Trù phú những làng biển
23:5', 27/1/ 2013 (GMT+7)

Hoài Nhơn là thủ phủ của nghề biển. Từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều ngư dân đóng tàu lớn, vươn ra khơi xa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Về Hoài Nhơn những ngày cuối năm để cảm nhận thật rõ sự khỏe khoắn, no ấm ở từng làng biển.

 

Một góc làng biển Hoài Hương (Hoài Nhơn). Ảnh: TRẦN VĂN

 

Hoài Nhơn có 6 xã ven biển, với gần 18.000 lao động sống bằng nghề biển. Huyện có 2.348 tàu cá; trong đó, số tàu có công suất từ 90 CV trở lên chiếm khoảng 60%. Năm 2012, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của huyện đã đạt kỷ lục từ trước đến nay với hơn 9.000 tấn.

Những mùa biển no

Ngược chiều gió mặn, về với xã biển Tam Quan Bắc, bắt gặp bao vẻ mặt tươi tắn, hân hoan của những ngư dân hào sảng, bộc trực, không giấu giếm niềm vui nỗi buồn. Anh Phan Ngọc Độ, ở thôn Tân Thành 2, người có 4 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Ở Tam Quan Bắc giờ nhà nhà đều háo hức đóng tàu lớn ra khơi xa đánh bắt, vừa có sản lượng cao, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Từ năm 2005, 4 anh em trai nhà anh Độ đã thành lập tổ đoàn kết trên biển, mải miết rong ruổi ngang dọc biển đảo quê hương. Theo anh Độ, hiệu quả đánh bắt năm nay cao hơn các năm trước khá nhiều. Anh nhẩm tính, nếu các tàu câu cá ngừ đại dương cứ liên tục chất đầy khoang cá thì bình quân mỗi người đi bạn kiếm được 40-50 triệu đồng/năm, còn chủ tàu thu về gấp 8 lần số đó sau khi đã trừ mọi phí tổn. Anh Độ cười thật tươi: “Mong sẽ có nhiều mùa biển no như năm nay, ngư dân tụi tui sẽ hăng hái ra khơi đánh bắt, làm giàu cho gia đình và xã hội”.

Ở Hoài Nhơn, nếu so sánh hiệu quả mỗi chuyến biển thì không đâu bằng ngư dân Hoài Thanh với nghề lưới vây rút chì. Theo ông Nguyễn Quang Phương, Vạn phó xã Hoài Thanh, ở Hoài Thanh nghề biển phát triển mạnh nhất ở thôn Lâm Trúc 2 với gần như các gia đình đều làm biển, và phần lớn cũng đều có kinh tế vững vàng. Ông Phương cho biết: “Thôn Lâm Trúc 2 hiện có hơn 200 tàu trên 90 CV liên tục đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. Có tàu đánh bắt được 3-4 tấn cá mỗi chuyến biển; trừ phí tổn có chuyến chủ tàu thu về cả trăm triệu đồng. Nhiều người dân trong xã đầu tư đóng mới tàu thuyền, có chiếc trị giá 2-3 tỉ đồng, để chuyển từ đánh bắt bằng nghề mành chụp mực sang đánh bắt bằng nghề lưới vây”.

Chăm chút cuộc sống mới

Không chỉ cố gắng bám biển làm giàu, ngư dân Hoài Nhơn còn tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm chăm lo việc học hành của con cái. Riêng tinh thần “tương thân tương ái” vốn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân miền biển, nay càng keo sơn, khắng khít hơn.

Về thôn Lâm Trúc 2, sự trù phú được thể hiện ngay từ những dãy nhà cao tầng hai bên đường. Tôi dừng chân trước nhà ông Đỗ Re, 59 tuổi, một ngư dân kỳ cựu của thôn với hơn 40 năm bám biển. Ngôi nhà khang trang, rộng rãi, bốn bên trồng cây xanh tạo không khí trong lành, mát rượi. Người ngư dân chân chất trông thật thảnh thơi với cơ ngơi bề thế, con cái đều đã ổn định cuộc sống. Nhấp tách trà nóng, ông chậm rãi nói: “Tuổi này, tôi còn bám biển vì mến yêu biển đảo quê mình. Với chiếc tàu đóng mới gần xong, tôi có tổng cộng 7 chiếc. Ở đây, nhà nào cũng có vài chiếc, không đủ người chạy thì thuê tài công thay nhau ra khơi. Hai con trai lớn của tôi đứa 2 chiếc, đứa 3 chiếc. Biển no nên bà con mình phấn khởi lắm!”.

Cách đây gần chục năm, Lâm Trúc 2 đã được công nhận thôn văn hóa và từng được Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen vì thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa. Để có được thành tích ấy, bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế, người dân trong thôn luôn ý thức đoàn kết, tương thân tương ái, chăm lo cho con cái, giữ gìn an ninh trật tự trong từng nóc nhà, ngõ xóm.

Năm 2005, Tam Quan Bắc đã quyết tâm xây dựng xã văn hóa và được tỉnh công nhận danh hiệu này vào năm 2008. Hội Khuyến học xã được thành lập năm 2002 đã góp phần đưa phong trào khuyến học của xã phát triển sâu rộng. Năm 2011, Tam Quan Bắc được Hội Khuyến học huyện công nhận là “xã khuyến học”. Năm 2011, xã có 3.485 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học”, đạt tỉ lệ 84%; 7/10 thôn đạt danh hiệu “Khu dân cư khuyến học” và dòng họ Lê đạt danh hiệu “Dòng họ hiếu học”. Số cử nhân, thạc sĩ có “gốc biển” ngày càng nhiều hơn. 

“Nhiều người hỏi tôi, con cái đi học, đi làm nhà nước hết lấy đâu ra bạn đi biển. Nhưng, tôi và nhiều anh em khác lại nghĩ, đó là chuyện vui, có thể không trực tiếp ra khơi nhưng bằng cách này cách khác con cháu chúng tôi cũng sẽ giúp làng biển quê hương thêm trù phú”, anh Phan Ngọc Độ tâm sự.

  • KHÁNH NGỌC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những nông dân “đời mới”  (27/01/2013)
Hòa “lùn” - người trồng sanh xứ cát  (27/01/2013)
“Giữ lửa” cho làng nghề  (27/01/2013)
Vườn mai ông Trực  (27/01/2013)
Tình thương từ những mái nhà  (27/01/2013)
Neo đậu cùng đời chợ  (27/01/2013)
Những “nhịp cầu” của đặc sản Bình Định  (27/01/2013)
Qua miền dưa cà mắm muối…  (27/01/2013)
Bánh tét Bà Xê  (26/01/2013)
Độc đáo hải sản Quy Nhơn  (26/01/2013)
Về núi ăn gạo to  (26/01/2013)
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)
Cái khuôn bánh thuẫn của má  (26/01/2013)
Kỳ thú thác An Lão  (26/01/2013)