấy tính đến - chọn lọc giống.  Một thời gian sau, khi đã chọn được giống sanh ưng ý, có nhiều ưu điểm, đáp ứng được các điều kiện: bộ rễ khỏe, mau lớn, lá nhỏ, thân sần sùi... anh Hòa tập trung phát triển độc nhất giống sanh này và nghĩ đến chuyện làm thế nào để nhiều người biết đến sản phẩm mình làm ra. 

... đến thương hiệu “Hòa lùn”

“Luôn ao ước được giao lưu với những “tay cảnh” đẹp để được học hỏi nên năm 1997, khi giao thông đã thuận lợi hơn, tôi quyết định đưa cây về dự Triển lãm sinh vật cảnh của tỉnh. Từ những cuộc gặp gỡ như vậy, tôi hiểu mình còn thiếu gì, cái gì cần bổ khuyết, điều chỉnh, cần phải làm gì để có nhiều thế cây đẹp, độc và được nhiều người biết đến hơn. Và đặc biệt việc giao lưu rộng khắp giúp tôi nắm bắt nhanh, chính xác thị trường đang cần thứ gì”, anh Hòa chia sẻ.

Chuyện có người trồng sanh trong môi trường thuần cát, khi ấy thu hút sự chú ý của khá nhiều người. Và cũng từ lúc đó, thương hiệu sanh Hòa “lùn” bắt đầu được giới hâm mộ cây cảnh trong và ngoài tỉnh biết đến. Ông Nguyễn Duy Quý - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, nhận xét: “Hòa “lùn” là người trồng sanh nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn cả  nước. Điểm đặc biệt của Hòa là chọn lọc, tuyển được giống sanh đẹp, có nhiều ưu điểm, thứ nữa là việc sáng tạo ra cách trồng sanh trên cát. Lạ và thú vị lắm, những nghệ nhân ngoài Bắc nhắc đến anh ấy thường tâm đắc với kỹ thuật này…”.

Ít người biết rằng anh rất tỉ mỉ khi chọn cát. Đó phải là thứ cát tròn, không quá nhỏ, thuần cát, ít tạp (phèn, hạt cỏ, mùn...). Để có được loại cát như ý, anh thường lấy cát sau những cơn mưa, hoặc lấy cát về sau đó đích thân anh đãi - rửa trong vườn. Đưa tôi đi thăm vườn sanh của mình, anh Hòa giải thích: “Cây của tôi phần lớn là dáng thấp nhưng gốc rễ bề thế, chi khỏe theo đúng chuẩn “đầu voi đuôi chuột” vì tôi lấy thân chính đổ ngang làm nhánh rồi chọn một nhánh khác để làm thân, còn gọi là “lấy chủ làm chi”. Cây mau lớn phần vì  giống tốt, phần vì mình đã đúc kết được kỹ thuật chăm sóc tối ưu”.

Hai năm nay, trong khi thị trường sanh gần như đã “đóng băng” nhưng giới hâm mộ cây cảnh vẫn thường xuyên lui tới vườn sanh của Hòa lùn để mua cây. Những khách hàng lớn ngoài Bắc vẫn giữ liên lạc thường xuyên với anh.

Anh Hòa cho biết: “Hiện trong vườn nhà, chỉ tính riêng số sanh 6 - 10 tuổi thôi đã có khoảng 500 chậu. Trước đây, trong giai đoạn 2007-2010, mỗi năm tôi xuất vườn hàng trăm chậu, thu về tiền tỉ. Hai năm nay, kinh tế khó khăn, hầu hết các vườn sanh trong tỉnh đều đứng sựng, không mua bán được bao nhiêu. Riêng tôi có đỡ hơn một chút nhưng cũng chỉ được chừng 50 chậu thôi. Năm nay, tuy bán chỉ chừng 20 chậu nhưng được cái toàn là cỡ trung trở lên”.

Khởi nghiệp với mảnh vườn rộng 300m2, năm 2005, anh mở rộng thêm khu vườn thứ hai gần nhà với 600m2. Năm 2011, anh mua khu vườn thứ ba rộng 1.200m2 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến, rót vốn vào để làm vườn sanh dù thị trường sanh đã chững lại. Hỏi sao anh lại... liều thế, anh cười ý nhị - “Cái hồi chưa ai làm, mình nghèo xơ mà đã dám trồng, giờ khá hơn nhiều, người hâm mộ cây cảnh đông hơn nhiều, cây vẫn có người mua, sao lại gọi là liều!”.

Năm 2012, anh Trần Đình Hòa được UBND tỉnh tặng Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2007-2011; Trung ương Hội Sinh vật cảnh tặng Bằng khen do những thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển phong trào sinh vật cảnh tỉnh 2011.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Giữ lửa” cho làng nghề  (27/01/2013)
Vườn mai ông Trực  (27/01/2013)
Tình thương từ những mái nhà  (27/01/2013)
Neo đậu cùng đời chợ  (27/01/2013)
Những “nhịp cầu” của đặc sản Bình Định  (27/01/2013)
Qua miền dưa cà mắm muối…  (27/01/2013)
Bánh tét Bà Xê  (26/01/2013)
Độc đáo hải sản Quy Nhơn  (26/01/2013)
Về núi ăn gạo to  (26/01/2013)
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)
Cái khuôn bánh thuẫn của má  (26/01/2013)
Kỳ thú thác An Lão  (26/01/2013)
Su-27 trực chiến bảo vệ biển trời Tổ quốc  (26/01/2013)
Bình Ðịnh - xứ sở của những lòng người rất rộng  (26/01/2013)