Củ kiệu Phù Mỹ từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước, được đưa đi tiêu thụ khắp các vùng miền, nhất là khi xuân về, Tết đến. Năm nay, kiệu Phù Mỹ đang được xúc tiến đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, một bước tiến mới để cây kiệu “có giá” hơn về mặt kinh tế.
Hương vị nồng nồng, cay cay của dưa kiệu đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của nhiều gia đình Việt. Trong nước có nhiều nơi trồng kiệu, nhưng kiệu Phù Mỹ vẫn được những người sành ăn lựa chọn bởi hương vị rất riêng. Kiệu Phù Mỹ ngon nhờ đất thịt pha cát, khí hậu, nguồn nước… kết thành chất kiệu đặc trưng, giòn, chắc, thơm nồng, cay vừa phải.
|
Người dân chăm chút từng bó kiệu trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: MAI HỒNG
|
“Được mùa” dự án nâng tầm cây kiệu
Trên cùng một chân đất, trồng kiệu lãi gấp 5-7 lần so với trồng lúa và hơn hẳn nhiều loại rau màu khác nên hiện nay nhiều xã trong huyện như: Mỹ Trinh, Mỹ Quang, Mỹ Phong, Mỹ Tài, Mỹ Chánh, Mỹ Lợi, Mỹ Hòa..., kể cả một số xã ven tuyến biển Phù Mỹ cũng trồng kiệu, với tổng diện tích hơn 400 ha, doanh thu 6 - 7 tỉ đồng/năm.
“Nếu tiêu thụ được, chúng tôi có thể trồng kiệu để bán quanh năm”
Ông TRẦN VĂN PHỤ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Trinh |
Năm 2012, kiệu Phù Mỹ “được mùa” dự án khi 2 dự án cấp Nhà nước cùng được thực hiện với mục đích giúp cho cây kiệu có thể nâng cao chất lượng, sản lượng và được bảo hộ về mặt thương hiệu. Trước hết là Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng kiệu Phù Mỹ” được triển khai. Tiếp theo là Dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ dùng cho sản phẩm củ kiệu huyện Phù Mỹ - tỉnh Bình Định”, cũng đang được gấp rút triển khai để cây kiệu nhanh chóng được bảo hộ thương hiệu trong mùa kiệu Tết năm nay. Khi đã được đóng mác “kiệu Phù Mỹ”, người dân sẽ chủ động được giá bán thay vì phải phụ thuộc vào thương lái.
Niềm vui… có thương hiệu
Theo chân ông Trần Văn Phụ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Trinh - địa phương trồng kiệu nhiều nhất huyện Phù Mỹ - thăm các ruộng kiệu trong một ngày cuối năm trời hơi se lạnh, nhìn những luống kiệu lá xanh rì gần đến ngày thu hoạch nằm xen lẫn với ruộng lúa và các loại rau màu khác, chúng tôi có thể cảm nhận được “mùi vị” của Tết đang đến rất gần.
Nông dân Phù Mỹ tận dụng diện tích đất bạc màu, ruộng chân cao… không thể trồng lúa để trồng kiệu. Và cũng kỳ lạ thay, đất càng khô cằn, bạc màu thì hương vị kiệu lại càng cay, càng nồng. Chỉ tay vào những ruộng kiệu xanh mướt như báo hiệu cho một mùa bội thu, ông Phụ cho biết: “Hầu như cả xã nhà nào cũng trồng kiệu, ít thì cũng vài sào, nhiều thì cả ha. Chỉ cần có 3-4 sào kiệu, mỗi mùa kiệu Tết đã thu được 15-30 triệu đồng. Những năm trước phải bán cho được kiệu trước Tết, có khi phải “bán đổ bán tháo” vì bị ép giá; nhưng bắt đầu từ năm ngoái, những ruộng kiệu chưa bán được thì ra Tết thương lái vẫn tiếp tục thu mua, có bao nhiêu cũng mua hết. Nghe cây kiệu được xây dựng thương hiệu, người dân mừng lắm. Có thương hiệu thì củ kiệu sẽ được giá hơn, sẽ không bị kiệu các nơi khác “mượn danh” làm giảm uy tín. Nếu tiêu thụ được, chúng tôi có thể trồng kiệu để bán quanh năm”.
|
Kiểm tra chất lượng kiệu Phù Mỹ.
|
Triển vọng mới cho kiệu Phù Mỹ
Nếu có dịp đi trên quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Phù Mỹ vào những ngày tháng Chạp, ai cũng sẽ cảm nhận được hương vị cay nồng đặc trưng của củ kiệu lan tỏa khắp nơi. Bà con nông dân Phù Mỹ tập trung thu hoạch, vận chuyển kiệu đến các điểm thu mua. Những giỏ kiệu cứ nối đuôi nhau nườm nượp từ các cánh đồng về các vựa rồi lên xe tỏa đi khắp mọi miền.
Kiệu được mùa không chỉ người trồng kiệu vui, mà theo như cách ví von của ông Hà Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - thì niềm vui có “hiệu ứng dây chuyền”. Người trồng kiệu vui, các dịch vụ “ăn theo” từ cây kiệu cũng thu hút hàng ngàn lao động có việc làm: tiểu thương thu mua kiệu, người đan giỏ đựng kiệu, người làm công nhổ, chặt, xếp bó, bốc vác, xe vận chuyển...
Năm nào được mùa kiệu, thì năm đó người dân Phù Mỹ ăn Tết vui vẻ, sung túc hơn. Bởi vậy, ông Tân khẳng định, năm 2013 này toàn huyện sẽ nâng cao diện tích cây kiệu lên 600 ha, và nỗ lực thực hiện các dự án, nhất là hoàn tất việc xây dựng thương hiệu cho cây kiệu. Cây kiệu được bảo hộ sẽ là nền tảng cho những dự án tiếp theo, như: xây dựng xưởng chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ kiệu… với mục đích lâu dài là giúp người dân có thể làm giàu từ cây kiệu.
|