Ngư dân vươn khơi bám biển
15:53', 28/1/ 2013 (GMT+7)

Đầu tư đóng tàu cá công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ và các trang thiết bị hiện đại; đoàn kết giúp nhau khai thác, đánh bắt… đã giúp ngư dân Bình Định vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày, hoạt động đánh bắt thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao…

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh, Bình Định có số lượng tàu thuyền đánh cá thuộc loại lớn nhất ở khu vực duyên hải miền Trung với khoảng 7.750 tàu cá, trong đó có 60% chuyên hoạt động ở các ngư trường ngoài tỉnh. Điều đáng nói là hiện nay ngư dân đã ý thức cao trong việc nâng cao năng lực khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Nhiều ngư dân đã đầu tư hàng tỉ đồng để đóng tàu công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị hiện đại, bám biển dài ngày khai thác các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

 

Bến Thiện Chánh (Tam Quan Bắc- Hoài Nhơn). Ảnh: TRẦN VĂN

 

Được mùa biển

Gia đình hộ ngư dân Nguyễn Văn Ái, ở xã Mỹ An - huyện Phù Mỹ có 4 tàu cá công suất lớn. Trong đó, lớn nhất là chiếc tàu cá BĐ-94439 TS, dài 26 m, rộng 7,5 m, nặng 150 tấn, công suất 900 CV (lớn gấp 10 lần công suất trung bình của các tàu cá đánh bắt xa bờ phổ biến hiện nay), chịu được biển động cấp 7, cấp 8, tổng giá trị 3,5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Ái cho biết: “Năm 2012, hoạt động khai thác thủy sản khá thuận lợi. Mỗi tháng chúng tôi đi 2 chuyến biển ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa và nhiều vùng biển khác của nước ta, mỗi chuyến khai thác được từ 45-50 tấn thủy sản, doanh thu trên 4 tỉ đồng. Ngoài ra, đội tàu cá của gia đình tôi còn có 75 thợ bạn, thu nhập bình quân 180 triệu đồng/người/năm. So với năm trước, doanh thu năm nay cao hơn, nên cả chủ tàu và thợ bạn đều rất phấn khởi”.

Tài công Nguyễn Minh Vương (con trai ông Ái) chỉ tay về chiếc máy tầm ngư anh vừa mua về: “Chiếc máy tầm ngư này trị giá 1,1 tỉ đồng. Tôi mua về để lắp đặt cho tàu cá BĐ 94529 TS công suất 800 CV. Đánh bắt giữa biển khơi sóng cả rủi ro nhiều, nên cần có đội tàu có công suất lớn, thiết bị hiện đại để vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Tàu lớn vừa có thể đánh bắt hiệu quả hơn, vừa góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Chi cục, bà con ngư dân trong tỉnh đã tự nguyện thành lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt xa bờ, mỗi tổ có 3-5 tàu cá nhằm giúp nhau bám biển dài ngày. Hoạt động này vừa tiết kiệm chi phí và giúp đỡ nhau khi hoạn nạn trên biển, mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ vậy, sản lượng khai thác trong năm 2012 ước đạt 148.390 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt 8.460 tấn, tăng 83,9%. Đáng mừng hơn nữa là giá sản phẩm năm nay cao hơn các năm trước, ngư dân có thu nhập khá cao.

 

Ngư dân Hoài Nhơn đưa sản phẩm cá ngừ đại dương lên bờ để tiêu thụ.

 

Hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Để giúp ngư dân sản xuất có hiệu quả, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Trong năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ 105,549 tỉ đồng cho nhiều hộ ngư dân mua nhiên liệu, máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên.

“So với những năm trước, năm 2012 là năm ngư dân tỉnh ta đóng mới nhiều tàu thuyền nhất, với hơn 150 tàu có công suất từ 250 CV trở lên. Ngoài ra, nhiều ngư dân còn mua tàu cũ có công suất lớn ở các địa phương khác trong khu vực, nhất là ở Ðà Nẵng, về tu sửa, nâng cấp”.

Bà MAI KIM THI, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chi cục KT-BVNLTS tỉnh cũng đã vận động ngư dân tại các địa phương ven biển thành lập 242 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy hải sản trên biển với 814 tàu cá tham gia. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có số tổ, đội nhiều nhất với 184 tổ, đội, 575 tàu, chủ yếu khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương, câu mực… Việc thành lập tổ, đội đoàn kết đã giúp ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản đạt hiệu quả cao hơn, cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau khi có tai nạn, thiên tai xảy ra. Chi cục còn tiếp nhận và hỗ trợ thiết bị công nghệ Movimar (thiết bị quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) để trang bị cho các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển xa. Qua đó, giúp việc nắm bắt thông tin chính xác hoạt động của tàu cá trên biển; hỗ trợ ngư dân khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giúp ngư dân tiếp nhận dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác để tìm nơi trú ẩn an toàn khi có gió bão.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Ngoài chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân bám biển, vươn khơi, như hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt, thông tin liên lạc, bảo hiểm… của Nhà nước, hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân. Đây là quỹ nhân đạo được huy động từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhằm hỗ trợ cho ngư dân gặp khó khăn do thiên tai; tàu bị đâm chìm trên biển; bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, phương tiện khi đang hành nghề trên vùng lãnh hải Việt Nam. Các hoạt động nói trên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với ngư dân, giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày, hoạt động khai thác, đánh bắt đạt hiệu quả cao…         

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiệu Phù Mỹ nâng tầm thương hiệu  (28/01/2013)
Trù phú những làng biển  (27/01/2013)
Những nông dân “đời mới”  (27/01/2013)
Hòa “lùn” - người trồng sanh xứ cát  (27/01/2013)
“Giữ lửa” cho làng nghề  (27/01/2013)
Vườn mai ông Trực  (27/01/2013)
Tình thương từ những mái nhà  (27/01/2013)
Neo đậu cùng đời chợ  (27/01/2013)
Những “nhịp cầu” của đặc sản Bình Định  (27/01/2013)
Qua miền dưa cà mắm muối…  (27/01/2013)
Bánh tét Bà Xê  (26/01/2013)
Độc đáo hải sản Quy Nhơn  (26/01/2013)
Về núi ăn gạo to  (26/01/2013)
Mộc mạc bánh in  (26/01/2013)
Chưng cất men nồng mùa Xuân  (26/01/2013)