Họ là những nông dân nhạy bén với cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, SXKD đạt hiệu quả cao, đồng thời tích cực tham gia hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống…
“Vua heo” ở Hoài Ân
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi hiện đại, ông Hoàng Anh Dũng, ở thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) - người được mệnh danh “vua heo” ở vùng đất trung du này - đã kể cho chúng tôi nghe công việc làm ăn của mình: “Năm 2002, tôi đã thuê 2 ha đất ở xã Ân Tường Đông để xây dựng trang trại nuôi heo hướng nạc. Sau đó, tôi vừa chăn nuôi vừa kiêm luôn nghề thu mua heo thịt đưa đi tiêu thụ ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Nhận thấy phong trào chăn nuôi heo ở địa phương phát triển mạnh, nhu cầu về thức ăn cho gia súc tăng cao, tôi không thu mua heo nữa mà mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi và tập trung đầu tư chăn nuôi heo theo quy trình khép kín. Năm 2012, gia đình tôi doanh thu gần 20 tỉ đồng từ tiền bán heo và thức ăn gia súc…”.
|
Ông Hoàng Anh Dũng chăm sóc heo.
|
Ông Dũng tự tay lái chiếc ô tô con bóng lộn đưa chúng tôi đi thăm trang trại heo cách nhà khoảng 2 km. Trang trại nằm khuất trong rừng keo xanh. Trên diện tích 2 ha, ông xây dựng 3 dãy chuồng, thiết kế phù hợp cho từng loại heo khác nhau. Chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi khá hiện đại. Bởi vậy, tuy nuôi 40 heo nái và hàng trăm con heo thịt, nhưng ông chỉ cần một lao động trông coi và chăm sóc. Heo con sinh ra ông giữ nuôi thịt. Khẩu phần ăn đầy đủ, việc tiêm vác-xin phòng chống dịch bệnh cho heo được thực hiện nghiêm ngặt, nên đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ vậy, nghề nuôi heo của gia đình ông Dũng phát triển bền vững, thu nhập luôn ổn định.
Người đa năng ở Tây Sơn
Ông Hồ Thành Tâm, ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), là điển hình về tinh thần trách nhiệm, ý chí và quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu. Năm 1997, tai họa lại ập đến với gia đình ông Tâm khi vợ ông bị tai nạn giao thông mang thương tật nặng. Một tay ông vừa lo chuyện đồng áng, lại vừa chăm sóc vợ và con nhỏ. “Với tôi, thương yêu vợ, con là phải thể hiện bằng hành động cụ thể” - ông tâm sự.
|
Ông Hồ Thành Tâm (người bên phải) đang bán thức ăn gia súc cho người chăn nuôi.
|
Hành trình làm giàu của ông Tâm bắt đầu từ 9 sào đất màu trồng đậu phụng, xen canh bắp - đậu xanh và nhiều loại cây trồng cạn khác. Bên cạnh đó, ông đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo, gà, vịt. Ngoài ra, ông còn thuê mặt bằng ở thị tứ Đồng Phó mở dịch vụ tổng hợp buôn bán các mặt hàng nông sản, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi. Ông Tâm cho biết: “Qua Internet, tôi đã học và áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Cũng nhờ “nét”, tôi đã tìm kiếm được thị trường và đối tác làm ăn. Bây giờ, công việc làm ăn đã vào khuôn khổ, hoạt động SXKD cũng đỡ vất vả hơn. Riêng năm 2012, gia đình tôi đạt doanh thu gần 4 tỉ đồng, lợi nhuận trên 370 triệu đồng”.
Điều đáng quý ở ông Tâm là ông rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội và hỗ trợ cây, con giống cho 50 nông hộ phát triển kinh tế nông thôn, được nhân dân địa phương yêu quý và tin tưởng bầu ông làm chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân và chủ nhiệm câu lạc bộ internet nông dân”.
Làm giàu từ cây giống
Ông Đặng Văn Bình, ở thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An (huyện Tuy Phước) là một nông dân thành công trên lĩnh vực kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Ông cho biết: “Nhận thấy nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng ngày càng cao, tôi đã lên huyện Vân Canh thuê 2,5 ha đất để đầu tư xây dựng vườn ươm cây giống. Ban đầu vốn ít, kỹ thuật còn hạn chế, tôi đầu tư vườn ươm với quy mô nhỏ và dâm hom keo với số lượng cây hạn chế. Sau đó tôi mày mò học hỏi và áp dụng phương pháp nuôi cấy mô keo lai, bạch đàn, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước và dàn phun tưới nước tự động, nhờ đó hoạt động ươm trồng, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đạt hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
|
Vườn ươm cây giống lâm nghiệp của ông Đặng Văn Bình.
|
Ông Bình còn thuê đất trồng 12 ha rừng kinh tế và xây dựng thêm chuồng trại thường xuyên nuôi 60 con heo thịt. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông doanh thu khoảng 600 triệu đồng từ tiền cây giống và tiền bán heo, sau khi trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Ông Bình còn là người đi đầu trong phong trào nông dân SXKD giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhiều nông hộ được ông hỗ trợ cây-con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Năm 2012, tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân SXKD giỏi toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội, ông Bình đã được Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen.
|